Cô giáo trường làng được phong tặng Nhà giáo Nhân dân
Cùng với 17 giáo sư, phó giáo sư trên cả nước, cô Huỳnh Thị Phương Thảo là giáo viên duy nhất đến từ bậc học phổ thông được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (NGND) năm 2020.
Gần 30 năm qua, cô giáo Huỳnh Thị Phương Thảo gắn bó với biết bao lứa học trò Trường Tiểu học Việt Lâm ở huyện vùng xa Châu Thành của tỉnh Long An. Học trò của cô phần lớn đều thiếu vòng tay chăm sóc của cha mẹ - những người ngoài nuôi tôm (một mùa/năm) còn chèo ghe, chèo thuyền kiếm sống. “Học sinh của mình nhiều em chỉ ở với ông bà nội, ngoại, do ba mẹ còn bận đi kiếm sống. Ba mẹ không có thời gian, ông bà đa số không thể kèm cặp cháu, nên học sinh vùng này hơi yếu, dạy cực hơn giáo viên ở thành phố”, cô Thảo nói.
Thương học trò nghèo có khi cơm không đủ ăn, lấy đâu ra tiền để đi học thêm, cô Thảo tận tình hướng dẫn kèm cặp tại lớp. Cộng sự của cô là những học sinh khá, giỏi trong lớp. Cứ thế, cô trò hoàn thành mục tiêu học tập. Nhiều học trò của cô sau này thành danh hoặc rời quê đi làm ăn vẫn ghé thăm cô hoặc ríu rít chia sẻ qua điện thoại. Khi học trò báo tin cô mới biết mình là một trong 18 nhà giáo được công nhận NGND năm 2020.
Thương học trò nghèo
Danh hiệu NGND là niềm vui lớn đối với cô Thảo nhưng không phải là đích đến trong nghề. Từ ngày tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Long An với tấm bằng loại giỏi 29 năm trước, cô gắn bó với Trường Tiểu học Việt Lâm; lớp lớp học trò trở thành niềm thương, sự an ủi, động viên đối với cô. Cô vẫn nhớ, những ngày đầu đi lại khó khăn, cô đạp xe đến nơi cách trường 2km là phải gửi xe để đi bộ vào trường. Mùa con nước nổi ngập đến sân trường, cô trò vẫn vui vẻ dạy và học.
“Tôi cũng không muốn xin về dạy ở gần nhà nhưng nơi này thân quen rồi không muốn đi nơi khác, bên cạnh đó tôi rất thương học sinh ở đây”, cô Thảo tâm sự.
Trường nằm ở vùng sâu, trình độ dân trí thấp, gia đình học sinh còn nhiều khó khăn về kinh tế, nên các em thường xuyên nghỉ học. Cô Thảo thường xuyên đổi mới phương pháp dạy học, tổ chức nhiều hoạt động nhằm thu hút học sinh tự nguyện đến trường. Cô tham gia nhiều hội thi đổi mới phương pháp giảng dạy và đạt giải. Để có một sáng kiến kinh nghiệm, có khi cô phải mất tới 4 năm, mỗi năm bổ sung một chút, hoàn thiện dần dần, tất cả được đúc rút từ thực tế giảng dạy. Sau gần 30 năm gắn bó với nghề, cô có 8 sáng kiến kinh nghiệm, gồm 2 sáng kiến được Hội đồng sáng kiến cấp huyện đánh giá, công nhận, 1 sáng kiến được Hội đồng ngành giáo dục tỉnh công nhận và áp dụng vào thực tiễn, mang lại hiệu quả cao.
Cô Huỳnh Thị Phương Thảo còn giúp đỡ 5 giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện, bồi dưỡng nhiều học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Bên cạnh đó, cô rất sáng tạo trong việc sử dụng đồ dùng dạy học và ứng dụng công nghệ vào giảng dạy để tiết học trở nên mới mẻ, đa dạng hơn. Những bài giảng được cô soạn bằng giáo án điện tử đã khiến các tiết học trở nên sinh động. Nhờ đó, học sinh hào hứng học tập, bước đầu có thói quen nghiên cứu khoa học, biết thực hành thí nghiệm…
“Người dân ở đây nghèo lắm, không có đất để sản xuất, sống chủ yếu dựa vào sông nước. Những em học sinh ở lại quê hương theo bố mẹ đi chài, đi lưới. Tôi cũng chỉ mong các em được ra ngoài, có công ăn việc làm ổn định”, cô Phương Thảo nói. Giản dị, mộc mạc, chân thành, cô tự nhận mình đã đến lúc lùi lại để các thế hệ sau phấn đấu nên gần đây, cô không tham gia các hội thi nữa mà hỗ trợ đồng nghiệp dự thi. Cô nhiệt tình tham gia các phong trào xã hội; vận động các nhà tài trợ giúp đỡ học sinh nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.../.