Đề thi ĐH đợt 2 sẽ chấm dứt tình trạng học “vẹt”
(VOV)-Đợt thi ĐH đợt 2, thứ tự các môn thi sẽ thay đổi để giúp thí sinh bớt căng thẳng khi phải thi hai môn tự luận trong một ngày.
Ngày mai (8/7), thí sinh dự thi các khối B, C, D và các khối năng khiếu sẽ đến các hội đồng thi trên cả nước để làm thủ tục dự thi đợt 2 của kỳ thi ĐH năm 2013.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong đợt 2 này, có khoảng 830.000 thí sinh đăng ký dự thi (tương đương với đợt 1) với 124 trường tổ chức thi. Tỷ lệ đăng ký dự thi vào khối B là 23,2% (tăng 1,9% so với năm 2012); khối C giảm 0,2% (chiếm tỷ lệ 6%); khối D, D1 đều có tỷ lệ tăng từ 0,3% đến 3,7% (chiếm tỷ lệ khoảng 20%).
Thí sinh làm thủ tục, đóng lệ phí trong đợt 1 kỳ thi ĐH năm 2013 |
Trao đổi với phóng viên VOV online, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Năm 2013 là năm đầu tiên thứ tự các môn thi của khối B, C, D sẽ thay đổi để giúp thí sinh bớt căng thẳng khi phải thi hai môn tự luận trong một ngày. Trong các kỳ thi trước đây, thứ tự môn thi khối B là Sinh, Toán, Hóa thì nay đổi thành Toán, Sinh, Hóa.
Khối C từ môn Văn, Sử, Địa được đổi thành Địa, Sử, Văn. Khối D từ Văn, Toán, Ngoại ngữ chuyển thành Toán, Ngoại ngữ, Văn. Những thí sinh thi năng khiếu sau khi dự thi môn văn hóa sẽ thi tiếp môn năng khiếu đến hết ngày 13/7 (trừ 10 trường được tổ chức thi tuyển sinh riêng).
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, đợt 2 của kỳ thi ĐH năm nay gồm nhiều môn thi theo hình thức tự luận nên để khắc phục tình trạng thí sinh mang tài liệu, thiết bị vào phòng thi, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các trường ĐH tăng cường thêm giám thị làm công tác thanh tra, giám sát cho mỗi buổi thi. Vai trò của giám thị rất quan trọng, quyết định lớn tới sự đảm bảo an toàn, trật tự và kỷ cương phòng thi nên sẽ được các trường tập huấn lần cuối trước khi diễn ra môn thi đầu tiên.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng lưu ý các thí sinh rằng, đề thi năm nay cũng như một số năm gần đây đều nằm trong chương trình sách giáo khoa THPT, ra theo hướng mở, có sự phân loại cao nên yêu cầu thí sinh phải có cách hiểu kỹ bài học, năng động, sáng tạo trong khi làm bài. Vì vậy, cách học theo hình thức học thuộc lòng, học “vẹt”, học tủ sẽ không phù hợp với cách ra đề cải tiến, không thể giúp thí sinh có kết quả cao đối với từng môn thi.
Với cách thức ra đề như trên, thí sinh không nên mang điện thoại di động, thiết bị không được phép, tài liệu vào phòng thi.
Nếu hội đồng thi phát hiện thí sinh nào mang tài liệu, vật dụng, thiết bị trái phép vào phòng thi thì sẽ bị đình chỉ thi. Vì vậy, thí sinh hãy bình tĩnh, tự tin, cẩn thận và chấp hành tốt nội quy khi đi thi./.