Cử nhân thất nghiệp: Đừng đổ hết “tội” cho khủng hoảng
(VOV) -Nghịch lý trong đào tạo và sử dụng mới là điều khiến những nhà hoạch định chính sách giáo dục phải suy ngẫm.
Theo Tổng cục Thống kê, trong quý I/2013, cả nước có 183.600 người mới gia nhập thị trường lao động. Tuy nhiên, do nền kinh tế không tạo đủ việc làm nên số lượng người thất nghiệp, thiếu việc làm vẫn có xu hướng gia tăng. Trong đó, theo thông tin từ nhiều địa phương, số lượng cử nhân, có em tốt nghiệp loại giỏi vẫn không thể có việc làm. Đơn cử như Thanh Hóa có tới gần 25.000 sinh viên thất nghiệp (con số cộng dồn nhiều năm).
Vì sao có thực trạng trên? Câu trả lời có lẽ không khó vì vấn đề này đã được nói tới quá nhiều, ròng rã trong nhiều năm qua, với những bất cập: Định hướng nghề nghiệp, quy hoạch nguồn nhân lực, đào tạo và tuyển dụng…
Một điệp khúc lặp lại trong thời gian dài: Để giảm áp lực về giải quyết việc làm cho bậc đại học, các trường nên làm tốt công tác phân luồng, tư vấn và định hướng cho học sinh sau khi tốt nghiệp THCS nên theo học các trường trung cấp nghề. Doanh nghiệp cần phối hợp với các đơn vị đào tạo để công bố chi tiết về yêu cầu chất lượng, tỉ trọng cơ cấu nguồn nhân lực... Nói thì dễ, nhưng thực tế chưa đạt được là bao?
Một nghịch lý tồn tại quá lâu: Một số chuyên ngành cần nhân lực, như: bác sỹ, dược sỹ, cử nhân y tế công cộng, kỹ thuật viên trung cấp,… nhưng không có hoặc có rất ít nguồn tuyển dụng. Trong khi đó, các chuyên ngành nhu cầu tuyển dụng đã đủ, nhưng nguồn tuyển dụng khá phong phú. Hay quá nhiều loại hình đào tạo khiến quy mô đào tạo ngày càng phình to ra, trong khi đó nhu cầu tuyển dụng ngày càng ít… là bài toán đặt ra từ lâu vẫn chưa có lời giải thỏa đáng.
Ở một góc độ khác, theo ông Vương Văn Việt- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, điểm khiếm khuyết trong đào tạo và sử dụng lâu nay chỉ nghĩ đến một vế là hành chính - sự nghiệp, trong khi nhân lực cần cho cả nền kinh tế và nhu cầu của các hệ thống doanh nghiệp, thì ắt dẫn đến “bội thực” nguồn cung. Vậy ai có vai trò quyết định, trách nhiệm chủ chốt để giải quyết khiếm khuyết này?
Nếu nói về định hướng, một việc có lẽ không nằm ngoài khả năng là khảo sát, điều tra dự báo xu hướng biến động về nhu cầu sử dụng lao động để nhà trường, thí sinh và xã hội đều biết, nhưng thực tế các cơ quan quản lý liên bộ, liên ngành, các tỉnh, thành phố thực hiện được bao nhiêu? Có lẽ không nhiều, nên thực tế như một bài viết trên báo Thanh Niên có người có bằng cử nhân, thậm chí thạc sĩ giờ phải đi học… trung cấp để tăng cơ hội kiếm được việc làm!
Hiện tại, các địa phương đang “đau đầu” nghiên cứu, tìm cách sắp xếp, bố trí việc làm cho các sinh viên đang thất nghiệp. Nhưng trong điều kiện như hiện nay, liệu có bao nhiêu cử nhân sẽ được “cứu”? Những lứa sinh viên ra trường năm sau và những năm tiếp theo sẽ như thế nào khi giải pháp mang tính chiến lược để giải quyết cái gốc vấn đề vẫn… còn phía trước?/.