Đại học hạ điểm sàn kịch đáy “vét” thí sinh: Lo ngại chất lượng kém
VOV.VN -Được quyền tự chủ, nhiều trường đại học đang bất chấp hạ điểm sàn “kịch đáy” để “vét” thí sinh, thậm chí chỉ cần 4 điểm mỗi môn đã được xét tuyển ĐH.
Từ năm 2018 trở lại đây, Bộ GD-ĐT giao quyền tự chủ cho các trường trong việc xác định điểm sàn xét tuyển, ngoại trừ nhóm ngành sư phạm. Do đó, một số trường đã tự hạ điểm sàn xuống thấp để tuyển đủ chỉ tiêu.
Theo thông báo của trường ĐH Bạc Liêu, mức điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển hệ đại học chính quy phương thức xét tuyển theo điểm thi THPT quốc gia là 13 điểm. Riêng ngành Chăn nuôi và Bảo vệ thực vật là 12,0 điểm.
Mức điểm này đã bao gồm điểm 3 bài thi tương ứng trong tổ hợp xét tuyển và điểm ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng.
Điểm sàn ĐH Bạc Liêu năm 2019. |
Điểm sàn hệ cao đẳng của trường này cũng chỉ ở mức 10 điểm cho tất cả các tổ hợp, đã bao gồm điểm ưu tiên.
Như vậy, nếu được cộng điểm ưu tiên, thí sinh chưa cần 4 điểm/môn đã có cơ hội xét tuyển đại học chính quy.
Ngay sau đó, trường này cũng đã công bố mức điểm chuẩn theo phương thức xét học bạ. Ngoại trừ các ngành về đào tạo giáo viên, các chuyên ngành khác đều có mức điểm chuẩn là 15, bằng với mức điểm sàn mà trường đã công bố trước đó.
Tương tự, trường ĐH Nông lâm – ĐH Thái Nguyên cũng thông báo mức điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển hệ đại học chính quy năm 2019 theo phương thức xét điểm thi THPT quốc gia là 13 điểm và 15 điểm theo phương thức xét học bạ cho tất cả các chuyên ngành.
Lo thiếu điểm, "hụt" chất lượng
Tính đến ngày 26/7, một số trường ĐH đã điều chỉnh mức điểm sàn tăng cao hơn, nhưng vẫn ở mức rất khiêm tốn.
ĐH Đà Nẵng thông báo điều chỉnh điểm sàn năm 2019 Phân hiệu tại Kon Tum theo kết quả thi THPT quốc gia 2019 lên 14 điểm với tất cả các chuyên ngành thay vì 12,5 như đã thông báo trước đó.
ĐH Đồng Tháp tăng điểm nhận hồ sơ lên thành 14 điểm thay cho mức điểm sàn đã công bố là 13 điểm.
Nhiều trường bất chấp hạ điểm chuẩn để gọi đủ thí sinh. (Ảnh minh họa) |
Song có thể thấy, dù đã tăng, nhưng điểm sàn của các trường vẫn ở mức dưới 15 điểm. Trong khi đề thi THPT quốc gia năm nay được Bộ GD-ĐT cho rằng có khoảng 60% kiến thức cơ bản đáp ứng việc xét tốt nghiệp THPT, mức điểm này liệu có đảm bảo chất lượng đầu vào đang là vấn đề nhiều chuyên gia giáo dục lo ngại.
GS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, không nên để điểm sàn quá thấp trong khi cần nâng cao chất lượng giáo dục đại học.
“Trước kia chúng ta để điểm sàn sư phạm có trường chỉ 13, 14 điểm, dẫn đến chất lượng quá thấp và giờ đây phải đưa ra những quy định riêng. Hiện nay điểm sàn thấp dẫn đến thực tế là học sinh vào đại học dễ hơn thi vào lớp 10. Tôi cho rằng điểm sàn đại học phải ở mức từ 15 điểm trở lên, thí sinh phải đạt ít nhất 5 điểm/môn mới ổn. Chúng ta vẫn nói nhiều rằng, chất lượng đại học hiện nay không được đảm bảo, nguyên nhân một phần lớn từ chất lượng tuyển sinh đầu vào hiện nay nhiều nơi còn quá thấp”, GS Vỳ nhận định.
Nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, không thể phủ nhận sự cố gắng và nỗ lực của sinh viên và nhà trường trong suốt 4 năm học, nhưng thực tế cũng cho thấy giữa các ngành chênh lệch điểm đầu vào, năng lực của sinh viên cũng rất khác nhau.
Trong đánh giá chất lượng giáo dục có nhiều yếu tố tác động như điểm đầu vào, chương trình học, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, chính sách của trường. Khi cán bộ giảng dạy tốt, cơ sở vật chất tốt sẽ là điều quan trọng để cải thiện chất lượng giáo dục, nhưng không có nghĩa đầu vào thấp vẫn có thể thay đổi một cách ngoạn mục.
“Tôi rất thông cảm với các trường đang khó tuyển sinh, nhưng khó để đảm bảo chất lượng còn hơn dễ dãi nhưng chất lượng lại thấp thì hoàn toàn không nên. Có một thực tế là nhiều trường hiện nay nếu không tuyển sinh đủ, sẽ không có chi phí để hoạt động. Họ buộc phải chạy theo lợi nhuận, đào tạo vì mục tiêu kinh tế, dẫn đến chất lượng thấp. Như vậy hoàn toàn không nên. Chúng ta đã đến thời kỳ ngưng đào tạo một cách ồ ạt, làm ảnh hưởng đến nguồn nhân lực sau này”, GS Vỳ nói.
GS Nghiêm Đình Vỳ cho biết, hiện nay ở nhiều nước trên thế giới đang nới lỏng đầu vào đại học, nhưng lại thắt chặt đầu ra, do đó dù thí sinh dễ dàng có được tấm vé vào đại hoc, nhưng lại phải thực sự nỗ lực rất nhiều mới có thể tốt nghiệp. Trong bối cảnh giáo dục Việt Nam hiện nay, phần lớn các trường vẫn tuyển bao nhiêu, ra từng ấy, nên chất lượng đầu vào thấp sẽ đặt ra những lo ngại về chất lượng đầu ra.
Ở một góc độ khác, Giáo sư cho rằng, việc các trường đang cố hạ điểm sàn, bất chấp để tuyển đủ thí sinh vì lợi ích trước mắt sẽ làm giảm sút uy tín nhà trường.
Nhìn thẳng vào con số hơn 200.000 cử nhân đang thất nghiệp, GS Vỳ cho rằng Bộ GD-ĐT cần có những biện pháp để giám sát chặt chẽ quá trình tuyển sinh của các trường. Bên cạnh đó, bản thân các trường ĐH, CĐ cũng cần có những giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, điều chỉnh chỉ tiêu, tránh tình trạng bất chấp tuyển sinh cho đủ số lượng.
“Tôi cho rằng giải pháp hiện nay là các trường cần đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp trong quá trình đào tạo. Thậm chí có thể để doanh nghiệp đặt hàng, cùng tham gia vào quá trình đào tạo và đánh giá sinh viên. Để khi sinh viên ra trường có thể làm được việc ngay, tránh tình trạng xã hội phải đào tạo lại như hiện nay, vừa lãng phí thời gian và tiền bạc. Khi sinh viên ra trường có việc làm, nhà trường sẽ tự khẳng định được năng lực đào tạo và thu hút sinh viên, như vậy sẽ không còn chuyện phải chật vật tuyển sinh bằng mọi giá như hiện nay”, GS Vỳ cho hay.
TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cũng cho rằng, việc nâng cao chất lượng đầu vào sẽ tác động trực tiếp đến chất lượng dạy và học, đến chất lượng đầu ra, từ đó có tác động tích cực trong việc tăng cơ hội tìm kiếm việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung. Qua đó tạo sức cạnh tranh cho lao động trình độ cao của Việt Nam trong thị trường lao động ngày càng không biên giới.
Đại diện Vụ Giáo dục Đại học khuyến cáo, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, các trường cũng không được đánh đổi chất lượng để lấy số lượng nguồn tuyển.
Bà Phụng thừa nhận trong thực tế, trong quá trình tự chủ, một số trường có thể xác định điểm sàn thấp để tuyển đủ chỉ tiêu. Việc này đồng nghĩa với việc nhà trường tự xác định vị thế chất lượng của mình thấp trong hệ thống.
Bộ GD-ĐT cũng sẽ tăng cường kiểm tra, trao đổi với lãnh đạo các trường để đưa ra khuyến cáo kịp thời với các trường./.