Công bố kết quả đối sánh điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp
VOV.VN - Tối nay (27/8), Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố kết quả đối sánh điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020 (đợt 1).
Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá, kết quả đối sánh giữa điểm trung bình học bạ và trung bình điểm thi là khá tốt. Hai trường dữ liệu này có độ vênh từ 0,32 đến 1,70 tùy theo từng địa phương, nhưng cơ bản là tương thích và tuyến tính với nhau.
Theo quy định về đánh giá học sinh hiện hành thì ngoài đánh giá điểm trung bình từng môn học thì phải đánh giá tổng thể các môn học để ra điểm trung bình học kỳ, điểm trung bình cả năm.
Dựa trên nguyên tắc đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện đối sánh điểm thi và học bạ theo hướng so sánh điểm trung bình của tổng 9 môn thi với điểm trung bình học bạ lớp 12 của tổng 9 môn học tương ứng, theo các môn thi thực tế mà mỗi học sinh lựa chọn.
Cụ thể: Học sinh chọn thi bài thi môn Khoa học xã hội sẽ tính trung bình các điểm thi tốt nghiệp của 6 môn thi Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân; học sinh chọn bài thi Khoa học tự nhiên sẽ tính trung bình các điểm thi tốt nghiệp của 6 môn thi Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học, Sinh học và đối sánh với trung bình các điểm học bạ của 6 môn học tương ứng ở lớp 12. Việc đối sánh chỉ dừng lại ở lớp 12 bởi phạm vi kiến thức trong đề thi tốt nghiệp THPT 2020 chỉ tập trung ở lớp học này.
Theo đánh giá tổng quan của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết quả đối sánh giữa điểm trung bình học bạ và trung bình điểm thi là khá tốt. Hai trường dữ liệu này có độ vênh, có tỉnh nhiều, có tính ít, nhưng cơ bản là tương thích và tuyến tính với nhau.
Địa phương có điểm trung bình học bạ và trung bình điểm thi vênh nhau nhiều nhất là Nghệ An, Long An với độ vênh là 1,70; tiếp đó là Quảng Ninh với độ vênh là 1,69; Phú Yên có độ vênh là 1,67; Hà Giang có độ vênh 1,65.
Địa phương có độ vênh giữa điểm trung bình học bạ và trung bình điểm thi ít nhất là Bình Dương, với độ vênh là 0,32. Trong tổng số 61 địa phương tổ chức thi đợt 1, chỉ có 17 địa phương có độ vênh giữa điểm trung bình học bạ và trung bình điểm thi dưới 1.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định, một số tỉnh ở vùng khó khăn có điểm thi thấp hơn điểm học bạ, khoảng chênh lệch giữa hai trường dữ liệu này cũng rộng hơn so với vùng thuận lợi.
Tuy nhiên xét tổng thể thì kết quả điểm thi và điểm học bạ vẫn có sự tuyến tính với nhau khi cả 2 đều đứng vị trí tốp cuối của cả nước. Việc điểm thi thấp hơn học bạ ở một số tỉnh vùng khó khăn thầy cô cho điểm học sinh có phần linh động hơn động viên để các em có động lực tiếp tục cố gắng.
Ông Nguyễn Xuân Thành cũng nêu rõ, việc thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và đánh giá trong quá trình dạy học đều căn cứ theo một chuẩn đầu ra chung của chương trình giáo dục phổ thông. Do đó, nếu tỉnh nào kết quả còn thấp và cũng vì thế có sự chênh lệch giữa điểm học bạ và điểm thi còn cao thì cần tiếp tục điều chỉnh quá trình dạy học để nâng cao hơn nữa chất lượng và đánh giá trong trường học sát với yêu cầu chất lượng.
Từ việc đối sánh kết quả thi tốt nghiệp THPT với điểm học bạ, có thể khẳng định rằng khi học sinh cả nước cùng tham dự một kỳ thi với chung đề thi, thì việc đánh giá học sinh sẽ sát hơn trình độ của các em; qua đó đồng thời cung cấp nhiều thông tin để các nhà trường, địa phương và ngành giáo dục điều chỉnh việc dạy và học phù hợp hơn từ đó nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường, địa phương và toàn ngành./.