Chuyện lạ khi nghe tin 30% công chức thi trượt nâng ngạch!
(VOV) -Kết quả trên khiến chúng ta phải suy ngẫm về trình độ thực sự của cán bộ, công chức hiện nay.
Mấy ngày nay, nhiều cán bộ, viên chức đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị Nhà nước không khỏi bất ngờ, ngạc nhiên trước thông tin Bộ Nội vụ vừa cho biết, có đến 30% công chức dự thi nâng ngạch chuyên viên chính lên chuyên viên cao cấp theo nguyên tắc cạnh tranh trong kỳ vừa qua không đạt điểm để xét. Trong số này có nhiều người là lãnh đạo cấp Cục, Tổng cục. Ngay trong Bộ Nội vụ cũng có 9/22 công chức không đạt được số điểm yêu cầu.
Trong lần thi tuyển này, Bộ Nội vụ tiến hành tổ chức thi theo phương thức trực tuyến, 3 môn thi trên máy tính, 2 môn thi viết do Hội đồng chấm. Trong số hơn 600 hồ sơ dự thi, Bộ chỉ tuyển được hơn 30 người trong số chỉ tiêu cần tuyển là 59 người.
Đại diện lãnh đạo Bộ Nội vụ còn nhấn mạnh, đây là kỳ thi được tổ chức khách quan, công bằng, nghiêm túc, phản ánh đúng chất lượng công chức dự thi từ trước tới nay. Bằng chứng là chính chuyên viên trong Bộ Nội vụ cũng có tỷ lệ không đạt như các ngành khác đã cho thấy, không có ngoại lệ và “vùng cấm” trong kỳ thi nâng ngạch.
Bộ Nội vụ áp dụng thi tuyển công chức trên máy tính (Ảnh: Internet) |
Kết quả kỳ thi tuyển nâng ngạch công chức vừa qua khiến chúng ta phải suy ngẫm về sự cải cách trong thi cử; năng lực, trình độ làm việc thực sự của cán bộ công chức hiện nay và vấn đề trọng dụng hiền tài.
Trước tiên, công tác thi tuyển nâng ngạch chuyên viên chính lên chuyên viên cao cấp của kỳ thi năm nay có điểm khác biệt là công chức phải cạnh tranh cao thì mới có thể thi đỗ. Còn những kỳ trước không theo nguyên tắc cạnh tranh nên về cơ bản tất cả những người dự thi đều đỗ, tỷ lệ bị trượt chỉ từ 3-10% (chủ yếu rơi vào số dư).
Kỳ thi lần này được tổ chức theo tinh thần của Luật Cán bộ công chức, nhằm chọn người có đủ trình độ năng lực để bổ nhiệm vào vị trí cao hơn trong nền công vụ, nâng cao chất lượng thi tuyển công chức nên cả những người không nằm trong số dư cũng trượt, nếu không thi đủ các môn thi và mỗi môn thi không đạt từ 50/100 điểm trở lên.
Kết quả trên khiến chúng ta phải đặt câu hỏi là liệu có phải khi kỳ thi năm nay được đổi mới căn bản nên số lượng công chức thi trượt tăng lên nhiều so với những kỳ thi nâng ngạch của những năm trước? Điều này đã cho thấy sự bất cập (chưa kể đến tiêu cực) trong công tác tổ chức thi trước đó mà trong kỳ thi này mới phần nào đề cập tới?
Phải chăng những kỳ thi trước kia chỉ là hình thức nên hầu hết công chức thi nâng ngạch đều đỗ? Và liệu rằng, có phải khi công tác thi được đổi mới, siết chặt và nghiêm túc hơn thì mới phản ánh được trình độ của công chức ở nhiều đơn vị Nhà nước tới đâu?
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng thừa nhận: Trong bộ máy Nhà nước có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu “sáng cắp ô đi, tối cắp về”, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào.
Tại phiên họp thứ sáu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII diễn ra ngày 26/3, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến trích dẫn kết quả điều tra trình độ công chức tại một số tỉnh phía Nam. Theo đó, cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 200 cán bộ ở cơ sở thuê người học hộ, thi hộ và kết quả của một khảo sát chưa đầy đủ cho thấy, chỉ có khoảng 30% số cán bộ sau tuyển dụng làm được việc, 30% phải “cầm tay chỉ việc”, hơn 30% còn lại “cầm tay chỉ việc” vẫn không biết cách làm.
Nhiều người cho rằng, đó là hệ lụy của “yếu tố lịch sử”. Tuy nhiên, có ý kiến phản bác lại là, đành rằng, trong số nhiều cán bộ, công chức của cơ quan Nhà nước, có nhiều người đang hoặc sắp đến tuổi về hưu (đã được vào biên chế từ hàng chục năm trước) với kiến thức và kỹ năng không thể đáp ứng kịp với sự đòi hỏi của công việc thì phần lớn công chức hiện nay đang ở tuổi trung niên hoặc thậm chí rất trẻ. Nhiều người trong số đó không đủ năng lực, trình độ để đáp ứng yêu cầu của cơ quan, công việc.
Bất cập trên phải kể tới chế độ thi cử, tuyển dụng công chức ngay từ khâu đầu vào.
Nếu một cơ quan Nhà nước biết tuyển dụng, sử dụng và phát huy trình độ, năng lực của cán bộ, công chức một cách tốt nhất thì mọi công việc sẽ diễn ra suôn sẻ, đạt hiệu quả cao, góp phần phát triển kinh tế-xã hội. Còn ngược lại, nếu chúng ta sử dụng người không đúng chỗ, không có năng lực, phẩm chất thì sẽ chỉ gây nên sự lãng phí lớn về nguồn nhân lực, gây tốn kém nhiều cho ngân sách Nhà nước, thậm chí nguy hại cho đất nước nếu họ quan liêu, tham nhũng...
Khi tình trạng chạy công chức, chạy việc, chạy chức, chạy quyền được tính dựa trên hàng trăm triệu, hàng nghìn ‘đô” thì liệu rằng, các trong cơ quan, đơn vị Nhà nước sẽ quy tụ, thu hút được những người có năng lực, trình độ, phẩm chất tốt để cống hiến cho sự phát triển của đất nước? Và liệu rằng, khi công tác thi tuyển công chức chưa thực sự rõ ràng, công khai và trung thực thì còn chỗ cho những người giỏi thực sự phát huy năng lực, trí tuệ và tâm huyết hay không?
Chúng ta có quyền mong đợi và hy vọng vào công tác thi tuyển công chức tới đây sẽ tạo bước tiến mới về chất./.