Đẩy mạnh hợp tác xây dựng Khung trình độ quốc gia

VOV.VN -Đó là ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Ngọc Phi tại buổi tọa đàm xây dựng Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

Việt Nam hiện nay đang đứng ở vị trí thấp hơn đa số các quốc gia trong khối ASEAN trong tiến trình xây dựng Khung trình độ quốc gia, cùng với Myanmar, Lào. Đây là một thực tế rất đáng lo ngại trong bối cảnh trên thế giới đã có tới 130 nước có Khung trình độ quốc gia và rất nhiều nước trong khu vực như Malaysia, Indonesia và Philippines đều đã xây dựng được khung trình độ quốc gia hoàn chỉnh. Đó là chia sẻ rất thẳng thắn của Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội Nguyễn Ngọc Phi tại buổi tọa đàm “Xây dựng Khung trình độ quốc gia Việt Nam” được tổ chức sáng 27/5, tại Hà Nội. Buổi tọa đàm được Hội đồng Anh Việt Nam phối hợp cùng Viện nghiên cứu Khoa học dạy nghề - Tổng Cục dạy nghề và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội Nguyễn Ngọc Phi phát biểu tại buổi tọa đàm

Buổi tọa đàm một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của Khung trình độ quốc gia (NQF) đối với Việt Nam trong đổi mới toàn diện nền giáo dục và nâng cao chất lượng lao động, sẵn sàng trước thời điểm Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập vào năm 2015. 

Theo đó, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi yêu cầu cơ quan chuyên trách việc soạn thảo, cơ quan tham mưu tư vấn và các bên liên quan tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với Hội đồng Anh Việt Nam để đạt mục tiêu tới cuối năm 2014 Việt Nam sẽ có dự thảo Khung trình độ quốc gia. Thứ trưởng cũng khẳng định về việc sẽ thiết lập một lộ trình rõ ràng để triển khai thực hiện.

Chia sẻ với báo chí tại buổi tọa đàm, PGS.TS Cao Văn Sâm - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề cho biết, xây dựng Khung trình độ là việc quốc gia nào cũng phải thực hiện. Không những thế, trong bối cảnh hội nhập, quốc gia nào cũng cần phải tiếp cận tiêu chuẩn chung với nhau, do đó việc xây dựng khung trình độ nhằm đáp ứng không chỉ nhu cầu sử dụng lao động trong nước một cách có hiệu quả mà còn phải đáp ứng nhu cầu hội nhập.

PGS.TS Cao Văn Sâm- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề

Cũng theo PGS.TS Cao Văn Sâm, đến năm 2015, Việt Nam sẽ cùng với các nước trong khu vực ASEAN sinh hoạt trong Cộng đồng Kinh tế, sự phân công lao động quốc tế trong khu vực cũng ngày càng sâu sắc hơn, nhất là hiện nay, khả năng hội nhập của Việt Nam trong các hoạt động nói chung, trong đó có hoạt động về nhân lực ngày càng rõ nét, vì vậy, việc xây dựng NQF là một vấn đề cấp thiết hơn bao giờ hết.

Ở Việt Nam, việc xây dựng NQF không phải bây giờ mới được tiến hành mà từ nhiều năm trước, Bộ GD-ĐT đã nhận thấy sự cần thiết của NQF và đã khởi động, tìm hiểu thông tin, kinh nghiệm của nhiều tổ chức quốc tế như châu Âu và cả Đông Nam Á. Kết cấu khung trình độ giáo dục quốc gia đã xác định có khung giáo dục nghề nghiệp và khung giáo dục đại học. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chúng ta còn mắc phải một số khó khăn về thủ tục pháp lý, kinh nghiệm xây dựng, kinh phí xây dựng…

PGS.TS Cao Văn Sâm cho rằng: “Bên cạnh những khó khăn đó, chúng ta cũng có những thuận lợi ở chỗ không phải chúng ta xây dựng từ đầu mà bản thân khung trình độ đã có rồi, chúng ta chỉ sắp xếp lại cho hợp lý và phù hợp với 2 xu hướng: thứ nhất là xu hướng hội nhập của khu vực ASEAN và thứ hai là xu hướng hội nhập với các nước có quan hệ đặc biệt sâu sắc với Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng nguồn nhân lực. Song, khó khăn ở chỗ vì sắp xếp lại nên phải làm sao cân đối thật hợp lý để trong quá trình xây dựng không bị ảnh hưởng tới những cái đã triển khai”.

Cần có sự tham gia của doanh nghiệp

Tại buổi hội thảo, các chuyên gia tư vấn đến từ Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Hội đồng Anh Việt Nam cũng đã đưa ra những khuyến nghị để Việt Nam hoàn thiện NQF.

Theo ông David Lythe- Chuyên gia tư vấn quốc tế ILO, bên cạnh các cơ quan chính phủ, việc xây dựng NQF rất cần có sự tham gia của các doanh nghiệp trong vai trò là đơn vị sử dụng lao động. Các doanh nghiệp sẽ đưa ra tiêu chuẩn năng lực của các lĩnh vực trong nền kinh tế một cách xác thực nhất. Ông David Lythe cũng gợi ý, trước mắt Việt Nam nên chú trọng xây dựng NQF đối với một số lĩnh vực quan trọng nhất của nền kinh tế cho giai đoạn tới năm 2015. Đối với các lĩnh vực khác, Việt Nam có thể tiến hành hoàn thiện trong giai đoạn tiếp theo. 

Bà Hoàng Vân Anh-Hội đồng Anh Việt Nam chia sẻ: “Tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh về việc tăng cường hệ thống kĩ năng nghề bởi nó đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy việc dịch chuyển lao đông trong khu vực và quốc tế và gia tăng triển vọng phát triển của người trẻ tuổi. Đặc biệt, đối với Việt Nam hiện nay có 60% lao động dưới 35 tuổi, theo đó hệ thống kĩ năng là rất cần thiết trong hiện tại và tương lai. Đây là một phần trong việc xây dựng Khung trình độ quốc gia và cũng là một trong các chương trình Hội đồng Anh đang hợp tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để hỗ trợ xây dựng lộ trình và thực hiện”.

Đồng quan điểm với ông David Lythe, bà Vân Anh cũng cho rằng kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc phát triển NQF không hề đơn giản, đó là quy trình phức tạp, đòi hỏi nhiều kinh nghiệm, thời gian và công sức. Đây không phải là mô hình sao chép lại mô hình của một quốc gia nào đó trên thế giới, mà cần phải xây dựng phù hợp với trình độ của nước sở tại. Việc phát triển NQF cần có sự tham gia rộng rãi của các bên liên quan, đặc biệt khẳng định sự tham gia của người lao động, người sử dụng lao động vào Khung trình độ quốc gia../.


Khung trình độ quốc gia (NQF0 là công cụ để xây dựng và phân loại trình độ theo một bộ tiêu chí cho các cấp độ học tập đã đạt được. Đây cũng là điều kiện cơ bản để các bằng cấp quốc gia được công nhận theo Khung tham chiếu trình độ ASEAN (AQRF)

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên