Đề xuất gửi đào tạo tại cơ sở khác những ngành ít thí sinh trúng tuyển
VOV.VN -Bộ GD-ĐT đang xin ý kiến góp ý của các trường đại học, cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên về dự thảo Quy chế tuyển sinh hệ chính quy năm 2020.
Đại diện một số trường cho rằng, cần có những cơ chế mới để đảm bảo quyền lợi của thí sinh trong quá trình xét tuyển đại học, cao đẳng, đặc biệt là đối với những ngành, chương trình đào tạo có ít thí sinh trúng tuyển.
Bộ GD-ĐT cũng nên có giải pháp để thu hút thí sinh vào học ở những ngành ít thí sinh trúng tuyển. |
Trong mùa tuyển sinh năm 2019 đã xảy ra tình trạng một số ngành, chương trình đào tạo của một số trường đại học, cao đẳng có quá ít thí sinh đủ điểm trúng tuyển, không đủ điều kiện để mở lớp. Để tránh lãng phí trong đào tạo, nhiều trường đã nâng mức điểm trúng tuyển để đánh trượt thí sinh, làm mất quyền lợi của thí sinh và gây bức xúc cho xã hội. Để tránh lặp lại bất cập này trong mùa tuyển sinh năm 2020, nhiều ý kiến đề xuất Bộ GD-ĐT nên đưa giải pháp xử lý vấn đề này vào quy chế tuyển sinh năm 2020.
Ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đề xuất: “Một số ngành, một số chương trình của một số trường tuyển sinh mà khi số lượng thí sinh đăng ký rất ít, nếu mà xét trúng tuyển thì sẽ có rất ít và khi đó điểm chuẩn có thể rất thấp hoặc là tuyển không đủ số lượng cần thiết mở. Chúng tôi nghĩ rằng, việc này nên đưa vào quy chế để các trường có ngay giải pháp trong trường hợp ấy mà không phải chờ đến lúc đó lại phải đi xử lý sự cố hay là xin ý kiến này khác nữa, làm sao minh bạch trong quy chế về tuyển sinh đối với những ngành mà thí sinh đăng ký ít như vậy”.
Trong số những ngành, chương trình đào tạo xảy ra tình trạng quá ít thí sinh trúng tuyển, không đủ điều kiện để mở lớp thì nhóm ngành đào tạo sư phạm chiếm số lượng lớn. Ông Nguyễn Thế Bình, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang nêu một thực tế là mấy năm gần đây, số lượng thí sinh trúng tuyển vào Trường cao đẳng Sư phạm Hà Giang rất thấp, có nhiều ngành số lượng thí sinh trúng tuyển chỉ vài em. Nếu trường tổ chức đào tạo thì lãng phí mà không tổ chức đào tạo thì mất quyền lợi của thí sinh. Nếu quy chế tuyển sinh năm 2020 bổ sung điều khoản để giải quyết vấn đề này thì sẽ đảm bảo được quyền lợi của thí sinh trong quá trình xét tuyển và không gây lãng phí trong đào tạo.
“Năm ngoái sau khi kết thúc tuyển sinh thì chúng tôi cũng đề nghị để có hướng là chuyển 1-2 học sinh ở 1-2 ngành học đi về những trường gần đó để đỡ lãng phí về măt nhân lực, tài chính trong quá trình tổ chức đào tạo. Tuy nhiên lại không thực hiện được vì quy chế chưa có hệ thống pháp lý để triển khai công việc này. Chúng tôi rất muốn là trong quy chế năm nay, những địa phương, những ngành học, những trường có số học sinh đào tạo học sinh dự thi trúng tuyển thấp và đăng ký đi học thực tế thấp thì cho phép một cơ chế là gửi sang những trường lân cận có cùng mặt bằng trình độ yêu cầu tuyển sinh để tổ chức đào tạo cho tránh lãng phí”.
Ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, trong những năm gần đây, việc đặt ra ngưỡng đảm bảo chất lượng đã giúp các trường sư phạm tuyển được những sinh viên có chất lượng đầu vào khá hơn so với trước đây. Có một thực tế là trong số những ngành sư phạm quá ít thí sinh trúng tuyển, không đủ điều kiện để mở lớp thì các trường phổ thông lại thiếu giáo viên giảng dạy các môn như: Tin học, Nghệ thuật, Ngoại ngữ... Nếu những bất cập trong công tác tuyển sinh khối ngành sư phạm không được giải quyết thì khi Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, chỉ trong vòng 1 đến 2 năm tới sẽ thiếu trầm trọng giáo viên các môn học này.
"Có mấy ngành mà hiện tại đặc biệt là trong triển khai chương trình mới chúng ta phải lo phải tính toán đến. Thứ nhất là giáo viên tin học, ngành này tuyển rất khó, bởi rất nhiều em muốn học tin học và làm việc khác nhiều hơn là đi vào giáo viên. Chúng ta phải có giải pháp để có thể mong muốn các cháu vào, sau này ra, còn nếu không thì trong 1-2 năm tới chúng ta sẽ thiếu một cách trầm trọng. Ngoại ngữ và các ngành nghệ thuật khác cũng vậy”.
Một số ý kiến cũng đề xuất, cùng với việc đưa vào quy chế giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các trường trong trường hợp có những ngành ít thí sinh trúng tuyển thì Bộ GD-ĐT cũng nên có giải pháp để thu hút thí sinh vào học các ngành sư phạm mà hiện các trường đang thiếu giáo viên, để tạo nguồn tuyển cho các trường phổ thông khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới./.