Con học cấp III vẫn "sờ ti" mẹ, có nên tự hào vì mẹ con tình cảm?
VOV.VN -Con lớn vẫn ngủ cùng cha mẹ, con học tiểu học vẫn được cha mẹ tắm là chuyện không hiếm, nhưng lại có thể ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.
Người lớn không nên vô tư thái quá
Chị Nguyễn Thu (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, mùa hè đưa con đi bơi, chị không ít lần bắt gặp hình ảnh mẹ dẫn con trai khoảng 2 - 3 tuổi, thậm chí 5-6 tuổi vào nhà tắm nữ tắm cho con. “Có lần tôi đã nhắc nhở một mẹ không nên như vậy liền bị chị ấy phản ứng rằng: “Chẳng lẽ chị bắt tôi vào nhà tắm nam để tắm cho cháu. Cháu nó còn nhỏ nó không nhìn chị đâu mà lo, người lớn gì mà đầu óc đen tối”. Thế là từ đó tôi chẳng muốn góp ý cho ai nữa”. Ngoài ra, chị Thu còn chia sẻ chuyện nhà bạn chị có cậu con trai lớn (đang học cấp III) thỉnh thoảng vẫn sờ ti mẹ. Chị ấy có vẻ tự hào về điều này vì con trai đã lớn mà vẫn gần gũi với mẹ.
Chuyên gia tâm lý cho rằng thực tế có nhiều vụ xâm hại tình dục xảy ra do cha mẹ chưa chú trọng giáo dục giới tính cho trẻ. (Ảnh minh họa, nguồn: KT) |
Chuyên gia tâm lý Lã Linh Nga, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học tâm lý - giáo dục (Hà Nội) cho biết, chị đã từng chứng kiến những chuyện đau lòng do trẻ bị xâm hại tình dục (XHTD), căn nguyên là do cách cha mẹ chưa chú trọng việc giáo dục giới tính cho trẻ hoặc có giáo dục nhưng chưa chuẩn. “Trẻ từ 2-3 tuổi, não bộ đã phát triển 80% lại thêm tính tò mò nữa, trẻ sẽ ghi nhận những hình ảnh mà các con nhìn thấy. Khi cha mẹ dẫn con vào phòng tắm khác phái hoặc con gái lớn vẫn được cha tắm hay con trai lớn vẫn được mẹ tắm… vô tình tác động vào tâm lý trẻ khiến trẻ đôi khi bị lẫn lộn về sự khác biệt giữa nam và nữ. Rõ ràng ở đây kiến thức của phụ huynh về giáo dục giới tính còn thiếu, dẫn đến cách ứng xử chưa chuẩn.
Bác sĩ Lan Hải (cố vấn Hội quán Các bà mẹ) nhận xét, đôi khi những thói quen của bố mẹ như cho con ăn mặc hở hang, cho con tè giữa chốn đông người, sờ “chim” trẻ, thay quần áo trước mặt con… dần dần khiến cho đứa trẻ không biết mắc cỡ và rất có thể lớn lên chúng sẽ nghiện ăn mặc hở hang hoặc biến thái tình dục, thích “khoe hàng”. Việc thiếu kín đáo cũng làm trẻ có nguy cơ cao bị XHTD.
Theo bác sĩ Lan Hải, trẻ ở độ tuổi mầm non rất ngây thơ nhưng người lớn không được vô tư thái quá. “Ở lứa tuổi này trẻ sẽ đặt nhiều câu hỏi tò mò về giới tính; người lớn, nhất là cha mẹ nên khuyến khích và không được la mắng trẻ mà nên thẳng thắn chia sẻ với con một cách tự nhiên nhất, không cần quá tỉ mỉ và nhấn mạnh vào việc dạy trẻ cách giữ gìn vệ sinh, cách bảo vệ bản thân không cho người khác xâm phạm. Cha mẹ cần phải trang bị kiến thức để có cách ứng xử đúng mực với con và dạy con về giới tính ngay từ khi còn nhỏ. Việc giáo dục giới tính giúp trẻ biết trân trọng giá trị của bản thân và biết tôn trọng người khác.
Sớm dạy trẻ tính độc lập
Chị Lê Mai Hương, Hiệu trưởng trường mầm non Montessori Back to Basic (Hà Nội) chia sẻ, ngay từ khi con gái còn nhỏ, chị đã dạy con tính độc lập, biết cách tự chăm sóc bản thân từ việc tự mặc quần áo, vệ sinh thân thể đến việc tắm rửa và hạn chế chạm vào người con.
Chị Hương lưu ý, khi trẻ học tiểu học, việc chạm vào người trẻ là không được phép. Các ông bố, bà mẹ đừng nghĩ rằng, con mình thuộc về mình và cho rằng mình có quyền được sờ, được chạm vào con để thể hiện tình cảm. Cơ thể của con chỉ thuộc về con và bố mẹ là những người đầu tiên phải tôn trọng điều đó. Hãy dạy con cách tự chịu trách nhiệm và tự bảo vệ mình, bởi bố mẹ không thể theo con 24/24 giờ được. Muốn thế trẻ phải học cách sống độc lập, được hướng dẫn, cung cấp thông tin đầy đủ và phải được tôn trọng từ nhỏ. Bố mẹ nên hướng dẫn con từ nếp ngồi, nếp ngủ, cách ăn mặc kín đáo để khỏi biến con thành miếng mồi cho kẻ xấu. “Khi trẻ không bị phụ thuộc vào người khác, biết cách tự phục vụ mình thì nguy cơ bị XHTD ít đi” chị Hương nhận xét.
Chuyên gia tâm lý Lã Linh Nga, cũng cho rằng, cha mẹ phải dạy cho con tính tự lập càng sớm càng, ngay từ khi trẻ 2-3 tuổi, để trẻ biết cách tự phục vụ mình. Đến lứa tuổi tiểu học là trẻ đã thành thạo và bố mẹ có thể dừng lại sự phục vụ. Bố mẹ không đụng chạm vào cơ thể con và dạy con không đụng chạm vào cơ thể người khác. “Bố mẹ nên dạy con về cơ thể một cách tự nhiên và không né tránh. Dạy con những quy tắc an toàn. Quá trình giáo dục giới tính nên diễn ra từ từ và có sự lặp lại qua những câu chuyện tự nhiên diễn ra ngoài đời sống, điều này vừa tạo sự thân mật giữa cha mẹ với con cái giúp cho trẻ ngấm dần” - bà Linh Nga nhấn mạnh.
Theo bà Nga, khi trẻ lên cấp II, việc giáo dục giới tính cho trẻ càng phải được coi trọng vì thời điểm này liên quan đến sức khỏe sinh sản của trẻ. “Giai đoạn này cha mẹ giáo dục con về giới tính, về sức khỏe sinh sản về tình yêu. Phụ huynh chú ý dạy con về những sự thay đổi trên cơ thể, những thay đổi về tâm sinh lý, những cảm xúc với người khác giới. Dạy con biết tôn trọng sự khác biệt về cơ thể của mình và cả của người khác, để trẻ không có cái nhìn kỳ thị với người đồng tính” - bà Nga lưu ý./.
Trường học ở Việt Nam còn “ngại dạy” giáo dục giới tính?