Có nên sửa lời Quốc ca hay không?

(VOV) - Đề xuất sửa lời Quốc ca của một đại biểu Quốc hội đã gây ra tranh cãi trên công luận, trong đó có rất nhiều ý kiến phản đối.

Như tin đã đưa, trong phiên thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sáng 4/6, đại biểu Huỳnh Thành (Gia Lai) đã đưa ra đề xuất sửa lời Quốc ca.

“Tôi thấy Quốc ca hiện nay có giai điệu hào hùng rất phù hợp và đi vào lòng người, nhưng nên thay lời mới cho phù hợp với thời kỳ phát triển mới của đất nước. Ví dụ, nên sửa những câu chữ như "Đường vinh quang xây xác quân thù" bằng nội dung khác…” – ông Huỳnh Thành phát biểu.

Theo đó, đại biểu đề xuất chỉnh lại khoản 3, Điều 13 thành “Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dựa trên nền nhạc bài Tiến quân ca của nhạc sỹ Văn Cao”.

Đề xuất này lập tức gây ra tranh cãi trên công luận, trong đó có nhiều ý kiến phản đối từ các văn nghệ sĩ và người dân.

Bài hát "Tiến quân ca" (Quốc ca) đã quen thuộc với nhiều thế hệ người dân Việt Nam suốt gần 70 năm qua

Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, đến người thân của nhạc sỹ Văn Cao cũng không có quyền sửa Quốc ca vì ngoài câu chuyện bản quyền ra còn lý do khác.

“Trước đây, chúng ta cũng đã định thay Quốc ca. Đã có bao nhiêu nhạc sĩ tài danh thi với Văn Cao để sáng tác Quốc ca mới mà đều thua ông ấy cả. Mặc dù xét về tài năng, các nhạc sĩ tham gia cuộc thi không phải kém. Ngay cả Văn Cao có sáng tác Quốc ca để thi với Tiến quân ca của chính ông thì ông cũng sẽ thua.

Nếu cần sửa đổi thì sửa đổi Hiến pháp chứ không phải sửa đổi Quốc ca. Nếu có sửa Quốc ca thì phải sửa từ năm 1946, khi Tiến quân ca thành Quốc ca. Quốc hội có quyền chọn hoặc bỏ hẳn, chứ không có chuyện thay đổi lời Quốc ca. Đến cả con Văn Cao cũng không sửa được, vì vi phạm luật bản quyền. Đây chỉ là ý kiến của một cá nhân, một đại biểu quốc hội, chứ không phải chủ trương của Quốc hội” - nhà thơ Trần Đăng Khoa bày tỏ.

Cùng quan điểm với nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhạc sĩ Phó Đức Phương khẳng định, Quốc ca là biểu tượng của lịch sử, không có chức năng phải phản ánh đời sống thực tại.

“Không cần thiết thay đổi ca từ Quốc ca vì bài này đã đi vào tâm khảm người dân cùng với thời kỳ khai sinh ra nhà nước Việt Nam, được Nhà nước ghi nhận. Ca khúc đã trở thành biểu tượng của một giai đoạn lịch sử. Thêm vào đó, nếu thay đổi lời mới cho bài Quốc ca sẽ vấp phải nhiều vấn đề rất phức tạp. Đặc biệt là chuyện bản quyền thì phải xin phép tác giả. Tác giả có quyền giữ nguyên vẹn tên gọi, lời nhạc các tác phẩm của mình. Nếu muốn thay lời mới cho bài Quốc ca thì nhận được sự đồng ý của người thân cố nhạc sĩ Văn Cao”.

Đại biểu Quốc hội – nhà sử học Dương Trung Quốc thì cho rằng: “Quốc ca là một phần của lịch sử Việt Nam. Và, chúng ta hãy nhìn Quốc ca bằng tâm thức lịch sử, chứ không nên áp đặt những cái nhìn theo tính chất thời thượng”.

“Vấn đề thay đổi Quốc ca đã từng được đặt ra một số lần, trong đó phải kể tới đợt vận động sáng tác Quốc ca mới vào đầu thập niên 1980. Cuối cùng thì những ý tưởng ấy cũng không đi tới kết quả nào. Bởi thực tế, từ khi ra đời và trải qua nhiều biến động của lịch sử, Quốc ca đã trở nên quen thuộc, gần gũi và được mọi người dân Việt Nam chấp nhận rồi.” - ông Dương Trung Quốc cho biết.

Theo ông Dương Trung Quốc, thay vì đặt vấn đề trên, những cơ quan chức năng nên chú ý đưa ra những yêu cầu về nghi thức bắt buộc khi hát Quốc ca. “Điều cần thiết bây giờ là... tăng số người hát Quốc ca, chứ không phải sửa lời”.

Lễ chào cờ và hát Quốc ca thiêng liêng trên Quảng trường Ba Đình vào mỗi 6h sáng hàng ngày

Khi đăng tải thông tin về ý kiến sửa lời Quốc ca, VOV online cũng đã nhận được nhiều phản hồi của độc giả không đồng tình về vấn đề này.

Độc giả Lê Huy Tuấn cho rằng phải trưng cầu ý dân nếu muốn thay đổi lời Quốc ca: “Đất nước chúng ta có được như ngày hôm nay đã phẩi hy sinh biết bao người, Quốc ca như vậy có gì đâu mà phải đổi. “Đường vinh quang xây xác quân thù” - đó là sự thật, cũng là lời cảnh báo cho bất cứ thế lực ngoại xâm nào nhăm nhe xâm chiếm đất nước ta. Lời đó có gì mà phải sửa, đại biểu Quốc hội không thể đề nghị sửa được, nếu có sửa thì phải trưng cầu ý dân!”

Độc giả Trần Đại Vinh thì khẳng định, Quốc ca là tài sản chung của người dân Việt Nam: “Theo tôi thì không nên sửa lời nhạc Quốc ca vì nó không chỉ là riêng của nhạc sỹ Văn Cao mà là tài sản chung của mỗi người dân Việt Nam. Những câu chữ trong bài hát là khí phách hồn thiêng sông núi, khi tiếng ca cất lên mọi người đều cảm nhận được. Tại sao phải sửa lời khi đã thấm vào máu của người Việt chúng ta bao lâu nay rồi?”.

Độc giả Duy Quý bức xúc: “Tôi thấy những cái gì cần bàn thì hãy mang ra bàn, và đã bàn tức là phải hiểu đó là nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân. Những người hay đưa ra những "sáng kiến" mà chưa cần bàn cũng biết đó không bao giờ là nguyện vọng của đại đa số nhân dân thì nhất định không nên đưa ra để bàn”.

Vậy, quý độc giả nghĩ sao về vấn đề này?./.

Bầu chọn
Theo bạn có nên sửa lời Quốc ca?
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên