Điểm sàn có tác động thế nào tới điểm chuẩn các trường đại học 2017
VOV.VN -Điểm chuẩn của các trường tốp trên có thể nhích lên. Những trường ĐH ở tốp giữa có thể không tăng điểm chuẩn hoặc nếu có tăng thì không cao lắm.
Bộ GD-ĐT vừa công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng tuyển sinh đầu vào ĐH (điểm sàn) năm 2017. Theo đó, năm nay, mức điểm sàn cho tất cả khối thi là 15,5 điểm (cao hơn năm 2016 là 0,5 điểm).
Thông qua mức điểm sàn, các trường ĐH, CĐ sẽ xây dựng mức điểm chuẩn để thực hiện công tác tuyển sinh.
Sau khi công bố mức điểm sàn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã có cuộc trao đổi với báo chí về dự báo mức điểm chuẩn, số lượng thí sinh trúng tuyển vào các trường ĐH.
Bộ GD-ĐT công bố mức điểm sàn xét tuyển đại học năm 2017 |
PV: Thứ trưởng có thể lý giải vì sao năm nay mức điểm sàn lại cao hơn năm ngoái 0,5 điểm?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Những tiêu chí để Bộ GD-ĐT xác định điểm sàn năm 2017 dựa vào 3 yếu tố: ngưỡng đảm bảo chất lượng “đầu vào” của các trường ĐH, nguồn tuyển sinh cho các trường, sự dịch chuyển thí sinh giữa các vùng, miền.
Trong nhiều năm qua, chúng ta đã có hệ số dư dôi thí sinh rất lớn nhưng nhiều trường ĐH vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu bởi vì nhiều em có điểm thi cao thường dồn về học tập tại các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng. Còn những thí sinh điểm thấp hơn cũng không di chuyển về các địa phương để học tập. Vì vậy, các trường ĐH, CĐ ở các địa phương thiếu sinh viên học.
Chính vì những yếu tố trên, Hội đồng điểm sàn cân nhắc rất kỹ và quyết định lấy mức điểm sàn cho tất cả khối thi là 15,5 điểm (cao hơn năm 2016 là 0,5 điểm).
PV: Thứ trưởng đánh giá như thế nào về chất lượng bài làm của thí sinh trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Chất lượng bài làm của thí sinh trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 cao hơn năm 2016. Từ khi Bộ GD-ĐT thực hiện thi 3 chung (chung đề, chung đợt thi, chung kết quả xét tuyển) cho đến năm 2016, điểm sàn ĐH giao động từ 13; 14; 14,5 và 15. Năm nay, mức điểm sàn cho tất cả khối thi là 15,5 điểm (cao hơn năm 2016 là 0,5 điểm) là sự cố gắng của cả thí sinh, nhà trường trong việc giảng dạy và học tập.
Năm nay, thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia ngay tại địa phương mình nên các em làm bài tự tin hơn, chất lượng bài thi được nâng cao nên có điểm thi tốt hơn. Vì vậy, ngưỡng điểm sàn cũng được Bộ GD-ĐT nâng lên một chút để phù hợp với thực tế thi của thí sinh.
PV: Với mức điểm sàn, phổ điểm thi được nâng lên, nhiều trường ĐH lo ngại khó tìm tuyển được thí sinh. Thứ trưởng có suy nghĩ gì về ý kiến của các trường ĐH?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Trước khi công bố điểm sàn, Bộ GD-ĐT đã cân nhắc kỹ những điều này. Năm nay, Bộ GD-ĐT có thêm công cụ kỹ thuật là chạy thử phần mềm xét tuyển với cơ sở dữ liệu thí sinh đã đăng ký nguyện vọng vào các trường và kết quả thí sinh đã đạt được. Thông qua phần mềm này, Bộ và các trường ĐH sẽ xác định được lượng thí sinh đăng ký đầy đủ chỉ tiêu ngay trong đợt I. Như vậy, với công cụ, phần mềm hỗ trợ của Bộ GD-ĐT thì các trường có thể yên tâm về điểm sàn xác định là phù hợp.
Năm 2016, số lượng thí sinh dôi dư khá đáng kể (lên đến 100.000 thí sinh) trên điểm sàn nhưng các em lại không đăng ký xét tuyển vào bất cứ trường ĐH nào.
Năm nay, điểm sàn ĐH là 15,5 thì có hệ số dôi dư thí sinh là 1,39 (dư 39% thí sinh). Tuy nhiên, không phải tất cả số thí sinh dôi dư này đều trúng tuyển vì có thể các em không nộp đơn xét tuyển hay vì không trúng tuyển đúng nguyện vọng. Vì vậy, các trường tốp giữa, tốp dưới hay trường CĐ, trung cấp không nên lo lắng về thiếu nguồn tuyển.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga |
Điểm chuẩn trường tốp trên tăng, nhiều trường sẽ tuyển đủ ngay từ đợt I
PV: Với mức điểm sàn đưa ra, Thứ trưởng có thể dự đoán về điểm chuẩn, số lượng thí sinh đăng ký vào những trường ĐH tốp trên, tốp giữa và tốp dưới như thế nào?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Với mức điểm sàn là 15,5 điểm, Bộ GD-ĐT đã chạy thử phần mềm xét tuyển ĐH dựa theo số liệu thí sinh đã đăng ký nguyện vọng và điểm thi của các em. Kết quả cho thấy, có khoảng 90 trường ĐH đầu tiên sẽ tuyển đủ chỉ tiêu ngay từ đợt đầu tiên. Tổng số thí sinh sẽ trúng tuyển đợt đầu tiên là khoảng 83%.
Điểm sàn năm nay chỉ tăng 0,5 điểm so với năm ngoái nên có thể điểm chuẩn ở các trường sẽ “nhích” nhẹ, không tăng nhiều. Điểm chuẩn của các trường tốp trên có thể nhích lên. Những trường ĐH ở tốp giữa có thể không tăng điểm chuẩn hoặc nếu có tăng thì không cao lắm.
Tuy nhiên, phổ điểm thi năm nay không bị dốc xuống nên các trường ĐH, CĐ khác sẽ không gặp khó khăn nhiều trong công tác tuyển sinh và xác định điểm chuẩn trúng tuyển. Nếu trong trường hợp có một số trường, ngành học có lượng thí sinh lớn, trùng điểm đạt được thì các trường đã có phương án là thêm tiêu chí phụ.
PV: Thứ trưởng có lời khuyên nào với thí sinh khi đăng ký xét tuyển ĐH năm 2017?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Cho đến nay, thí sinh đã biết được điểm thi, phổ điểm, điểm sàn. Vì vậy, nếu như trước đây, khi đã chọn lựa trường học, ngành nghề phù hợp rồi thì thí sinh có điểm cao không cần phải thay đổi nguyện vọng. Còn những thí sinh nào có điểm thi thấp hơn dự kiến thì các em có thể thay đổi, điều chỉnh nguyện vọng sao cho chọn trường học, ngành nghề một cách phù hợp.
Tuy nhiên, không phải tất cả thí sinh đều điều chỉnh nguyện vọng, mà phải thực sự cần thiết thì mới nên điều chỉnh nguyện vọng.
PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!/.
Chính thức công bố điểm sàn xét tuyển đại học năm 2017
Sáng nay công bố điểm sàn xét tuyển vào đại học năm 2017
Điểm chuẩn dự kiến vào các trường đại học top đầu
Điểm sàn xét tuyển đại học năm 2017 sẽ như thế nào?