Đại biểu QH: Thay đổi cách dạy Lịch sử khiến xã hội “xáo trộn tâm can”
VOV.VN -Đây là cách đặt vấn đề của ĐB Lê Văn Lai với Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận về thay đổi cách dạy môn Lịch sử từ môn độc lập sang tích hợp.
Chất vấn Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận về đề án chương trình sách giáo khoa (SGK) phổ thông, ĐB Lê Văn Lai (Quảng Nam) chúc Bộ trưởng “không sai sót bất cứ gì trong cải cách lần này. Với gần 10 năm công tác trong ngành giáo dục phổ thông, ông Lê Văn Lai cho biết gần đây dư luận xã hội rất xôn xao, hay nói đúng hơn là “xáo trộn tận tâm can” về vấn đề nhạy cảm là thay đổi cách giảng dạy bộ môn Lịch sử, từ môn học độc lập sang môn tích hợp.
“Trước sự phản ánh mạnh mẽ của dư luận xã hội, Bộ trưởng nêu chính kiến của mình về vấn đề này, nhất là tính đúng đắn, ưu việt của nó? Bộ trưởng có hoãn thay đổi không? Nếu không, trách nhiệm của Bộ trưởng trước nhân dân về tính đúng đắn của vấn đề?” – ĐB đặt câu hỏi.
Ông Lê Văn Lai chia sẻ: Nhân dân đánh giá cao bộ chủ quản đã triển khai đề án cải cách giáo dục, SGK với số lượng đồ sộ trong một thời gian rất ngắn. Có người cho rằng đây là cuộc cách mạng trong giáo dục, mở ra tia sáng để nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo trong giai đoạn mới, theo cách làm mới.
“Tuy nhiên, tôi nhìn vấn đề ở một góc độ rất nhỏ, song thực chất là không nhỏ, đó là ảnh hưởng đến nỗ lực rất lớn của ngành chủ quản và chủ thể liên quan. Chỉ chú trọng “giấc mơ tích hợp” mà quên các hệ lụy khác mà nhân dân rất quan tâm, trong đó có rất nhiều nhà nghiên cứu khoa học lịch sử” – ông Lê Văn Lai nói.
Vị ĐB tỉnh Quảng Nam cũng chất vấn Bộ trưởng GD-ĐT về việc tự ý thay đổi bản dịch cũ của bài “Sông núi nước Nam” đã tồn tại bao đời nay, đã có chỗ đứng trong lòng dân tộc, coi là bản “Tuyên ngôn độc lập” đầu tiên của nước ta bằng bản dịch mới. Khi đọc, từ nhà nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu văn học đến người bình thường nhất đều không thể đồng tình.
Theo ĐB, câu thứ hai của bản dịch cũ là bất khả sửa và không thể đắt hơn, nhất là trong tình hình bảo vệ chủ quyền quốc gia hiện nay; đồng thời đề nghị Bộ GD-ĐT cần lưu tâm đặc biệt tới vấn đề có hàm lượng lịch sử cao, nhạy cảm để khắc phục sai sót không đáng có nhằm hoàn thành đề án cải cách chương trình SGK.
Dự kiến chiều nay (16/11), Bộ trưởng Phạm Vũ Luận sẽ trả lời câu hỏi này trước Quốc hội./.