Đạo thầy trò thời hiện đại
Quan hệ thầy trò ngày nay đang có những đổi thay theo chiều hướng tiêu cực tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường.
Quan hệ thầy trò vốn là mối quan hệ cao cả, thiêng liêng. Cha ông ta đã nói “Trọng thầy mới được làm thầy”, “Không thầy đố mày làm nên”, “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”. Đầu năm có 3 ngày Tết thì đã dành một ngày để Tết thầy. Người thầy ngoài việc truyền kiến thức còn là người định hướng về đạo đức, lối sống, bởi vậy, Tết thầy không chỉ có những học trò đang theo học mà cả những bậc phụ huynh đã “tóc bạc răng long” cũng tìm đến thầy để tri ân.
Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay, nhiều người đã đẩy mối quan hệ thầy trò thiêng liêng vốn không thể đo đếm được vào những nấc thang tính toán. Không ít trường học tăng đủ loại học phí, phụ phí để tạo điều kiện hơn cho giáo viên, trường tư thì mượn danh mở ào ạt chỉ cốt thu được lợi nhuận mà không chú ý đến chất lượng, các lớp học thêm mở tràn lan để giáo viên cắt giờ trên lớp bù vào giờ dạy thêm.
Ở nhiều nơi, khái niệm trọng thầy gần như đánh đồng với khái niệm trọng kết quả học tập của con em mình. Nhiều bậc phụ huynh “chăm nom” thầy cô để con em được “quan tâm” nhiều hơn. Sinh viên quan tâm đến thầy cô để săn lùng đề thi. Trong giới học sinh, sinh viên còn có khái niệm thầy cô khó tính, dễ tính biểu hiện ở chỗ, thầy cô cho điểm có chặt không? Nâng điểm có dễ không? Vì quá trọng kết quả học tập mà các bậc phụ huynh đánh giá giáo viên bằng điểm số của con em mình. Còn những giá trị không có trong bảng điểm nhưng rất cần cho việc hình thành nhân cách học sinh thì lại không ở trong khung đánh giá, không được phụ huynh học sinh coi trọng.
GS. Trần Ngọc Vương cho rằng, vấn đề giáo dục trong gia đình phải được đặt lên hàng đầu, bởi việc uốn nắn từ nhỏ bao giờ cũng dễ dàng hơn. Thầy phải ra thầy, phải giữ được tư cách và phải quan tâm đến học trò, dù chỉ là những điều nhỏ nhất. Có như vậy, dù xã hội có thay đổi như thế nào thì người thầy vẫn luôn được kính trọng.
** Giáo sư Trần Đình Sử: Đạo thầy trò vẫn luôn tồn tại
Đạo thầy trò dù hiện nay đã có nhiều thay đổi song nó vẫn luôn tồn tại. Biểu hiện lòng tôn trọng thầy đầu tiên là ở tên gọi. Cho dù tuổi cao hay giữ cương vị trọng trách lớn nhưng khi gặp lại người đã dạy dỗ mình người ta vẫn chào thầy. Truyền thống đó mang giá trị rất bền vững không mất đi trong tình cảm, tâm thức của mỗi người.
Bất cứ mối quan hệ nào cũng cần sự chăm chút, vun đắp, quan hệ thầy trò không ngoại lệ. Học trò phải ứng xử làm sao để thầy cô cảm nhận được dù thân thiết, gần gũi đến mấy vẫn có sự kính trọng. Chính thái độ học tập của trò là thước đo cao nhất sự quan tâm của người học với người dạy. Thầy cũng cần lắng nghe ý kiến của trò, tạo điều kiện để trò nói lên suy nghĩ qua các bài giảng, như thế thầy sẽ trở thành người bạn lớn của trò. Người thầy giỏi phải biết tôn trong khả năng thiên bẩm của trò, biết khai mở, đánh thức những khả năng tiềm ẩn của trò. Có những học trò giỏi đã vượt qua thầy, sáng tạo ra tri thức mới thì đó là điều tốt đẹp.
** Em Trần Minh Trang, Trường PTTH Lê Quý Đôn (TP. HCM): Chúng em muốn đến thăm thầy cô, nhưng...
Học sinh ngày nay chịu áp lực học hành thi cử rất căng. Học sinh phải chạy sô học thêm để phấn đấu cho mục tiêu vào đại học hoặc đi du học, do đó, giờ lên lớp chỉ ngồi nghe đảm bảo vừa đủ kiến thức để làm bài kiểm tra, thi cử. Với những thầy cô nghiêm khắc quá, học sinh chỉ ngồi nghe, không tham gia tranh luận, giờ học không sôi nổi. Giờ trên lớp, cô trò đã ít giao tiếp với nhau, học sinh chỉ mong có dịp nào đó được gặp gỡ, bày tỏ tình cảm với thầy cô. Tuy nhiên, đến ngày 20/11, chúng em muốn đến thăm thầy cô thì nhiều thầy cô đã “trốn” trong ngày kỷ niệm này. Điều đó khiến chúng em cảm thấy rất buồn.
** PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, Khoa Báo chí Truyền thông, Trường ĐHKHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) Căn bản chúng ta vẫn giữ được "Tôn sư trọng đạo"
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái: Mặc dù mối quan hệ thầy trò hiện nay đã có nhiều thay đổi nhưng theo tôi, về căn bản, chúng ta vẫn giữ được truyền thống “Tôn sư trọng đạo”. Người Việt vẫn có quan niệm “Không thầy đố mày làm nên”, “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”. PV: Báo chí đưa nhiều thông tin nói rằng, ở đâu đó, mối quan hệ thầy trò được xây dựng dựa trên quan hệ “thuận mua vừa bán”. Theo tiến sĩ có đúng như vậy không? PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái: Hiện nay, chế độ tiền lương chưa đảm bảo cuộc sống cho các thầy cô. ở các trường đại học, phần nhiều là giáo sư, tiến sĩ, nhưng một tiết học chỉ được trả mấy chục nghìn. Nếu coi giáo dục là hàng hóa thì hàng hóa này quá rẻ. Bởi thế, các thầy cô phải đi dạy thêm để tăng thêm thu nhập. Như bản thân tôi cũng rất muốn chuyên tâm với nghề nhưng thu nhập không đảm bảo vẫn phải dạy thêm ở hai trường nữa, rồi cả viết báo, viết văn. Nếu giáo viên không thể sống bằng đồng lương, phải dạy thêm nhiều thì tất nhiên họ không còn thời gian dành cho nghiên cứu. PV: Ngày nay, một số học sinh, phụ huynh học sinh tự cho mình cái quyền được đánh giá, phê phán thầy cô như những người bằng vai phải lứa. Tiến sĩ có suy nghĩ gì về điều này? PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái: Có những phụ huynh coi giáo dục như một món hàng hoá thông thường, bởi vậy, họ tự cho mình cái quyền được mua bán kiểu “Tiền trao, cháo múc”. Nếu tôi đồng ý sản phẩm của anh tôi mới mua, nếu không, tôi có quyền trả lại và xúc phạm đến người làm ra sản phẩm ấy. Nếu không giải quyết được vấn đề này một cách căn cơ, tức là môi trường giáo dục phải lánh xa môi trường kinh tế, thì mối quan hệ thầy trò sẽ bị băng hoại. PV: Báo Pháp luật TP. HCM từng mở một diễn đàn bàn về vấn đề “Tôn sư trọng đạo” thời nay. Nhà giáo Lê Đông A đã mở đầu diễn đàn bằng một bài viết đặt ra một câu hỏi: Thế giới phẳng không cần “Tôn sư trọng đạo”? ý kiến của tiến sĩ về câu hỏi này như thế nào? PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái: Cho rằng thế giới phẳng chỉ cần liên lạc qua điện thoại, internet, thầy trò không cần gặp nhau ở trường lớp, trò có thể tự học tập, nghiên cứu qua internet thì thật chán. Giáo dục ở trường lớp sẽ làm cho con người thấy ấm áp hơn, tin cậy hơn, trưởng thành hơn. Nếu học qua internet thì những điều này không thể có được. PV: Tiến sĩ có cho rằng, trong xu thế hội nhập ngày nay, quan hệ thầy trò mang màu sắc mới mẻ, hiện đại hơn? PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái: Điều đó là đương nhiên bởi quan hệ nào cũng phải phụ thuộc vào thời đại, bối cảnh diễn ra mối quan hệ đó. Tuy nhiên, mối quan hệ ấy vẫn phải giữ được cái căn cơ, cốt cách của nó, thầy ra thầy, trò ra trò. PV: Xã hội đang lo lắng vì sự xuống cấp trong quan hệ thầy trò, theo tiến sĩ có thể áp dụng những biện pháp nào để bảo vệ hình ảnh đẹp của thầy cô và giữ vững truyền thống “Tôn sư trọng đạo”? PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái: Không phải toàn bộ bức tranh giáo dục là ảm đạm nhưng có những điều cần phải phê phán, khắc phục. Nếu trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò thì liệu có những chuyện tiêu cực? Trước kia, trong thời kỳ chiến tranh và thời kỳ thắt lưng buộc bụng để xây dựng CNXH, chúng ta đã có môi trường giáo dục rất trong sạch. Bởi thế, Nhà nước phải đứng ra điều tiết việc này chứ không phải để cho cá nhân tự lo liệu. Theo tôi có hai việc phải làm: Một là, phải xã hội hoá hoạt động giáo dục, lắng nghe ý kiến của xã hội để điều chỉnh. Hai là, đề ra chiến lược phát triển giáo dục một cách có căn cơ, bền vững. PV: Tiến sĩ có suy nghĩ như thế nào về việc tặng quà, phong bì cho thầy cô nhân ngày 20/11? PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái: Việc tặng quà cho nhau là một giao tiếp bình thường nhưng nếu bị lạm dụng quá sẽ không tốt. Nhiều bậc phụ huynh muốn thầy cô “quan tâm” đến con em mình, đến ngày 20/11, mang quà, phong bì đến biếu thầy cô. Thầy cô không muốn nhận cứ nằng nặc bắt họ phải nhận. Có những thầy cô vào những ngày này cảm thấy nặng nề đã tìm cách trốn học sinh và phụ huynh học sinh. PV: Xin cảm ơn tiến sĩ!./. |