Đại học không phải là con đường duy nhất để thành công

VOV.VN - Năm nay, điểm chuẩn vào các trường đại học tại TP.HCM có xu hướng tăng nên nhiều thí sinh có kết quả thi THPT ở mức trung bình và khá vẫn khó có cơ hội vào đại học.

Nhiều em đang phải đối mặt với áp lực về việc phải trúng tuyển, thậm chí chấp nhận chọn học bất cứ ngành nào. Vậy, đâu là giải pháp phù hợp cho các thí sinh và đại học có phải con đường duy nhất để thành công?

Tìm “ngã rẽ” khi rớt nguyện vọng 1

Đạt 23 điểm ở tổ hợp khối A trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, em Nguyễn Thế Thịnh (ngụ TP.Thủ Đức) hy vọng mức điểm này sẽ giúp em trúng tuyển vào ngành Công nghệ thông tin của Đại học Mở TP.HCM. Trước đó, do chủ quan, Thịnh chỉ đăng ký một nguyện vọng nên khi trường công bố điểm chuẩn, em rất buồn vì không đậu vào ngành mà mình ưa thích.

“Em đã không đậu nguyện vọng 1 thì có thể đợi mấy đợt xét bổ sung để gửi xét học bạ vào một trường. Em cũng đang có dự định để nộp hồ sơ vào trường Đại học Nguyễn Tất Thành”, Thịnh chia sẻ.

Thiếu 2 điểm để có thể trúng tuyển vào nguyện vọng 1 ngành Quan hệ Quốc tế của trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, Hoài Phương (ngụ Quận 6) đã chọn ôn tập để thi lại. Trước đó, thí sinh này đã nhận được giấy báo trúng tuyển từ một số trường đại học tư thục tại TP.HCM thông qua hình thức xét học bạ. Gia đình cũng muốn Phương học tạm và chờ cơ hội khác nhưng em vẫn quyết tâm học đúng ngành, đúng trường mình mong muốn.

“Lúc biết điểm thi em cũng xác định sẽ thi lại. Em muốn có kết quả cao hơn. Hiện tại em ôn từ cơ bản trước sau đó ôn nâng cao theo từng chuyên đề để nâng điểm lên. Em cũng biết trước sẽ có sự phản đối từ gia đình nhưng vẫn chấp nhận”, Hoài Phương bày tỏ.

Còn Nguyễn Tiến Duy (ngụ Gò Vấp) thì quyết định nhập học tại một trường cao đẳng nghề ở TP.Thủ Đức (TP.HCM) sau khi khi rớt nguyện vọng 1 ngành Cơ khí trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM do điểm chuẩn tăng cao. Tiến Duy chia sẻ, thay vì chờ bổ sung thêm chỉ tiêu tuyển sinh, em đã tham khảo các trường cao đẳng đào tạo chuyên sâu về nghề cơ khí với mức học phí hợp lý và chỉ mất 3 năm để hoàn thành chương trình học.

“Em có tìm hiểu ngành này và thấy đây là ngành xu hướng phát triển thời gian tới. Học cao đẳng nhưng về sau vẫn có thể học liên thông lên đại học và được cấp bằng chính quy. Em hi vọng dù không đậu đại học nhưng vẫn có công việc như mong muốn”, Tiến Duy nói.

Chọn hướng đi phù hợp với năng lực

Với kết quả khá tốt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều thí sinh tại TP.HCM đặt kỳ vọng cao khi chọn ngành, chọn trường để xét tuyển vào đại học. Chính điều này đã khiến nhiều em khủng hoảng, sốc tâm lý khi điểm chuẩn của các trường đại học tăng mạnh. Trong đó, có những trường tăng từ 5-9 điểm ở hầu hết ngành so với các năm trước nên nhiều thí sinh dù đã “lượng sức”, chọn các nguyện vọng dao động từ 15-18 điểm nhưng vẫn không có cơ hội vào đại học năm nay.

Theo thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (Quận 5), thí sinh không trúng tuyển đại học vẫn có rất nhiều cơ hội theo ngành học mình mong muốn tại các trường cao đẳng, trung cấp nghề…

Hiện có nhiều trường trung cấp nghề tại TP.HCM được đánh giá cao và được nhiều nhà tuyển dụng "đặt hàng" nhân lực sau tốt nghiệp. Nếu không thể đi “đường thẳng” là đại học, các em học sinh có thể chọn "đường vòng" vừa học vừa làm, học liên thông, học các chương trình đào tạo từ xa… để nâng cao trình độ chuyên môn. Việc một số thí sinh vì áp lực phải thi đậu mà cố gắng tìm một cơ hội xét tuyển bổ sung vào bất cứ ngành học nào là điều không được khuyến khích.

“Các bạn thí sinh phải suy nghĩ cho kỹ, có thể đi học nghề để có thu nhập phục vụ cho nhu cầu học tập lại. Nếu học cho có học, cho có bằng thì rất uổng, phí quá trình đào tạo, ngân sách nhà nước và cả chi phí của gia đình. Phụ huynh cũng phải nghiên cứu kỹ, hạ thang kỳ vọng xuống để cho con có ước mơ chọn ngành và hỗ trợ con tìm trường phù hợp để đăng ký”, thầy Phú nêu ý kiến.

Đồng quan điểm với thầy Huỳnh Thanh Phú, Tiến sĩ Huỳnh Anh Bình - Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp TP.HCM cho rằng thí sinh không nên quá bi quan khi vẫn còn cơ hội chọn ngành tại các trường còn bổ sung chỉ tiêu xét tuyển. Ngoài ra, các em có thể tham khảo các trường đào tạo liên thông từ cao đẳng lên đại học, phấn đấu học văn bằng 2... để tiếp tục với nguyện vọng mình yêu thích. Các thí sinh quyết định thi lại vào năm sau có thể chọn phương án an toàn là đăng ký vào một trường đại học có ngành học phù hợp với điểm thi tốt nghiệp cũng như mong muốn của bản thân để vững tin và tiếp tục ôn tập cho kỳ thi năm sau.

Ông Huỳnh Anh Bình cũng nhấn mạnh, thực tế, đại học chỉ là một trong rất nhiều con đường dẫn đến thành công. Điều quan trọng là các em học sinh phải tư duy theo hướng phát triển bản thân và luôn nỗ lực để tìm cơ hội trong mọi môi trường học tập.

“Bằng đại học hay những bằng cấp khác là điều kiện cần để chúng ta gặp nhà tuyển dụng, nhưng điều kiện đủ là năng lực. Giai đoạn này, ngoài năng lực thì các bạn phải tập trung học ngoại ngữ, khả năng thích ứng, khả năng làm chủ công nghệ thì sẽ không bao giờ bị bỏ lại”, ông Bình cho hay.

Có thể thấy, quan điểm phải trúng tuyển trường công lập, sở hữu tấm bằng đại học ở ngành học “hot” đang tạo nên sức ép đối với nhiều thí sinh trượt nguyện vọng 1. Bên cạnh sự tư vấn, hỗ trợ từ phía thầy cô, nhà trường, các bậc phụ huynh cũng nên giúp con em giải toả tâm lý, cùng tìm các hướng đi mới, chọn trường học, ngành học thực sự phù hợp với năng lực của bản thân./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nhiều trường đại học tại TP.HCM cho xét tuyển bổ sung 
Nhiều trường đại học tại TP.HCM cho xét tuyển bổ sung 

VOV.VN - Nhiều trường Đại học tại TP.HCM đã nhanh chóng thông báo xét tuyển bổ sung nhiều chỉ tiêu vào các ngành đào tạo bậc đại học hệ chính quy.

Nhiều trường đại học tại TP.HCM cho xét tuyển bổ sung 

Nhiều trường đại học tại TP.HCM cho xét tuyển bổ sung 

VOV.VN - Nhiều trường Đại học tại TP.HCM đã nhanh chóng thông báo xét tuyển bổ sung nhiều chỉ tiêu vào các ngành đào tạo bậc đại học hệ chính quy.

67 thí sinh đủ điểm chuẩn nhưng không trúng tuyển Đại học Bách khoa Hà Nội
67 thí sinh đủ điểm chuẩn nhưng không trúng tuyển Đại học Bách khoa Hà Nội

VOV.VN - Đạt điểm chuẩn của trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhưng không đáp ứng điều kiện xét tuyển, 67 thí sinh bị từ chối công nhận trúng tuyển.

67 thí sinh đủ điểm chuẩn nhưng không trúng tuyển Đại học Bách khoa Hà Nội

67 thí sinh đủ điểm chuẩn nhưng không trúng tuyển Đại học Bách khoa Hà Nội

VOV.VN - Đạt điểm chuẩn của trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhưng không đáp ứng điều kiện xét tuyển, 67 thí sinh bị từ chối công nhận trúng tuyển.

Cơ hội nào cho thí sinh chưa trúng tuyển đại học đợt 1?
Cơ hội nào cho thí sinh chưa trúng tuyển đại học đợt 1?

VOV.VN - Kết thúc đợt tuyển sinh đại học đầu tiên dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT, không ít thí sinh hoang mang lo lắng khi không trúng tuyển bất cứ nguyện vọng nào.

Cơ hội nào cho thí sinh chưa trúng tuyển đại học đợt 1?

Cơ hội nào cho thí sinh chưa trúng tuyển đại học đợt 1?

VOV.VN - Kết thúc đợt tuyển sinh đại học đầu tiên dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT, không ít thí sinh hoang mang lo lắng khi không trúng tuyển bất cứ nguyện vọng nào.