Cô học trò nghèo đạt điểm 10 môn Lịch sử
VOV.VN - Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, cả nước chỉ có 100 bài thi đạt điểm 10, môn lịch sử thì càng ít. Một cô học trò nghèo xứ Quảng đạt được điều đó.
Ngôi nhà nhỏ của gia đình anh Lê Thanh Châu và chị Nguyễn Thị Lan ở thôn Thanh Nhì, xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam những ngày này ngập tràn tiếng cười. Cô con gái đầu của anh chị là Lê Thị Thanh Phương Thảo là một trong những thí sinh dẫn đầu cụm thi Quảng Nam với 26 điểm: Sử 10, Văn 8, Địa 8.
Cô học trò nghèo Phương Thảo ước mơ trở thành cô giáo.
Phương Thảo lọt vào số ít thí sinh của cả nước đạt điểm 10 môn Lịch sử.
Phương Thảo tâm sự, lúc đầu em rất sợ học môn Lịch sử nhưng nhờ được thầy giáo bộ môn thường xuyên động viên, hướng dẫn phương pháp học mà em đã vượt qua được sự chán nản, thậm chí ngày càng cảm thấy thích thú với môn học này. Ngoài học trong sách, Thảo còn tìm tòi tài liệu, nghiên cứu học trên mạng, qua sách báo. Thảo học và làm theo kinh nghiệm “Chia nhỏ công việc ra, làm từng chút một, trong khoảng thời gian 5 phút, 10 phút thì có thể làm được tất cả mọi thứ..”.
Với cách học đó, PhươngThảo cảm thấy ngày càng yêu thích môn học này: “Sử không chỉ là học bài mà phải vận dụng kiến thức, tư duy, phân tích tổng hợp và phải có những kiến thức thời sự nữa. Nên con phải hỏi thầy, xem thêm sách báo, tra trên mạng những thông tin về tình hình ngoại giao, Biển Đông… Từ đó con cảm thấy học môn Sử có gì đó rất thú vị. Con học một cách ngẫu hững. Lúc nào con cảm thấy vui vẻ, thoải mái là con lôi sách vở sử ra học, như vậy con thấy học rất nhanh vào. Mỗi lần làm bài sử thường làm dàn bài trước.”
Phương Thảo cùng nhóm bạn ôn bài trước khi thi. |
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, cha làm nhân viên thủy nông, mẹ làm phụ hồ, thu nhập mỗi tháng của cả gia đình 5 thành viên chưa đến 5 triệu đồng. Có hôm không ai gọi đi phụ hồ, mẹ lo lắng không có tiền chi tiêu trong nhà, Thảo thấy chạnh lòng.
Thảo kể: “Ba con làm thủy nông chuyên vác cuốc ra mương khơi thông để nước lưu thông trên những cánh đồng. Có những đêm khuya cũng chưa thấy ba về, rồi có những buổi sáng ba đi từ rất sớm. Lúc trước ba chưa làm thủy nông, một mình má con đi làm phụ hồ. Thấy má đi làm vất vả, có hôm bị tai nạn, con thương má dễ sợ. Con nghĩ nếu mình không cố gắng học tập thì mình là một đứa con bất hiếu.”
Công việc phụ hồ nhọc nhằn, vất vả nhưng mỗi lần nghĩ đến con chị Nguyễn Thị Lan lại vượt qua tất cả. Chị không nề hà bất cứ việc gì, từ làm thuê, cuốc mướn đến chạy chợ kiếm từng đồng mua sắm sách vở cho con Chị Lan bộc bạch, mình quá nghèo, quá khổ nên giờ chỉ mong lo được cho con học hành đến nơi đến chốn, sau này trở thành cô giáo.
Thương mẹ vất vả, Phương Thảo tự học là chính. |
Chị Lan nói: “Không cần nhắc nhở cháu cũng lo học. Có bữa cháu học đến 1,2 giờ sáng tôi cũng thấy lo. Cháu thấy mẹ làm ít tiền cháu kêu thôi để con cố gắng tìm hiểu, tự học, ít đi học thêm. Khi cháu rảnh cháu xuống phụ chạy nước, nấu ăn cho tôi. Tôi có 2 đứa con không nhiều nhặn chi nên cực khổ mấy tôi cũng cố gắng. Bây giờ cháu đậu rồi tôi thấy rất mừng.”
Không phụ công ơn mẹ cha, Phương Thảo quyết tâm học thật giỏi. Suốt 12 năm học em liên tục đạt học sinh giỏi và 2 năm học lớp 10 và 11 đều đạt Giải 3 học sinh giỏi môn Văn toàn tỉnh. Không chỉ vượt khó trong học tập, Phương Thảo còn là người luôn biết sẻ chia, giúp đỡ bạn bè nên em được bạn bè và thầy cô hết mực yêu thương.
Ngoài giờ học, Phương Thảo thường thay ba mẹ chăm sóc bà nội già yếu. |
Hà Thị Thắm, bạn học cùng lớp với Phương Thảo cho biết: “Thảo là người bạn chân thành và rất siêng năng trong học tập. Vào lớp chuyên thì bạn nào cũng học tốt hết nhưng Thảo được chọn vào đội tuyển của trường đi thi rất nhiều kỳ thi dành cho học sinh giỏi Văn. Bên cạnh đó thì những môn học khác Thảo cũng học rất tốt. Thầy cô đều thấy bạn là một học sinh chăm chỉ và hiền lành.”
Với 26 điểm khối C, cơ hội chọn ngành của cô học trò nghèo Phương Thảo càng rộng mở hơn. Ước mơ trở thành cô giáo của cô học trò nghèo đang dần trở thành hiện thực./.