Đề thi Ngữ văn không khó, thí sinh rạng rỡ ra khỏi phòng thi
VOV.VN - Theo nhận xét của nhiều thí sinh, đề thi Ngữ văn THPT quốc gia năm nay dễ hơn so với những năm trước nên nhiều thí sinh rạng rỡ ra khỏi phòng thi.
Theo nhận xét của nhiều thí sinh, đề thi Ngữ văn THPT quốc gia năm nay dễ hơn so với những năm trước. Kết thúc môn thi đầu tiên, các thí sinh thở phào nhẹ nhõm, hào hứng.
Sáng nay (26/5), hơn 800.000 thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia trên cả nước làm bài thi môn Ngữ văn, hình thức tự luận, thời gian làm bài 120 phút.
Thí sinh sau khi làm xong bài thi môn Ngữ văn sáng 25/6. |
Ghi nhận của phóng viên tại một số điểm thi của Hà Nội, đa số thí sinh tỏ ra phấn khởi khi kết thúc môn thi đầu tiên.
Tại điểm thi THCS Tô Hoàng (Hai Bà Trưng, Hà Nội), Trần Quỳnh Trâm được sinh viên tình nguyện và mẹ đỡ ra khỏi phòng thi sau khi hoàn thành bài thi môn Ngữ văn.
Một sự cố giao thông đã khiến em bị gãy chân trước ngày thi THPT quốc gia, trái với tâm trạng lo lắng và cảm giác đau đớn của buổi sáng trước khi bắt đầu buổi thi, Quỳnh Trâm khá thoải mái, phấn khởi sau khi hoàn thành bài thi.
“Đối với môn Ngữ văn, em chưa dám chắc được bao nhiêu điểm vì cách chấm môn Văn khác với các môn tự nhiên như Toán, Lý, Hóa có đáp số rõ ràng. Nhưng em cũng cảm thấy bài làm của mình khá ổn và tự tin hơn rất nhiều. Kết thúc môn Ngữ văn, dù hơi mệt, nhưng tinh thần em đã thoải mái hơn nhiều, sẵn sàng để bước vào bài thi môn Toán chiều nay”, Quỳnh Trâm cho biết.
Tại điểm thi trường Marie Curie (Từ Liêm, Hà Nội), các thí sinh cũng rất hào hứng khi tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường xuất hiên trong đề thi.
Thí sinh Nguyễn Hữu Hoàng tại THCS Trung Văn, Từ Liêm, Hà Nội hào hứng chia sẻ: “Đề thi Ngữ văn năm nay khs vừa sức với học sinh. Em rất thích câu nghị luận văn học hỏi về tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông. Những tác phẩm này em đều đã được ôn khá kỹ trên lớp. Ngoài ra câu nghị luận xã hội cũng rất thiết thực, học sinh có thể vận dụng những vốn sống mình có để đưa vào bài thêm phong phú”.
Dự đoán được từ 7-8 điểm bài môn Ngữ văn, Hoàng cho biết em đã có thể yên tâm với môn thi đầu tiên và chuẩn bị tinh thần thật tốt cho buổi thi chiều nay với môn Toán.
Từng đi du học nhiều năm, mới trở về Việt Nam hơn 1 năm, Đinh Tiến Dũng (THCS-THPT Trần Quốc Tuấn) đã khá bỡ ngỡ và lo lắng với môi trường và cách học mới.
Dù không có ý định học đại học tại Việt Nam, song Dũng cũng không khỏi căng thẳng, lo lắng về kỳ thi THPT quốc gia lần này. “Mục đích chính của em là đỗ tốt nghiệp sau đó tiếp tục du học tại Hàn Quốc. Tuy nhiên vì khá lâu không sống và học tập tại Việt Nam nên em đã phải chuẩn bị rất kỹ cho kỳ thi này.
Ngoài việc học trên lớp, em chủ yếu tự học bằng cách luyện các đề thi, đặc biệt là đề thi những năm trước. Tham khảo đề thi Ngữ văn từ năm 2016-2018, em thấy đề thi Văn năm nay “dễ thở” hơn nhiều. Dung lượng đề vừa phải, không quá dài, đề phù hợp với mục đích chính là xét tốt nghiệp THPT”.
Bên cạnh đó, cũng có một số ít thí sinh cảm thấy khó khăn hơn với câu nghị luận văn học. Hoàng Ngọc Bích (THPT Xuân Thủy, Cầu Giấy) cho biết bài thi môn Ngữ văn của em tương đối ổn. Song nữ sinh chưa thực sự hài lòng với câu hỏi về tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông”.
“Câu này em làm chưa thực sự như ý. Đây là tác phẩm văn xuôi, nhưng đậm chất thơ. Để làm tốt, thí sinh không chỉ cần hiểu và phân tích đủ ý, mà còn cần nhập tâm và tự tạo cho mình cảm hứng khi làm bài. Em cảm thấy hôm nay mình chưa thể khơi gợi cảm hứng để làm tốt câu này. Em kỳ vọng nhiều hơn ở bài thi môn Toán chiều nay”.
Kết thúc môn Ngữ văn, chiều nay, các thí sinh tiếp tục làm bài thi môn Toán, hình thức trắc nghiệm, thời gian làm bài 90 phút.
Thí sinh Đắk Nông đánh giá đề thi môn văn hay, không khó
Sáng nay (25/6), hơn 6.000 thí sinh của tỉnh Đắk Nông bước vào môn thi đầu tiên của kỳ thi THPT Quốc gia 2019- môn Ngữ văn. Sau 2/3 thời gian làm bài thi, một số thí sinh đã nộp bài và ra về để chuẩn bị cho môn thi tiếp theo.
Nhiều thí sinh đã ra khỏi phòng thi sau 2/3 giờ làm bài. |
Là một trong những người ra khỏi phòng thi sớm nhất, sau 2/3 thời gian làm bài thi, thí sinh Mai Việt Thắng (điểm thi THPT Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) cho biết, cấu trúc đề thi ngữ văn vẫn như mọi năm và giống với các đề thi thử mà học sinh đã được làm trong thời gian qua. Năm nay, phần nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh trình bày về ý chí và nghị lực chinh phục dựa theo bài thơ trích dẫn. Trong khi đó, phần nghị luận văn học có phần khó hơn, liên quan đến tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc Tường.
“Em thấy đề Ngữ văn khá là vừa sức, đề nghị luận xã hội rất là thực tế, đề văn năm nay rất là hay, em nghĩ điểm văn sẽ cao, các bạn học trung bình khá thì sẽ đạt được khoảng từ 6 đến 7 điểm”, thí sinh Việt Thắng nói.
Tương tự, thí sinh Nguyễn Tấn Đạt (điểm thi THPT Nguyễn Chí Thanh, Gia Nghĩa) cho biết, đối với bài nghị luận xã hội, đề yêu cầu thí sinh trình bày về khát vọng chinh phục của con người. Nam sinh chuyên Lý Nguyễn Tiến Đạt chia sẻ, cậu làm được khoảng 70% nội dung đề bài yêu cầu.
“Đề Ngữ văn năm nay dễ chỉ trừ câu 2 bọn em học tủ nên bị chệch. Đề thi năm nay dành cho trên mức trung bình một chút thôi, nói chung mức ra đề năm nay cơ bản cho mọi người”, thí sinh Tấn Đạt nói.
Theo ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông, toàn bộ điểm thi đều được đảm bảo an ninh, tới thời điểm hiện tại, chưa có sự cố đáng tiếc nào xảy ra. (Hoàng Quy/VOV-Tây Nguyên)
Nhiều thí sinh miền Trung vắng trong môn thi đầu tiên
Sáng nay, hàng trăm nghìn thí sinh miền Trung bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2019. Hôm nay, thời tiết khá nóng nhưng không ảnh hưởng nhiều đến tâm lý cũng như sức khỏe của các thí sinh. Kỷ luật phòng thi được siết chặt, cán bộ giám sát thi nghiêm túc, không có thí sinh nào vi phạm quy chế thi. Tuy nhiên, có nhiều thí sinh vắng, không tham gia buổi thi sáng nay.
Các thi sinh đã hoàn thành môn thi đầu tiên. |
Tại cụm thi số 33 ở thành phố Đà Nẵng, sáng nay, 31 thí sinh không dự thi, không có thí sinh vi phạm Quy chế thi. Theo đánh giá của các thí sinh, đề thi năm nay có độ phân hóa rõ rệt. Đề thi môn Ngữ văn chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, bám sát sách giáo khoa.
Thí sinh Phạm Hải, học sinh lớp 12/1 trường Trần Phú, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng cho biết: “Đề Ngữ văn năm nay về phần Đọc hiểu khá là khó và phần văn thì dường như các bạn không trúng tủ nhiều. Vì năm nay các bạn học tủ nhiều hơn bình thường. Phần Đọc hiểu mức độ khó tăng dần. So với đề năm trước, em thấy đề năm nay có vẻ khó hơn”.
Tại tỉnh Bình Định, sáng nay, có 36 thí sinh vắng mặt. Thí sinh Nguyễn Văn Thuận Phát dự thi tại điểm thi Trường THPT Quốc học Quy Nhơn nói về đề thi môn Ngữ văn: Ấn tượng phần đọc hiểu, về Bài thơ “Trước biển” làm em thấy liên tưởng về ý chí của con người vươn lên đạt được khát vọng của mình. (PV/VOV-Miền Trung)
Giáo viên, thí sinh tại TP HCM đánh giá đề Ngữ văn hay, gần gũi
Kết thúc bài thi môn Ngữ Văn, kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2019, nhiều thí sinh tại TP HCM cho biết, đề năm nay so với năm ngoái không quá khó. Trong khi đó, giáo viên nhận định đề hay nhưng không dễ kiếm điểm cao.
Thí sinh tại điểm thi trường THPT Trưng Vương, quận 1, TPHCM. |
Đề Ngữ Văn kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm nay gồm 2 phần là Đọc hiểu và Làm văn, chỉ khác với cấu trúc của đề thi minh họa do Bộ GD-ĐT công bố trước đó là không có phần so sánh ở mục nghị luận. Nội dung đề nằm trong chương trình lớp 12 nên không mang tính đánh đố thí sinh.
Về phần Đọc hiểu nói đến trích đoạn bài thơ “Trước biển” của nhà thơ Vũ Quần Phương, nhiều giáo viên dạy Văn tại TP HCM đánh giá đây là phần yêu cầu sát thực tiễn, không khiến thí sinh bỡ ngỡ vì nhiều năm nay biển đảo luôn là đề tài thời sự. Yêu cầu viết về sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống của đề thi cũng là yếu tố hay, kích thích được tư duy sáng tạo của thí sinh. Phần Đọc hiểu có độ phân hóa rất cao từ câu 3, 4 để các trường lọc thí sinh giỏi thực sự.
Cô Nguyễn Thị Kiều Oanh, Tổ trưởng Tổ Văn trường THPT Nguyễn Du ở quận 10 đánh giá rất cao việc Bộ GD-ĐT đưa trích đoạn bài văn “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường vào phần nghị luận. Theo giáo viên này, việc chọn trích đoạn hay, giàu tính văn chương sẽ khiến thí sinh cảm thấy thích thú hơn vì không quá nặng nề kiểu “đao to búa lớn”.
Tuy nhiên, muốn làm đạt yêu cầu, thí sinh phải có khả năng cảm thụ văn học chứ không phải học thuộc lòng là được.
Cô Oanh nói: “Phần nghị luận văn học cho đoạn văn nói lên được cái đẹp của thiên nhiên, đất nước. Giọng văn của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong đoạn này rất đẹp. Việc đề đưa ra đoạn văn này sẽ giúp các em học sinh thấy rằng tiếng Việt của mình rất đẹp và cảm thụ, cách nhìn về thiên nhiên, đất nước, về tình yêu của con người với quê hương”.
Kết thúc môn thi, nhiều thí sinh tỏ ra phấn khởi vì đề không quá khó. Nguyễn Minh Tâm, học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Diệu cho biết em và nhiều bạn cảm thấy khá thoải mái vì đề thi nhẹ nhàng, không gây bất ngờ nhưng vẫn sát thực tiễn.
“Đề thi cũng không quá khó, vừa sức với em. Nội dung thi cũng trong những đề thi mà trường em đã cho ôn tập. So với đề năm trước thì năm nay dễ hơn nhiều.”.
Chiều nay, thí sinh thi môn Toán với thời gian làm bài 90 phút. (Mỹ Dung/VOV-TP HCM).