Điểm chuẩn các trường top trên sẽ ít biến động?
VOV.VN - Theo nhận định của các chuyên gia, các ngành, trường "hot" năm 2020 đã lấy điểm chuẩn rất cao, năm nay sẽ chỉ tăng nhẹ, nhưng các trường, ngành top giữa lại có xu hướng tăng mạnh.
Dựa trên phổ điểm thi các môn tốt nghiệp THPT 2021 đợt 1 mà Bộ GD-ĐT đã công bố, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM chỉ ra rằng, nếu so sánh với năm 2020, thì năm nay, số lượng các thí sinh đạt từ 8 điểm trở lên ở môn Toán tương đương năm trước. Trong khi đó đề thi môn Lý tăng về độ khó nên số lượng thí sinh đạt từ 8 điểm lại giảm, với môn Hóa số lượng này tăng nhẹ. Riêng với môn Sinh, số lượng thí sinh đạt từ 8 điểm trờ lên tăng mạnh. Ở môn Văn, tăng 20.000 em đạt từ 8 điểm. Đặc biệt, số thí sinh đạt từ 8 điểm trở lên ở môn tiếng Anh tăng hơn 4 lần so với năm 2020.
Theo thầy Dũng, năm 2021 có hơn 1 triệu thí sinh đăng ký thi THPT (năm 2020 hơn 900.000), trong đó, khối tự nhiên có 343.564 nguyện vọng (năm 2020 là 296.158). Như vậy số đăng ký xét tuyển theo điểm thi THPT cũng tăng lên.
Từ những căn cứ trên, thầy Đỗ Văn Dũng dự đoán, điểm chuẩn ở những trường top trên khối A0 (Toán, Lý, Hóa) có thể tăng nhẹ từ 0,5-1 điểm, khối A1 (Toán, Lý, Anh) tăng từ 1-2 điểm, khối B00 (Toán, Hóa, Sinh) tăng từ 1-1,5 điểm, D01 (Toán, Văn Anh) tăng từ 1,5-2,5 điểm, D07 (Toán, Hóa, Anh) tăng từ 1,0-2,5 điểm.
Thầy Đỗ văn Dũng cũng cho rằng, năm nay, điểm chuẩn các trường đại học top đầu ở khu vực phía Nam sẽ tăng lên bởi ngoài yếu tố đề thi dễ hơn thì chỉ tiêu dành cho điểm thi tốt nghiệp THPT còn ít do các trường đa dạng phương thức tuyển sinh, nhất là các trường thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM đã dành khoảng 50-70% chỉ tiêu tuyển sinh hệ này. Các trường khác, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên cũng dành nhiều chỉ tiêu cho xét tuyển học bạ.
Các trường top giữa điểm chuẩn có thể tăng thêm khoảng 1 điểm. Với các trường khối ngành đã lấy điểm chuẩn rất cao như Công an, Quân đội, Y dược, thì điểm chuẩn có thể không tăng, hoặc tăng nhẹ.
Với Đại học Sư phạm Kỹ thuật, thầy Đỗ Văn Dũng cho biết, những ngành “hot” có thể sẽ tăng khoảng 0,5 điểm so với năm trước, một số ngành thí sinh ít quan tâm hơn điểm chuẩn có thể giữ nguyên ở mức từ 19-20 điểm.
Thầy Dũng cũng lưu ý, những thí sinh đạt điểm cao vẫn có nguy cơ trượt những trường top trên nếu đăng ký ít nguyện vọng. Do đó, thí sinh cần đăng ký thêm nhiều nguyện vọng để tăng cơ hội đỗ.
Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên dạy Toán tại Hà Nội cho rằng, điểm chuẩn của những trường ĐH top đầu sẽ tương tự như năm 2020, ít có biến động. Một số ngành "hot" tại các trường lớn như Tài chính, CNTT, Kinh doanh quốc tế, Truyền thông, Báo chí… vẫn có thể tăng từ 0,5-1 điểm.
Những trường top giữa có xu hướng tăng mạnh từ 1-2 điểm. Điểm chuẩn các trường top dưới có khả năng sẽ không tăng.
Nếu chia theo các khối thi, thầy Tùng cho rằng, hầu hết các ngành tuyển sinh theo khối A00 điểm chuẩn có thể giảm từ 0,5-1 điểm, các ngành năm trước điểm chuẩn từ 26-27 năm nay sẽ giảm khoảng 0,5 điểm. Các ngành khối Y dược không tăng. Trong khi đó, các ngành tuyển sinh theo khối A00, B00 năm trước có điểm chuẩn từ 20-24 năm nay sẽ tăng từ 1-2 điểm.
Điểm chuẩn khối A1 được thầy Tùng dự đoán sẽ tăng từ 0,5-1,5 điểm. Trong đó nhóm ngành năm trước điểm chuẩn từ 25 điểm trở lên năm nay tăng khoảng 0,5-1 điểm, nhóm có điểm chuẩn năm 2020 từ 20-25, năm nay có thể tăng từ 1-1,5 điểm.
Với khối D, điểm chuẩn được dự đoán sẽ tăng mạnh từ 1-3 diểm. Nhóm ngành 25 điểm trở lên của năm ngoái, năm nay có thể tăng từ 1-1,5 điểm, nhóm ngành từ 20-25 điểm năm trước, năm nay có thể tăng thêm từ 1,5-3 điểm.
Với khối C, thầy Tùng cho rằng, điểm chuẩn có thể tăng từ 0,5- 1 điểm.
Nhóm ngành năm 2020 có điểm chuẩn dưới 18, năm nay sẽ tăng khoảng 1 điểm, nhóm ngành năm 2020 lấy từ 18-20 không tăng, nhóm có điểm chuẩn năm 2020 từ 20 điểm trở lên có thể tăng từ 0,5- 1 điểm./.