Cô giáo mầm non trăn trở tìm phương pháp giáo dục giới tính cho trẻ
VOV.VN - Sau những sự việc cho thấy những nguy hiểm với học trò của mình, cô Mai Thị Chi Thoa không ngừng tìm tòi, nghiên cứu để đẩy mạnh việc giáo dục giới tính cho trẻ mầm non. Bên cạnh đó, cô còn tìm ra những phương pháp giảng dạy giúp trẻ phát triển tư duy tốt.
Thực tế hiện nay vẫn có không ít cha mẹ lảng tránh trao đổi với con về các chủ đề liên quan tới giới tính. Thậm chí, ngay trong các tiết học có nội dung về giới tính, tình dục, sức khỏe sinh sản trong các nhà trường, vẫn có trường hợp cả cô và trò…đều ngại.
Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, từ tháng 6/2019 đến tháng 6/2021, cả nước có hơn 4.000 trẻ em bị xâm hại, trong đó có hơn 3.600 trẻ là nữ.
Các trường hợp trẻ em bị xâm hại trong giai đoạn 2019-2021 trong độ tuổi 13-16 tuổi là hơn 2.600 trường hợp, chiếm hơn 66%. Đặc biệt có hơn 293 trường hợp là trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại. Con số này có xu hướng năm sau cao hơn năm trước.
Giáo dục giới tính nếu không được quan tâm đúng mức và định hướng ngay từ sớm có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc với trẻ.
Là một giáo viên, đồng thời cũng là một người mẹ, xuất phát từ thực tế công tác giảng dạy, cô Mai Thị Chi Thoa, Trường Mầm non Quy Nhơn, TP Quy Nhơn, Bình Định luôn trăn trở tìm những cách phù hợp để giáo dục giới tính vào giảng dạy cho trẻ mầm non.
Cô Thoa cho biết, từ một câu chuyện của phụ huynh kể về việc do gia đình không có điều kiện, buộc phải gửi con sang nhà hàng xóm nhờ trông giúp, nhưng sau nhiều lần gửi, qua lời kể và biểu hiện của trẻ, phụ huynh này phát hiện con mình không được an toàn, dù sự việc chưa đến mức quá nghiêm trọng.
Khi biết được câu chuyện, cô Thoa đã tư vấn cho phụ huynh sắp xếp công việc, dành thời gian chăm sóc con, hoặc gửi con sang nhà ông bà thay vì nhờ hàng xóm chăm sóc. Từ sự việc này, cô Thoa nghĩ rằng, cần hướng dẫn và dạy các con các kỹ năng để tự bảo vệ chính mình và phòng tránh xâm hại.
“Giáo dục giới tính, dạy cách phòng ngừa xâm hại với trẻ mầm non là điều không dễ dàng bởi các con còn quá nhỏ, do đó cần phải nghiên cứu rất kỹ, chọn lọc ngôn ngữ thật chuẩn mực, phù hợp với độ tuổi của trẻ. Phải nói sao để trẻ hiểu, nhưng lại không được quá tò mò, để các con biết cách bảo vệ bản thân là thách thức không nhỏ với giáo viên”, cô Thoa nói.
Với trẻ mầm non, cô Thoa cho biết, nội dung giáo dục giới tính chỉ ở mức đơn giản như hướng dẫn trẻ biết tự thay quần áo và phải chọn nơi kín đáo, biết cách tự vệ sinh thân thể, tự bảo vệ bản thân trước người lạ, bảo vệ các vùng nhạy cảm trên cơ thể, hay khi bị người lạ có những hành động vi phạm các nguyên tắc được hướng dẫn thì trẻ cần phản kháng, nói ngay với cha mẹ, ông bà hay cô giáo để được bảo vệ khỏi các nguy cơ xâm hại.
Bên cạnh đó, cô Thoa cũng hướng dẫn trẻ cách tự bảo vệ bản thân mình theo quy tắc 5 ngón tay, quy tắc này có trong nhiều tài liệu hướng dẫn phòng ngừa xâm hại cho trẻ nhỏ hiện nay. Ví dụ, ngón cái gần mình nhất, tượng trưng cho những người thân ruột thịt trong gia đình như bố mẹ, ông bà, anh chị em ruột. Bé có thể ôm hôn những người này, hoặc đồng ý cho các thành viên trong gia đình ôm hôn, thể hiện tình yêu thương, tắm rửa khi bé còn nhỏ. Nhưng khi lớn, bé sẽ tự tắm hoặc thay quần áo.
Hay ngón trỏ, tượng trưng cho thầy cô, bạn bè, hay họ hàng của gia đình, những người này có thể nắm tay chơi đùa nhưng chỉ được dừng lại ở đó, còn nếu chạm vào vùng đồ bơi, bé sẽ hét to gọi mẹ.
Hay ngón út - ngón tay xa bé nhất - thể hiện cho những người hoàn toàn xa lạ hoặc người có cử chỉ thân mật, khiến bé thấy lo sợ, bất an. Với những người này, bé hoàn toàn có thể bỏ chạy, hét to để thông báo với mọi người xung quanh.
Cô Thoa cho biết, ngay khi đưa giáo dục giới tính vào dạy cho các trẻ lớp lá 5 tuổi, cô đã nhận được sự ủng hộ của toàn trường và các bậc phụ huynh, từng bước nâng cao nhận thức của trẻ về vấn đề giới tính. Nữ giáo viên cho rằng, để bảo vệ an toàn cho trẻ, không chỉ nhà trường mà còn rất cần sự chung tay của phụ huynh để cùng giáo dục, định hướng đúng đắn cho trẻ, đặc biệt các bậc phụ huynh không nên né tránh các câu hỏi mang tính tò mò của trẻ về vấn đề giới tính mà cần tìm cách giải thích sao cho phù hợp với từng độ tuổi và giai đoạn phát triển của trẻ.
Đẩy mạnh hoạt động trải nghiệm cho trẻ mầm non
Quan niệm học mầm non không chỉ là hướng dẫn trẻ chơi, học hát, học múa, cô Thoa cho rằng, độ tuổi này là giai đoạn quan trọng, cần giúp trẻ phát triển tốt cả về thể chất và tư duy.
Do đó, ngoài đẩy mạnh giáo dục giới tính, trong thời gian qua, cô Thoa còn có sáng kiến “Phát triển tư duy cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi thông qua phương pháp học dựa vào vấn đề”.
Để áp dụng phương pháp học theo vấn đề, cô Thoa thường theo dõi, quan sát để biết trẻ hứng thú với những nội dung nào, đâu là vấn đề trẻ cảm thấy muốn khám phá. “Ví dụ khi tổ chức cho trẻ đi tham quan hay chơi ở vườn trường, nhiều em thích nhặt những chiếc lá lên để chơi, tôi tìm hiểu xem có bao nhiêu em trong lớp có cùng hứng thú như vậy, từ đó tìm đề tài và lên kế hoạch cho trẻ thực hiện. Từ lá cây khô, có thể hướng dẫn các em tạo thành hình những con vật, bông hoa…
Hay khi cho các em xem hình ảnh của miền Trung chìm trong biển nước lũ, từ đó gợi mở để trẻ trả lời câu hỏi, con sẽ làm gì để giúp đỡ đồng bào miền Trung hay đơn giản là nếu gặp tình trạng ngập lụt như vậy cần làm gì để không bị nước nhấn chìm. Nhiều trẻ cho biết sẽ làm thuyền nổi trên sông. Từ ý tưởng đó, tôi hướng dẫn các con làm thuyền bằng các vật liệu tái chế như que kem, vỏ hộp sữa…sau đó cho trẻ thử nghiệm thả trên nước”, cô Thoa chia sẻ.
Việc để trẻ được làm những điều mình thích cũng như có cơ hội được thử nghiệm thành quả của bản thân khiến lớp học của cô Thoa luôn sôi nổi, hào hứng.
Bên cạnh đó, cô cũng thường xuyên tổ chức cho trẻ tự đứng trước lớp nói về những sản phẩm sau khi làm, về quá trình thực hiện, ý tưởng của bản thân…Điều này giúp trẻ tự tin, mạnh dạn hơn, phát triển khả năng tư duy và ngôn ngữ.
Sau khi triển khai đạt được những hiệu quả nhất định, phương pháp này đã được trường mầm non Quy Nhơn áp dụng với các lớp còn lại trong trường.
Với những sáng tạo và cống hiến của cô Mai Thị Chi Thoa trong công tác giáo dục mầm non, nhiều năm liền cô Thoa đã nhận được danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp thành phố, đoạt giải Nhì Hội thi Giáo viên dạy giỏi mầm non cấp tỉnh năm học 2020-2021. Mới đây nhất, cô Thoa là một trong những giáo viên tiêu biểu toàn quốc được vinh danh và tuyên dương tại Lễ Tri ân thầy cô do Bộ GD-ĐT tổ chức./.