Đề thi tốt nghiệp THPT hướng tới đánh giá việc dạy và học thực chất
VOV.VN - Thay vì thi cử theo những bài khuôn mẫu sẵn có, đề thi tốt nghiệp THPT năm nay đã góp phần khơi dậy được kiến thức, năng lực tổng hợp của thí sinh.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT không nhằm đánh trượt học sinh mà là hướng tới việc đổi mới việc kiểm tra và đánh giá việc dạy và học ở trường phổ thông một cách thực chất hơn. Đó là khẳng định của PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) trong cuộc gặp gỡ báo chí chiều 18/6.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 đã đáp ứng được đòi hỏi ban đầu của việc đảm bảo an toàn, nghiêm túc. Kỷ luật phòng thi, trường thi được đánh giá là nghiêm túc so với các năm trước rất nhiều. Hiện tượng học sinh sử dụng phao thi cơ bản đã được khắc phục.
PGS.TS Mai Văn Trinh phát biểu tại cuộc gặp mặt báo chí chiều 18/6
Theo ông Mai Văn Trinh, đề thi năm nay đã đáp ứng được bước đầu của việc đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh bằng cách tăng cường các câu hỏi “mở”, đòi hỏi thí sinh phải biết vận dụng kiến thức học được với sự hiểu biết xã hội, tình hình thực tiễn đời sống của đất nước. Thay vì phải học tập, kiểm tra và thi cử theo những bài khuôn mẫu sẵn có, đề thi đã góp phần khơi dậy được kiến thức, kỹ năng, năng lực tổng hợp của thí sinh. Điều này sẽ tác động tới quá trình dạy và học ở trong nhà trường. Đây là bước đi đầu tiên trong lộ trình đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục.
Giải thích về mục đích của việc đổi mới đề thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: Bộ GD-ĐT thay đổi cách ra đề thi tốt nghiệp THPT nhằm hướng tới phát huy phẩm chất và năng lực của người học chứ không phải là kiểm tra thí sinh học được bao nhiêu kiến thức. Việc đổi mới đề thi còn phải có tính chất phân hóa trình độ của thí sinh. Học sinh nào chăm chỉ, ôn tập kỹ lưỡng, có năng lực thì sẽ đạt điểm cao. Học sinh nào không có ý chí phấn đấu thì điểm sẽ thấp hoặc thi trượt.
Trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2014, đề thi môn Ngữ văn được thực hiện theo hướng đánh giá năng lực học tập toàn diện của học sinh, khắc phục tình trạng “học tủ, học lệch”. Sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ có đánh giá cụ thể đối với việc đổi mới đề thi, điểm thi môn Ngữ văn nói riêng và toàn bộ kỳ thi tốt nghiệp THPT./.