Bộ tiêu chuẩn cho trẻ 5 tuổi

Chuẩn mà… không chuẩn

Nhiều GV lo ngại nếu đã đưa ra chuẩn thì có nghĩa là 100% các em phải đạt được 125 chỉ số đó. Vậy, nếu ví dụ có em không đạt được thì phải học lại mẫu giáo hay sao?!

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố dự thảo Bộ tiêu chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi, theo đó có 29 chuẩn bao gồm 125 chỉ số để làm căn cứ cho việc điều chỉnh và phát triển chương trình giáo dục mầm non. Tuy nhiên, một số nhà quản lý, giáo viên và phụ huynh cho rằng, có nhiều chỉ số đặt ra khiến ngay cả người lớn cũng… “sốc”.

Nhiều chỉ số vô lý!

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Sao Sáng, Hà Nội, cho biết: “Các chỉ số trong bộ chuẩn này có rất nhiều điểm trùng lặp, không cần thiết và hầu hết những nội dung trong chuẩn cũng đã có trong chương trình mẫu giáo hiện nay. Nhiều chỉ số rất vô lý, có chỉ số quá dễ, lại có chỉ số quá khó. Chẳng hạn, ở lĩnh vực phát triển thể chất: yêu cầu trẻ phải bật xa tối thiểu là 50cm bằng hai chân là quá khó đối với trẻ 5 tuổi. Thực tế, hiện nay giáo viên (GV) chỉ yêu cầu trẻ bật xa tùy vào thể lực của từng cháu và bật xa nhất cũng chỉ là 25 - 30cm, thậm chí có trẻ nhút nhát thì 20cm cũng không chịu nhảy; hay yêu cầu trẻ nhảy từ độ cao 40cm và tiếp đất an toàn cũng là không cần thiết và không đảm bảo an toàn vì trẻ rất dễ bị trẹo chân khi nhảy cao như vậy; yêu cầu chạy 18m với thời gian nhiều nhất trong 5 giây cũng cao so với trẻ”.

Theo bà Hà, GV chỉ dạy kỹ năng luyện tập thể dục chứ không thể bắt ép các cháu, vì điều này còn tùy thuộc vào thể lực, tâm lý của từng cháu. Hơn nữa, với điều kiện cơ sở vật chất hiện nay của trường thì khó có thể đáp ứng được, ngay cả học tập, ăn uống, ngủ nghỉ của trẻ cũng chỉ trong một phòng duy nhất, thì làm gì có phòng tập thể chất riêng. Một vấn đề nữa cũng vô cùng quan trọng, đó là khi thực hiện những bài tập khó như vậy, nếu có gì xảy ra với trẻ thì cũng không có cán bộ y tế để khám chữa cho trẻ. “Phần thể chất cần phải nghiên cứu lại một cách kỹ lưỡng để phù hợp với đặc điểm lứa tuổi, tâm lý, sức khỏe của trẻ 5 tuổi…” - bà Hà đề nghị. 

Ở lĩnh vực phát triển tình cảm và quan hệ xã hội cũng có nhiều điều bất hợp lý. Ví dụ, chuẩn 14 với nội dung biết tôn trọng người khác, nghe rất lý thuyết và ngay cả với người lớn cũng không hề đơn giản. Cụ thể là: yêu cầu trẻ nói được khả năng và sở thích của người khác; hay biết nhận ra sự công bằng trong nhóm bạn và biết cách tạo lại sự công bằng… Ở phần này, chỉ cần trẻ biết chào hỏi lễ phép, khi người lớn nói chuyện không nên đùa nghịch ồn ào là được.

Chị Nguyễn Lan Anh, quận Đống Đa (Hà Nội) bày tỏ: “Tôi không rõ khi đưa ra những chuẩn này, Bộ GD-ĐT căn cứ vào cơ sở nào? Lấy cơ sở trong nước (vùng, miền, nông thôn, thành phố...) hay quốc tế? Nếu đối chiếu chuẩn để đánh giá trẻ có thể sẽ thiếu chính xác, gây thiệt thòi cho trẻ. Trường hợp, con tôi không đạt chuẩn thì sẽ ra sao, việc lưu giữ kết quả đánh giá trong hồ sơ cá nhân của trẻ sẽ khiến cho các cháu mất đi sự hồn nhiên. Thực tế, chẳng GV nào muốn trong lớp mình có nhiều em “không đạt chuẩn”, vì vậy, vô tình chúng ta lại đẩy các em trở thành nạn nhân của bệnh thành tích của cả lớp, cả trường và bậc học giáo dục mầm non”.

Không nên gọi là chuẩn mà chỉ coi như tiêu chí định hướng giáo viên trong giảng dạy trẻ, thể hiện mong muốn của người lớn, chứ không thể bắt tất cả các trẻ đều đạt được. Vấn đề đặt ra là Bộ GD&ĐT cần chứng minh Bộ chuẩn này đạt chuẩn mực Khoa học.                  

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà

Thực tế, nhiều GV lo ngại cho rằng, nếu đã đưa ra chuẩn thì có nghĩa là 100% các em phải đạt được 125 chỉ số đó. Vậy, nếu ví dụ có em không đạt được thì xử lý sao, phải học lại mẫu giáo hay sao?! Hơn nữa, trình độ GV mầm non ở nhiều nơi còn hạn chế và công việc đã luôn quá tải khi vừa phải giảng dạy, chăm lo ăn uống và vệ sinh cho trẻ, giờ nếu phải triển khai chuẩn sẽ rất mất thời gian và vất vả cho GV.

Không nên áp đặt những con số “chết cứng”

Theo PGS.TS Nguyễn Công Khanh, chuyên gia tâm lý trẻ em - ĐH Sư phạm Hà Nội, bộ chuẩn đánh giá trẻ 5 tuổi là cần thiết nhưng không nên có nhiều tiêu chí như thế. Trước hết, phải xem xét yếu tố nào cần thiết và áp dụng nhuần nhuyễn, không nên áp đặt cứng nhắc theo những con số. Chẳng hạn, trong giờ học, không nên yêu cầu quá khắt khe về việc cắt đủ bao nhiêu đường cong, đường thẳng vì như thế sẽ khiến trẻ căng thẳng. Tuy nhiên, nên gọi là tiêu chí thì chính xác hơn.

Ông Khanh cho rằng, toàn bộ các tiêu chí sẽ tạo ra “bộ chuẩn” chứ không nên gọi từng chuẩn một. Bởi, quy định từng chuẩn sẽ có quan niệm “nếu không đạt 1 trong 29 chuẩn quy định thì có nghĩa con tôi không đạt chuẩn”, dẫn đến lo lắng. Và thay cho cách gọi chỉ số bằng các chỉ báo vì chỉ báo nói đến khả năng định tính, tiện quan sát, đánh giá. Mỗi trẻ phát triển theo những thiên hướng khác nhau, bé này phát triển khá nhanh về lĩnh vực ngôn ngữ, bé kia chậm hơn. Bé này phát triển khá tốt về lĩnh vực vận động, bé khác lại chậm. Nhưng điều này là bình thường. Chính vì thế, những chỉ số trong dự thảo chuẩn đưa ra nên hiểu là những chỉ báo để có căn cứ đánh giá. Nên viết định tính bằng từ “có thể” có nghĩa là đứa trẻ này làm được, nhưng đứa trẻ kia không làm được, cũng không sao.

Một tiến sỹ ở Khoa Sư phạm mầm non, trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: Hiện nay, để đánh giá sự thông minh của trẻ, các nhà tâm lý đã đưa ra chỉ số IQ; còn về thể lực thì các chuyên gia dinh dưỡng, y tế đã có những chỉ số về chiều cao, cân nặng, vì thế không nhất thiết cần có một bộ chuẩn nữa./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên