Đổi mới môn Lịch sử: Đột phá phải từ phương pháp giảng dạy
VOV.VN -Để môn Lịch sử thu hút học sinh, ngoài đổi mới chương trình sách giáo khoa thì cần tạo sự đột phá trong phương pháp giảng dạy của giáo viên.
Bộ GD-ĐT vừa đưa ra Dự thảo “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể” đề cập việc tích hợp nội dung môn Lịch sử với môn Đạo đức-Công dân và An ninh-Quốc phòng thành môn học mới có tên “Công dân với Tổ quốc”.
Tuy nhiên, nhiều học giả, nhà khoa học, sử học và thậm chí là giáo viên, học sinh lại phản đối cách thức tích hợp này và bày tỏ sự lo ngại vị thế môn Lịch sử có thể bị “lãng quên”. Bên cạnh những ý kiến phản đối thì đa phần cho rằng, các trường học, giáo viên cần tạo sự đột phá về phương pháp giảng dạy.
Bỏ cách dạy “thầy đọc trò chép”
Cô giáo Nguyễn Thị Minh Đức (giáo viên dạy Sử trường THPT Việt Đức, Hà Nội) cho rằng, hiện nay, học sinh đang chán học Lịch sử vì đó là môn tự chọn. Thực tế là trong giờ học, giáo viên phải dạy hay và luôn kêu gọi các em không làm việc riêng thì học sinh mới nghe.
Cô giáo Nguyễn Thị Minh Đức |
Nếu Bộ GD-ĐT cho tích hợp môn học này với các môn khác thì không hiểu môn Lịch sử có được coi trọng nữa hay không vì hiện nay giáo viên, học sinh đều rất là “mơ hồ” không biết việc giảng dạy và học tập sẽ như thế nào.
Cô Minh Đức cho biết, hiện học sinh đang có xu hướng thiên về học các môn Khoa học tự nhiên, lựa chọn học theo ban A, D... không thích học các môn Khoa học xã hội nên nhiều kiến thức đơn giản về môn Lịch sử cũng không nắm được, việc lựa chọn môn học này để tham gia kỳ thi THPT cũng rất ít. Chính vì thế, có thể nói, học sinh không học toàn diện nên nhiều khi có sự nhìn nhận một cách lệch lạc.
Trong việc giảng dạy môn Lịch sử, nhiều giáo viên có trở ngại lớn là không phải bản đồ, lược đồ môn Lịch sử nào cũng có thể áp dụng vào dạy học ngay được nên khi dạy phải có sự “can thiệp” lại. Ngoài việc sử dụng bản đồ thì giáo viên rất cần phải có máy chiếu để giảng dạy. Thế nhưng, ở một trường học, số lượng máy rất có hạn. Để tạo điều kiện cho giáo viên giảng dạy tốt, thu hút học sinh hơn, nhà trường cần được đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.
Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần tự nâng cao trình độ chuyên môn, có sự đầu tư vào bài giảng, thường xuyên cập nhật công nghệ thông tin vào giảng dạy nhằm thu hút học sinh nhiều hơn. Còn nếu giáo viên tiếp tục giảng dạy theo kiểu “thầy đọc trò chép” thì chắc chắn học sinh sẽ chán học môn Lịch sử.
Mặt khác, hiện nay, thời lượng giảng dạy môn Lịch sử còn ít. Nếu tính ra, học sinh chỉ học trung bình 1 đến 1,5 tiết/tuần mà chương trình học thì khá nặng, nhiều sự kiện, ngày tháng. Chính vì thế, thời lượng học môn này nên được tăng thêm để học sinh nắm bắt được kiến thức hơn.
Sách giáo khoa phải cô đọng, hấp dẫn hơn
Cô giáo Phạm Thị Thanh Huyền (giáo viên dạy Lịch sử trường THPT Việt Đức, Hà Nội) cho rằng: Để giảm tải việc học tập quá nặng nề cho học sinh, việc tích hợp một số môn học có nội dung gần nhau là hợp lý. Ví dụ như Bộ GD-ĐT có thể tích hợp môn Lịch sử và Địa lý như ở cấp Tiểu học và Trung học cơ sở. Tuy nhiên, ở cấp Trung học phổ thông, môn Lịch sử nên được đứng độc lập, không nên tích hợp.
Cô giáo Phạm Thị Thanh Huyền |
Môn Lịch sử có những kiến thức khác nhau, với đặc trưng riêng nên rất khó tích hợp được với môn Đạo đức-Công dân và Quốc phòng-An ninh. Nếu có tích hợp thì chỉ ở một số chủ đề, đơn vị kiến thức rất hạn chế như giáo dục lòng yêu nước, trình bày về những trận đánh giặc lớn của cha ông ta.
Bên cạnh đó, chương trình sách giáo khoa cần được thay đổi theo hướng cô đọng lại, giảm tải kiến thức trùng lặp.
Thực tế, chương trình học tập môn Lịch sử có nhiều sự kiện, ngày tháng. Tranh ảnh trong sách giáo khoa ít, chưa thực sự bắt mắt nên không thu hút được học sinh. Nhiều học sinh quan điểm Lịch sử là môn học thuộc lòng nên rất ngại học. Để thu hút học sinh yêu thích môn Lịch sử, việc đổi mới, biên soạn sách giáo khoa cần được trình bày hấp dẫn, có nhiều tranh ảnh màu. Kiến thức trong sách giáo khoa không nên dàn trải quá nhiều.
Theo cô Thanh Huyền, bất cập về kiến thức trong sách giáo khoa môn Lịch sử là nhiều bài học từ cấp Trung học cơ sở đến cấp Trung học phổ thông bị trùng lặp, nhiều nội dung không có gì mới nên có thể dẫn đến học sinh nhàm chán học môn này. Vì vậy, nếu có đổi mới, biên soạn lại chương trình sách giáo khoa, các nhà biên soạn sách nên chú ý, cân nhắc đến vấn đề này.
Từng có dịp cầm được những quyển sách môn Lịch sử của Singapre, cô giáo Thanh Huyền cho biết, Singapore rất chú trọng đến giáo dục lịch sử dân tộc cho học sinh nên phần lịch sử dân tộc là nội dung bắt buộc học. Còn phần lịch sử thế giới là phần tự chọn.
Cô Thanh Huyền cho rằng, Việt Nam có thể tham khảo cách biên soạn sách giáo khoa của Singapore cũng như yêu cầu giảng dạy, học tập môn Lịch sử như ở nước bạn đã thực hiện.
Để học sinh hứng thú với môn Lịch sử hơn, chúng ta cần thay đổi chính sách đối với giáo viên dạy Lịch sử vì hiện nay, một người học chuyên ngành Lịch sử tìm kiếm, phát triển cơ hội việc làm và tăng thêm thu nhập rất ít.
Thời lượng dạy môn Lịch sử cần được tăng lên
Cô B.T.Phượng (giáo viên dạy Lịch sử ở một trường THPT tại Hà Nội) lo ngại, một số nước như Nhật Bản đã từng tích hợp môn Lịch sử với một số môn học khác nhưng thất bại và đã phải quay trở lại để môn Lịch sử đứng độc lập, riêng biệt.
Nếu môn Lịch sử bị cắt xén, ghép nối thì trong tương lai, vị thế môn học có thể bị lãng quên. Học sinh có thể hiểu lơ mơ về môn Lịch sử và thế hệ trẻ có nguy cơ “quay lưng” với lịch sử dân tộc.
Cô B.T.Phượng cũng tỏ ý lo ngại về thời lượng giảng dạy, học tập nếu tích hợp nội dung môn Lịch sử, Quốc phòng- an ninh và Đạo đức-công dân hợp thành môn Công dân với Tổ quốc. Lý do là vì mỗi một môn học có những đặc trưng khác nhau. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên hiện nay chưa đủ khả năng để giảng dạy môn học tích hợp này.
Học sinh vốn đã thờ ơ với việc học môn Lịch sử và nếu tích hợp nội dung môn Lịch sử vào môn học mới có tên “Công dân với Tổ quốc” thì liệu rằng có làm cho học sinh hứng thú với môn học mới không? Tỷ lệ phần trăm nội dung các môn học Lịch sử, Quốc phòng- an ninh và Đạo đức-công dân là như thế nào nếu được tích hợp?
Đổi mới môn Lịch sử là cần thiết nhưng Bộ GD-ĐT cần cân nhắc kỹ, tham khảo ý kiến nhiều chiều và ý kiến xã hội trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Mỗi tiết dạy Lịch sử phải khiến học sinh thực sự hứng thú
Đứng ở góc độ là người trực tiếp học môn Lịch sử, nhiều học sinh bày tỏ ý kiến, mong muốn khác nhau xung quanh đổi mới chương trình, cách thức giảng dạy môn học này.
Em Nguyễn Phương Uyên (trường THPT Việt Đức, Hà Nội) cho rằng, hiện nay, học sinh phải học Lịch sử tương đối nặng. Trong sách giáo khoa có rất nhiều sự kiện, ngày tháng phải học thuộc nên khiến nhiều người cảm thấy không hứng thú. Để học sinh hứng thú và nắm bắt kiến thức hơn, giáo viên chỉ nên cung cấp cho các em những sự kiện quan trọng, chứ không nên giảng một cách dàn trải.
Học sinh Nguyễn Phương Uyên |
Thay vì giảng dạy ở trên sách giáo khoa có rất nhiều chữ khiến học sinh ngại đọc thì giáo viên có thể dạy học ở trên máy chiếu, có nhiều hình ảnh sinh động.
Học sinh Đinh Quang Anh (trường THPT Việt Đức, Hà Nội) bày tỏ, nhiều học sinh chán nản với môn Lịch sử nhưng thực tế Lịch sử không phải là môn học thuộc lòng, vì nó cũng giúp chúng em có tư duy tốt hơn trong việc kết nối các sự kiện trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
Em thích giáo viên giảng dạy phải nhập tâm vào chính bài giảng. Giáo viên không chỉ là người viết lên bảng rồi bảo học sinh đọc mà họ phải là người kể, dẫn dắt lại câu chuyện theo dòng chảy sự kiện, thời gian có trong sách giáo khoa. Để có được những bài học thu hút học sinh, giáo viên nên được đầu tư thêm máy chiếu và các tài liệu bổ trợ cho việc giảng dạy như kể về những nhân vật lịch sử nổi tiếng ở trong và ngoài nước.
“Mỗi một giờ học Sử, em thích giáo viên cho học sinh đóng vai một nhân vật lịch sử nào đó để bài giảng lịch sử thực sự hấp dẫn, thú vị hơn. Ngoài ra, nhà trường có thể tổ chức những chuyến đi dã ngoại, tham quan danh lam thắng cảnh, thăm bảo tàng để chúng em có dịp tìm hiểu về các trận đánh giặc lớn của dân tộc cũng như các phong tục, tập quán truyền thống của đất nước. Những chuyến đi như thế này vừa vui, vừa hấp dẫn học sinh hơn” - học sinh Nguyễn Thảo Linh (trường THPT Việt Đức, Hà Nội) chia sẻ.
Không những vậy, học sinh chúng em còn thích học Sử thông qua những bộ phim hấp dẫn như kiểu phim lịch sử của Trung Quốc hay nhiều nước khác trên thế giới đã công chiếu.
Ngoài ra, để việc giảng dạy-học tập môn Lịch sử hiệu quả hơn, ngoài sự nỗ lực thay đổi của giáo viên thì bản thân mỗi một học sinh cần thay đổi cách nhìn nhận môn Lịch sử chỉ là môn học thuộc lòng và nên tự học thông qua bổ sung kiến thức thông qua mạng Internet.
Học sinh Nguyễn Thượng Minh Hiếu |
Học sinh Nguyễn Thượng Minh Hiếu (trường THPT Việt Đức, Hà Nội) cho rằng, việc đổi mới môn Lịch sử là cần thiết và có thể yêu cầu bắt buộc học sinh học phần Lịch sử dân tộc. Còn phần Lịch sử thế giới nên có phần chọn lọc.
Muốn học sinh hứng thú học Sử, giáo viên hãy tìm cách tạo ra không khi vui vẻ, hài hước trong giờ học, không nên truyền đạt những kiến thức giáo điều mà hãy giảng dạy truyền cảm, đưa thông tin về các trận đánh, nhân vật lịch sử hấp dẫn bằng các hình ảnh, đoạn video sinh động, dễ nhớ.
Trong giảng dạy, em thích thầy cô liên hệ bài giảng của mình với đời sống thực tế. Có như vậy, chúng em mới cảm thấy môn Lịch sử không hề nhàm chán./.