Đổi mới giáo dục - bắt đầu từ đâu?
Yêu cầu đổi mới giáo dục là cấp thiết, khẩn trương nhưng cần được tiến hành bài bản và không thể chỉ là việc của riêng ngành giáo dục
Đổi mới giáo dục là cấp thiết, nhưng đổi mới như thế nào và bắt đầu từ đâu? Đó là những vấn đề thu hút nhiều sự quan tâm của các đại biểu tham dự cuộc tọa đàm về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo nước nhà do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức ngày 27/9 tại Hà Nội.
Cần có đề án tổng thể
Trong buổi tọa đàm, Bộ trưởng, các Thứ trưởng và nhiều cán bộ quản lý của Bộ GD-ĐT cùng có mặt để lắng nghe những đề xuất, kiến nghị từ những nhà nghiên cứu giáo dục, nhà khoa học có uy tín... Các ý kiến tại cuộc tọa đàm cũng đặc biệt quan tâm, thảo luận về việc nghiên cứu, xây dựng hệ thống quan điểm, triết lý giáo dục cho giai đoạn phát triển mới.
Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục cho rằng: “Muốn tạo chuyển biến cơ bản toàn diện về giáo dục nhất thiết phải có cuộc cải cách giáo dục. Trước hết, cần phải có một phương hướng cải cách giáo dục, một đề án cải cách giáo dục mang tính tổng thể và chiến lược phát triển giáo dục mà Bộ GD-ĐT vừa trình bày phải nằm trong đề án cải cách đó. Trong bối cảnh nền giáo dục còn nhiều yếu kém, bất cập, nhiều vấn đề đang cần phải nghiên cứu thay đổi như hiện nay, việc đưa ra một bản chiến lược tổng thể phát triển giáo dục là chưa có cơ sở”.
Theo bà Nguyễn Thị Bình, sẽ có hàng loạt vấn đề phải giải quyết đồng bộ mà trước hết phải xác định lại sứ mạng giáo dục hiện nay và triết lý giáo dục sẽ nằm trong sứ mạng giáo dục đó là gì.
PGS.TS Trần Quốc Toản, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nêu: Đổi mới căn bản, toàn diện không phải là một quá trình đơn giản, dễ dàng bởi nhiều vấn đề đang còn không ít nhận thức khác nhau, cần có những nghiên cứu để tìm ra lời giải có căn cứ khoa học và thực tiễn. Trong quá trình đổi mới giáo dục cần phải đặt lên hàng đầu đổi mới tư duy, nhận thức, triết lý giáo dục vì đây là những vấn đề mang tính mở đường. Tiếp đến, những yếu tố giáo dục căn bản phải được nghiên cứu rõ cả về khoa học và thực tiễn.
“Vấn đề quan trọng đầu tiên là phải tổ chức nghiên cứu xây dựng một Đề án tổng thể về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục cho giai đoạn 2011-2020. Đề án phải nêu được quan điểm chỉ đạo, mục tiêu nội dung và các nhiệm vụ chủ yếu, lộ trình nghiên cứu và triển khai thực hiện, nguồn lực để thực hiện” - PGS Trần Quốc Toản đề xuất.
Phát triển đội ngũ nhà giáo - giải pháp đột phá
Đổi mới quản lý giáo dục, thay đổi cơ cấu hệ thống giáo dục, thay đổi nội dung chương trình, đổi mới thi cử và xây dựng chính sách đối với nhà giáo... là những vấn đề được các nhà giáo dục cho là then chốt của một cuộc chấn hưng giáo dục. GS Hoàng Tụy nhấn mạnh: “Chính sách nhà giáo là vấn đề quan trọng nhất trong những vấn đề then chốt của việc đổi mới giáo dục”.
Cùng quan điểm trên, GS.TSKH Vũ Ngọc Hải, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đề nghị, để khắc phục những bất cập của giáo dục hiện nay và nhất là muốn góp phần quan trọng trong đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nước ta, cần coi việc phát triển và chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, cán bộ quán lý giáo dục là giải pháp then chốt, đột phá.
Bà Nguyễn Thị Bình kiến nghị: “Cần có một tổ chức làm nhiệm vụ xây dựng đề án tổng thể, trong đó nêu ra được giải pháp, lộ trình để trình Trung ương và Quốc hội theo quy định pháp luật. Tổ chức này có thể là ủy ban cải cách giáo dục”.
Yêu cầu đổi mới giáo dục là cấp thiết, khẩn trương nhưng cần được tiến hành bài bản và không thể chỉ là việc của riêng ngành giáo dục mà cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương mới mong có kết quả./.