Cổ phần hóa Đại học công lập không phải là thương mại hóa giáo dục
VOV.VN -Cổ phần hóa đại học giúp các trường nâng cao chất lượng đào tạo, tự chủ hơn trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học theo khuôn khổ pháp luật.
Khi thực hiện cổ phần hóa các trường đại học công lập, hệ thống giáo dục đại học sẽ có cơ hội và đứng trước thách thức nào. Xung quanh vấn đề này, phóng viên VOV.VN phỏng vấn PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập.
PV: Thưa ông, vì sao chúng ta lại phải nghĩ tới cổ phần hóa đại học công lập. Việc cổ phần hóa nên được thực hiện như thế nào?
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Cả nước có khoảng 450 trường đại học, cao đẳng. Trong đó chỉ có 9% là trường đại học ngoài công lập tự trang trải kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hoạt động đào tạo và trả lương cho giảng viên. Còn lại khoảng 360 trường đại học, cao đẳng công lập hoạt động đều do nguồn kinh phí của Nhà nước nhưng nhiều trường lại đào tạo kém chất lượng.
Trong khi ngân sách của Nhà nước có giới hạn và còn nhiều lĩnh vực phải đầu tư thì việc thí điểm cổ phần hóa một số trường đại học công lập là rất cần thiết nhằm tiết kiệm ngân sách, tăng cường sự đóng góp của xã hội cho lĩnh vực giáo dục.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ |
Nhà nước chỉ nên giữ lại một số trường đại học thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng hoặc đào tạo nguồn nhân lực đặc thù. Những trường thuộc về lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kinh tế đều có thể cổ phần hóa.
Cổ phần hóa giúp các trường nâng cao chất lượng đào tạo, tự chủ hơn trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học theo khuôn khổ pháp luật chứ không phải cổ phần hóa để thương mại hóa giáo dục.
PV: Thưa PGS, nhiều chuyên gia, cán bộ và giảng viên lo ngại khi thực hiện cổ phần hóa các trường đại học công lập thì có thể xảy ra mâu thuẫn về quyền lợi giữa các nhà đầu tư ở một số trường đại học ngoài công lập trong thời gian vừa qua. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Đúng là thời gian vừa qua, ở một số trường đại học ngoài công lập đã xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp từ phía các cổ đông đóng góp xây dựng trường. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do chính sách, khung pháp lý chưa thực sự minh bạch, rõ ràng.
Còn khi thực hiện cổ phần hóa đại học công lập, chúng ta phải chọn lọc những trường đạt đủ các tiêu chí về nguồn lực, có cổ đông tham gia trên cơ sở cùng hướng tới nâng cao chất lượng đào tạo, phục vụ vì người học chứ không phải là chạy theo lợi nhuận. Việc các nhà đầu tư bỏ vốn để xây dựng trường và mong được sinh lời phải song hành với đảm bảo chất lượng đào tạo, thúc đẩy sự phát triển giáo dục và vì nguồn nhân lực cho đất nước.
Để khắc phục những mâu thuẫn, tranh chấp giữa các cổ đông, khi thực hiện cổ phần hóa đại học, các cơ quan Nhà nước cần hoàn thiện và xây dựng khung pháp lý chặt chẽ, minh bạch, rõ ràng.
Cổ phần hóa Đại học công lập: Lãnh đạo các trường nghĩ gì?
PV: Nhiều người lo ngại, việc cổ phần hóa đại học công lập khó xác định giá trị tài sản ban đầu của trường. Theo PGS, khi thự hiện, chúng ta sẽ xác định giá trị tài sản đó như thế nào và cơ quan nào sẽ tiến hành việc làm này?
PGS Trần Xuân Nhĩ: Chúng ta cần có Hội đồng thẩm định giá trị tài sản ban đầu của nhà trường để thực hiện việc bán cổ phần lần đầu theo hình thức đấu giá công khai và thỏa thuận trực tiếp. Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cổ phần hóa theo hình thức giữ nguyên vốn Nhà nước và phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Cơ quan quản lý Nhà nước cần có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng việc xác định giá trị tài sản của Nhà nước, phần đóng góp đầu tư cho trường đại học như thế nào.
PV: Thưa ông, nhiều người lo ngại khi cổ phần hóa, các trường đại học sẽ tăng học phí. Điều này có thể tạo ra sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận giáo dục chất lượng cao ở nhiều tầng lớp trong xã hội và sẽ tác động lớn tới người học là học sinh, sinh viên nghèo, đối tượng chính sách. Ông có đề xuất giải pháp nào để giải quyết vấn đề này?
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Khi cổ phần hóa các trường đại học công lập, học sinh, sinh viên nghèo sẽ đối diện với khó khăn về tài chính nếu như học phí tăng cao. Để giải quyết bài toán này, mỗi trường phải duy trì chính sách học bổng, miễn giảm học phí cho sinh viên nghèo và có thành tích học tập xuất sắc. Cơ quan Nhà nước có thể rút dần ngân sách và để các trường đại học tự lo kinh phí, trang trải chi tiêu khi thực hiện cổ phần hóa nhưng các hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên được vay vốn để học tập thì vẫn nên được duy trì. Thay vì Nhà nước hỗ trợ cho các trường rồi mới đến tay sinh viên như trước đây thì nay, sau khi cổ phần hóa, Nhà nước có thể trực tiếp hỗ trợ người học.
PV: Xin cảm ơn ông!/.