Đổi mới giáo dục phổ thông: “Không phải dàn hàng ngang mà tiến”
VOV.VN -Đổi mới giáo dục không nên làm đồng loạt mà nơi nào chuẩn bị kỹ lưỡng, có điều kiện thì tiến hành trước, nơi nào chưa đủ điều kiện thì phải từ từ.
Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (trong chương trình giáo dục phổ thông mới) đã được Bộ GD-ĐT ban hành để lấy ý kiến của toàn xã hội. Dự thảo có nhiều điểm mới, có sự thay đổi căn bản trong cách dạy và học ở bậc phổ thông.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, đây là kế hoạch chung của giáo dục phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12. Với chương trình này, học sinh có tiềm năng gì sẽ phát huy được tiềm năng đó. Chương trình mới sẽ tạo cho học sinh năng động hơn, có tư duy độc lập, khả năng phát hiện giải quyết vấn đề, làm việc theo nhóm.
Theo các chuyên gia, đổi mới giáo dục phổ thông chưa thể thực hiện đồng bộ |
Theo các nhà giáo dục, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể có nhiều điểm hoàn toàn khác so với cách dạy và học truyền thống. Để thực hiện hiệu quả chương trình cải cách mang tính toàn diện, cơ bản này, nhiều vấn đề cần được giải quyết đồng bộ, nếu thực hiện được ngay là rất khó.
Phân luồng chưa rõ ràng
PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam lưu ý: Khi xây dựng chương trình này, Bộ GD-ĐT cần nghĩ đến điều kiện để thực hiện. Theo thống kê, hiện nay chúng ta có 2.300 trường THPT, hơn 300 trường trung học dạy nghề, 700 trung tâm giáo dục thường xuyên. Tất cả số lượng này cần phân hóa ra để đáp ứng các đối tượng ở chương trình trung học phổ thông, chứ không nên hoạt động theo kiểu “mạnh ai nấy làm”.
“Theo tôi, cơ sở vật không phải là vấn đề quá khó khăn. Điều quan trọng là vấn đề phân loại ra và tăng cường các thiết bị đối với từng đối tượng. Ví dụ đối tượng học theo hướng nghiên cứu thì phải tăng cường các phòng thí nghiệm. Hay đối tượng học theo hướng ứng dụng thực hành thì phải tăng cường các tuyến trường để các em theo học” – ông Trần Xuân Nhĩ nói.
Về định hướng môn học tự chọn cho học sinh, ông Trần Xuân Nhĩ cho biết, đối với chương trình tiểu học, ví dụ phần công nghệ, tin học để cho học sinh tự chọn là không phù hợp. Bởi học sinh lớp 1, lớp 2 còn quá bé để tự định hướng “tự chọn” môn học phù hợp mà chính người lớn phải chọn những gì rất cơ bản cho các em.
Đến năm 2018 có áp dụng được không?
PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh, chúng ta không nên “dàn hàng ngang mà tiến” trong thực hiện đổi mới giáo dục, mà nơi nào chuẩn bị kỹ lưỡng, có điều kiện thì tiến hành trước; nơi nào chưa đủ điều kiện thì phải từ từ. Còn nếu bắt đầu từ 2018, cả nước đồng loạt triển khai thì là điều rất khó.
PGS.TS Phạm Hồng Quang, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) cho rằng, đổi mới chương trình đào tạo giáo viên chính là bước chuẩn bị quan trọng để đổi mới giáo dục phổ thông.
Nhận thức về chương trình giáo dục cần phải có sự thay đổi quyết liệt về nguyên tắc, cách làm, xác định rõ những trở ngại chủ quan từ những người làm chương trình và nhận thức đúng về giá trị của đổi mới chương trình.
PGS.TS Phạm Hồng Quang nhấn mạnh, cách làm chương trình trước đây chủ yếu quan tâm đến việc phân chia kiến thức sẵn có và không trả lời được một cách thuyết phục câu hỏi: Dạy môn học đó để làm gì?
Theo ông Phạm Hồng Quang, quá trình triển khai xây dựng mới chương trình đào tạo giáo viên là một công việc rất khó, gặp nhiều cản trở từ nội lực như thói quen, ý thức đổi mới và xác định hiệu quả. Mức độ hiểu biết về khoa học phát triển chương trình của giảng viên sư phạm rất khác nhau. Chuyển đổi từ cách tiếp cận nội dung sang cách tiếp cận năng lực là một cuộc “cách mạng” thực sự.
"Chúng tôi mong muốn có một định mức cụ thể của ngành trong đào tạo giáo viên” – PGS.TS. Phạm Hồng Quang đề nghị.
Dạy học tích hợp: Khó nhất là đội ngũ giáo viên
Trong khi đó, PGS.TS. Lê Kim Long, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục – ĐH Quốc gia Hà Nội thừa nhận: Việc dư luận “sốt ruột” và lo lắng có thể chúng ta không thực hiện được từ năm 2018 là có cơ sở. Song theo giải thích của ông Lê Kim Long, khi thiết kế chương trình, Bộ GD-ĐT đã có tính toán kỹ và đưa ra lộ trình rõ ràng.
Đó là năm 2018 mới bắt đầu thí điểm và dạy cuốn chiếu, đến 2023 mới làm tổng thể tất cả. “Chúng ta tin tưởng từ sự chỉ đạo thống nhất từ trên xuống, các trường đại học sư phạm hay các trường có đào tạo giáo viên phải chuẩn bị lực lượng. Giáo viên thiếu cái gì so với yêu cầu dạy tích hợp thì phải tập trung bồi dưỡng cái đó. Chứ không phải bây giờ cứ nói chung chung là họ đang yếu, đang thiếu mà không biết họ yếu, thiếu gì; càng không phải bồi dưỡng theo ý muốn của lãnh đạo hoặc chủ quan của chuyên gia” – ông Lê Kim Long nói./.