Du lịch Việt Nam cần sẵn sàng nguồn nhân lực có trình độ
Ngành Du lịch đang gặp khó khăn do suy giảm kinh tế. Song Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực có chất lượng cho tương lai...
Trường Đại họ̣c Stenden (Hà Lan) và Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội đã hợp tác nhiều năm trong lĩnh vực đào tạo sinh viên ngành Du lịch và Dịch vụ Khách sạn. Ông Bùi Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho biết: “Chúng tôi liên kết xây dựng chương trình giảng dạy mới, nghiêng về thực hành và ứng dụng nhiều hơn. Theo mô hình của Trường Đại học Stenden, sinh viên có cơ hội để thực tập nhiều hơn; khi ra trường có thể nhanh chóng thực hiện công việc thực tế”.
Mới đây (11/2/2009), Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội và Trường Đại học Stenden ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác toàn diện giữa hai trường. Theo đó, hai bên sẽ xây dựng chương trình đào tạo đại học và sau đại học cho sinh viên Việt Nam. Trường Kinh tế Quốc dân Hà Nội cũng sẽ gửi giáo viên sang Hà Lan tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn để nâng cao trình độ giảng dạy. Bên cạnh đó, hai trường còn thực hiện trao đổi giáo viên và trao đổi sinh viên trong các năm học.
Phóng viên VOVNews đã gặp và phỏng vấn Tiến sĩ Robert Veenstra, Hiệu Trưởng và Tiến sĩ Simon Dousma, Trưởng Ban Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Stenden.
PV: Thưa Tiến sĩ Robert Veenstra, ông có thể cho biết chương trình hợp tác giữa Trường Đại học Stenden và một số trường đại học ở Việt Nam? Tại sao Trường Đại học Stenden lại chọn Việt Nam để hợp tác?
![]() |
Tiến sĩ Robert Veenstra |
Tiến sĩ Robert Veenstra: Chúng tôi đã hợp tác với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội được 5 năm trong khuôn khổ hợp tác giữa hai chính phủ Hà Lan và Việt Nam. Các chương trình hợp tác này nhằm hỗ trợ trường đại học Việt Nam phát triển chương trình đào tạo thích ứng với môi trường làm việc quốc tế.
Việt Nam nằm trong mối quan tâm của Chính phủ Hà Lan. Với Trường Đại học Stenden, chúng tôi cũng quan tâm đến Việt Nam- một trong những nước đang phát triển, và du lịch, dịch vụ khách sạn là một điểm mạnh kinh tế. Và chúng tôi có thể thực hiện những chương trình hợp tác với các trường đại học ở Việt Nam trong đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.
Trong chuyến đi này, về cá nhân, tôi muốn tìm hiểu đất nước, văn hóa và con người Việt Nam, mà tôi đã được nghe kể nhiều từ những người bạn của tôi. Chúng tôi ký biên bản ghi nhớ với một số trường đại học ở Việt Nam về chương trình hợp tác đào tạo trong tương lai (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội và Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng-PV).
PV: Khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang ảnh hưởng đến cả thế giới và du lịch là một trong những ngành được coi là nhạy cảm, chịu tác động lớn từ những khó khăn này. Vậy, chương trình đào tạo sinh viên ngành du lịch sẽ cần chú ý điều gì, thưa ông?
TS. Robert Veenstra: Đúng như vậy, du lịch chịu tác động rất lớn từ cuộc khủng hoảng toàn cầu này.
Song, nhìn từ góc độ khác, công nghiệp du lịch sẽ hồi phục ngay sau cuộc khủng hoảng, chỉ là vấn đề thời gian, sớm hay muộn. Với quan điểm của tôi, Những nhà đào tạo cần chuẩn bị cho sinh viên của họ cho sự hồi phục này. Chúng ta cần chuẩn bị những nhà quản lý được trang bị kiến thức sẵn sàng cho thời điểm “hậu khủng hoảng”.
Trong chương trình học tập, chúng tôi giới thiệu cho sinh viên những thách thức và khó khăn mà họ phải đối đầu, phân tích nguyên nhân, tổ chức hội thảo về vấn đề đó. Chúng ta phải sẵn sàng nguồn nhân lực có kỹ năng ngay sau khủng hoảng để giải quyết các vấn đề.
TS. Ông Simon Dousma: Đúng là bây giờ đang là thời điểm khó khăn do suy thoái kinh tế. Song tôi biết, Việt Nam là đất nước phát triển rất nhanh, với tốc độ phát triển kinh tế 7-8%/năm. Hiện tốc độ này đang hơi chậm lại do khó khăn chung, song tôi tin là Việt Nam sẽ nhanh chóng khắc phục được.
Tiến sĩ Simon Dousma
Tôi đã từng đến Việt Nam nhiều lần, tôi hiểu khá nhiều về đất nước của các bạn. Một trong những thế mạnh của Việt Nam là lĩnh vực du lịch. Tôi cho rằng, đào tạo những người chuyên nghiệp trong lĩnh vực này là việc cần thiết phải làm ngay, vì suy giảm kinh tế sẽ kết thúc trong vài ba năm tới. Các bạn phải chuẩn bị sẵn sàng cho phát triển sau đó. Các bạn cần chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực cho cơ hội mới.
PV: Nếu như áp dụng mô hình của Trường Đại học Stenden, sinh viên sẽ được lợi gì, thưa ông?
TS. Simon Dousma: Chúng tôi cũng có 1 số sinh viên Việt Nam đến Đại học Stenden (Hà Lan) học tập. Họ cũng phải mất một thời gian để vượt qua những cú sốc văn hóa do xa gia đình, do sự khác biệt.
Sinh viên cũng được tiếp cận với những phương pháp học tập mới, phải làm những buổi thuyết trình, tự thể hiện mình. Họ phải tự mình khám phá điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, học cách làm việc theo nhóm nhỏ.
TS. Robert Veenstra: Chúng tôi có triết lý đào tạo sao cho sinh viên có thể làm việc độc lập nhiều hơn, nghiên cứu và thực hiện các dự án một cách độc lập. Sinh viên sẽ làm quen tốt hơn với cách làm việc theo nhóm, hoạt động độc lập.
Điều này cũng rất có lợi cho các nhà sử dụng lao động. Sinh viên khi ra trường có khả năng làm việc độc lập hơn, có kỹ năng quản lý và làm việc theo nhóm. Họ không chỉ là sinh viên, mà còn có thể trở thành những nhà quản lý tương lai.
*Xin cảm ơn hai ông!/.