Chuyên gia góp ý dự thảo kỳ thi THPT Quốc gia 2017
VOV.VN -Để có thể góp ý được chính xác hơn, chúng ta cần nhìn lại kỳ thi năm nay (2016) và xem tổng thể toàn bộ đề án mới của Bộ.
VOV.VN xin giới thiệu ý kiến của tác giả Bùi Việt Hà về kỳ thi THPT quốc gia 2017:
Tôi xin viết góp ý cho đề cương mới của kỳ thi THPT Quốc gia 2017 mà Bộ GD&ĐT đang đưa ra dự thảo để xin ý kiến. Hiện mọi người đều đang tập trung góp ý vào 1 thay đổi của đề án mới này là đề thi môn Toán cho sang năm sẽ là trắc nghiệm (mới) hay tự luận (như cũ). Để có thể góp ý được chính xác hơn, chúng ta cần nhìn lại kỳ thi năm nay (2016) và xem tổng thể toàn bộ đề án mới của Bộ. Tôi xin góp ý như sau:
- Kỳ thi năm nay 2016 rõ ràng đã diễn ra an toàn hơn, tốt hơn năm 2015. Do có những thay đổi cơ bản trong việc nộp hồ sơ và phần mềm chạy tốt hơn nên không xảy ra sự cố lớn nào, ngược hẳn lại với năm trước. Như vậy riêng về điều này, kỳ thi năm nay đã tiến bộ hẳn hơn so với năm trước, và cần phát huy điều này.
Các thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia |
- Trong các báo cáo, tổng kết của kỳ thi năm nay phần lớn chỉ nhắc đến phần "thi tuyển ĐH, CĐ" mà không nhắc đến phần "xét TN THPT" của kỳ thi. Đây là kỳ thi 2 trong 1, có 2 nhiệm vụ rõ ràng: (1) Xét TN THPT và (2) Xét tuyển sinh ĐH, CĐ. Đến giờ chưa thấy nhiều các đánh giá cho phần thi (1).
Theo tôi cần phải đánh giá kỹ phần này vì đây là nhiệm vụ số 1 và là nhiệm vụ chính của kỳ thi này (nguyên nhân sẽ nói kỹ hơn trong phần sau).
- Việc có những "sự cố" như các trường không đủ chỉ tiêu, hay chỉ tiêu gọi bổ sung lại có điểm chuẩn thấp hơn so với lần 1, là hoàn toàn dễ hiểu, đơn giản là cung nhiều hơn cầu. Về điều này chắc chắn từ sang năm sẽ còn nhiều hơn nữa, Bộ cần thay đổi quy chế cho phép những thí sinh đã trượt vòng 1, nếu có vòng 2, 3… thì vẫn có thể tham gia nếu đủ điều kiện.
- Năm nay theo các quy định mới tất cả các nhà trường ĐH và CĐ đều có quyền chủ động hoàn toàn trong việc tuyển sinh. Thực tế hầu hết các trường ĐH, CĐ đều xét tuyển theo các nguồn tiêu chuẩn sau:
1. Xét thông qua học bạ THPT của học sinh hoặc các xét tuyển riêng.
2. Xét thông qua điểm kỳ thi THPT Quốc gia.
3. Xét thông qua điểm thi năng lực của ĐHQGHN.
Như vậy, bản thân kỳ thi THPT Quốc gia năm nay chỉ là 1 trong 3 nguồn dữ liệu để các nhà trường xét tuyển. Điều này cho thấy tính đa dạng, mở trong việc xét tuyển và học sinh có rất nhiều cơ hội để tìm kiếm các trường đại học, cao đẳng của mình. Xu thế này cần được phát huy nhiều nữa trong tương lai, cần có nhiều hơn các nguồn để tuyển sinh, tất nhiên Bộ GD&ĐT cần đánh giá chất lượng của tất cả các nguồn này.
- Một số nhà trường và chuyên gia có kêu ca về việc tuyển sinh không đủ chỉ tiêu là do cách tuyển sinh của Bộ (cho phép mỗi thí sinh đăng ký 2 trường, mỗi trường 2 ngành). Điều này hoàn toàn không chính xác.
Nên nhớ rằng, năm nay mỗi thí sinh có thể có nhiều cách để tìm trường của mình (ví dụ theo 1 trong 3 cách vừa nêu), do vậy nếu 1 thí sinh đã đăng ký trúng tuyển vào 1 nguyện vọng thì chưa chắc thí sinh này sẽ nộp hồ sơ vào vị trí đó. Về tổng thể, rõ ràng nguồn cung chỉ tiêu của các trường đã vượt nhu cầu thực tế, do đó hiện tượng tuyển sinh không đủ là hiển nhiên sẽ xảy ra. Việc các nhà trường tuyển không đủ chỉ tiêu thì họ cần xem lại chính mình, rà soát lại chất lượng đào tạo của mình và cả công tác tuyên truyền nữa.
Tóm lại việc tuyển sinh không đủ chỉ tiêu và hồ sơ ảo sẽ không bao giờ hết, các nhà trường phải tự giải quyết vấn đề đó cho riêng mình, không thể trông chờ vào Bộ.
- Riêng về thuật toán xét tuyển tôi có nhận xét và ý kiến:
+ Việc cho mỗi thí sinh được đăng ký 2 trường, mỗi trường 2 ngành, thực chất là 4 ngành như vậy là hợp lý, nhưng nếu cho phép được đăng ký 4 ngành trong mã 4 trường (ví dụ như quy định của nhóm GX) thì hay hơn rất nhiều. Bảo đảm thuật toán xử lý không thay đổi nhưng HS sẽ có nhiều lựa chọn hơn.
+ Việc công bố bằng phần mềm trúng tuyển chỉ 1 nguyện vọng duy nhất theo thứ tự ưu tiên thì hợp lý với phần mềm, nhưng chưa hợp lý trên thực tế. Chỗ này có thể cải tiến sao cho phần mềm vẫn xử lý tốt, các trường không ảnh hưởng, nhưng thí sinh được lựa chọn tốt hơn.
Ví dụ: Thí sinh đăng ký 4 nguyện vọng A, B, C, D. Theo thuật toán xét tuyển ưu tiên thí sinh này đỗ nguyện vọng B. Do vậy thí sinh này trượt A, nhưng vẫn có thể đỗ C, D. Khi đó nên cho phép thí sinh này nộp hồ sơ cả vào các trường có điểm chuẩn thấp hơn điểm của thí sinh này (ví dụ C hoặc D) nhưng cao hơn điểm chuẩn của nguyện vọng B.
Nếu thay đổi như vậy số lượng hồ sơ ảo có thể tăng lên như quyền lợi của thí sinh được đảm bảo tốt hơn. Như vậy tôi góp ý cho thuật toán xét tuyển như sau: trong phiếu thông báo kết quả xét sẽ thông báo dạng như sau:
Nguyện vọng 1: không trúng tuyển.
Nguyện vọng 2: trúng tuyển. Điểm chuẩn là XXXX.
Nguyện vọng 3: điểm chuẩn là YYYY.
Nguyện vọng 4: điểm chuẩn là ZZZZ./.