Gần 2 năm học ở nhà: Người lớn nhận phần dễ, phần khó đẩy cho trẻ
VOV.VN - Theo chuyên gia, nhà trường và chính quyền đang chọn phần dễ về mình, còn phần khó khăn thì đẩy hết cho học sinh nên các em không được đến trường.
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện xảy ra tình trạng nhiều trẻ em do phải học online tại nhà quá nhiều nên dần quen với lối sinh hoạt chỉ quanh quẩn trong 4 bức tường, không tiếp xúc với bất kỳ ai ngoài gia đình. Thậm chí nhiều trẻ ngại ra ngoài, không vận động dẫn đến ảnh hưởng tới sức khoẻ, trí tuệ, nguy cơ học hành sa sút, tự kỷ.
“Đây là hệ quả của việc phải ở nhà quá lâu mà không được đến trường, lớp. Tôi đã ý kiến từ rất lâu về việc phải sớm cho trẻ em đi học để phát triển trí tuệ, thể lực một cách toàn vẹn nhất, nhưng không ai lắng nghe. Theo tôi, đây có phần liên quan tới sự ích kỷ và sợ trách nhiệm của người lớn”, ông Nga nói.
Ông phân tích, ích kỷ tức là người lớn đang lấy suy nghĩ của mình để áp đặt lên con trẻ, bắt chúng phải thực hiện. Ngoài ra, do sợ trách nhiệm nên chính quyền và nhà trường cũng không dám cho học sinh đi học lại.
“Theo tôi, cả nhà trường và chính quyền đang chọn phần dễ về mình, còn phần khó khăn thì đẩy hết cho học sinh. Họ sợ lây lan dịch bệnh sẽ phải chịu trách nhiệm, sợ có dịch họ sẽ phải vất vả chứ họ đâu nghĩ trẻ em ở nhà quá lâu sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ và trí tuệ tới mức độ nào”, ông Nga phân tích.
“Cả nhà trường và chính quyền hiện nay đang chọn phần dễ về mình, còn phần khó khăn thì đẩy hết cho học sinh".
PGS.TS Nguyễn Huy Nga
Với giai đoạn hiện nay, việc cho trẻ em đi học là rất cần thiết, chính quyền, nhà trường và gia đình không nên quá lo lắng. Từ trước tới nay Việt Nam chưa có trường hợp trẻ đi học sau đó mắc bệnh rồi tử vong.
Với tình hình hiện nay, ông Nga cho rằng, các cấp chính quyền nên có những quyết định sáng tạo, quyết đoán để trẻ đi học. Nếu còn lo ngại, chính quyền có thể lắng nghe ý kiến tham mưu của các chuyên gia dịch tễ, cơ quan chuyên môn để tổ chức sao cho trẻ em được đi học sớm nhất.
“Ngoài ra, chính quyền và nhà trường, cha mẹ cũng nên phối hợp để hoạt động dạy và học được thông suốt, tránh tình trạng hôm trước cho trẻ đi học, hôm sau có dịch sợ quá đóng của luôn. Chúng ta cần thay đổi suy nghĩ, quan tâm tới quyền lợi và mong muốn của con trẻ nhiều hơn”, ông Nga nói.
Cứng nhắc
Một vị đại diện trường Đoàn Thị Điểm (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đánh giá, chính quyền Hà Nội có phần hơi cứng nhắc trong kế hoạch thực hiện mở cửa trường học. Theo vị này, một phần sự rụt rè, áp lực này đến từ một số phụ huynh. Họ vẫn lo sợ, hoang mang khi nhắc đến chuyện con trở lại trường học trực tiếp.
Các vị phụ huynh này đặt vấn đề: "Ai chịu trách nhiệm nếu con tôi đi học bị nhiễm COVID-19". “Nếu cứ như vậy sẽ chẳng tìm được ngày để mở cửa lại trường học”, đại diện trường Đoàn Thị Điểm nói.
Theo vị đại diện, Sở GD&ĐT TP Hà Nội cần tạo điều kiện cho các trường sớm được hoạt động trở lại, gỡ rối cho mảng giáo dục tư thục. Nếu tiếp tục kéo dài việc ngưng hoạt động, các trường tư thục khó có thể đứng vững.
Ông Nguyễn Văn Hoà, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, gần 9 tháng nghỉ dịch, nhà trường mong ngóng từng ngày học sinh đến lớp trở lại. Từ đầu tháng 10, khi tình hình dịch trên địa bàn thành phố cơ bản được kiểm soát, số ca COVID-19 thấp, nhà trường khẩn trương chuẩn bị các điều kiện đảm bảo an toàn dịch bệnh. Chỉ cần thành phố có “lệnh” là trường đón học sinh đi học lại.
Tuy nhiên 4 tháng trôi qua kể từ khi thành phố "rục rịch" bàn phương án cho học sinh đi học trở lại, đến nay trường vẫn đóng cửa.
"Thành phố cần mạnh dạn hơn nữa trong việc cho học sinh trở lại trường. Các chuyên gia, cơ quan y tế cũng đã khuyến cáo không nên đóng cửa trường học, F0 ở đâu thì đóng cửa ở đó, Hà Nội không nên quá cứng nhắc, tiêu cực", ông Hoà nói
Ở nhà thì tiêm đủ vaccine làm gì?
Theo GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam, trước đây, khi chưa phủ vaccine cho người lớn, chúng ta phải ngừng cho học sinh tới trường là đúng, vì tỷ lệ lây nhiễm ở trẻ rất thấp nhưng các em có thể lây từ người lớn. Khi độ phủ vaccine người lớn cao, đồng nghĩa đối tượng nguy cơ được bảo vệ, lúc này, học sinh nên được tới trường. Đặc biệt, khi hầu hết học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 đã tiêm đủ vaccine thì không có lý gì mà kéo dài việc học online mãi.
"Mở cửa trường học cần được coi là một trong những giải pháp nhằm phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19. Trẻ đến trường, cuộc sống gia đình trở lại nhịp vốn có, khi ấy cha mẹ mới yên tâm công tác, làm kinh tế để đưa xã hội phục hồi"
GS.TS Phạm Tất Dong
Đến nay Chính phủ và Bộ GD&ĐT đều đưa ra nhiều hướng dẫn, yêu cầu mở cửa trường học. Tuy nhiên các địa phương vẫn đang rụt rè trong triển khai thực hiện.
“Đặc biệt là Hà Nội. Sở GD&ĐT cần lên tiếng về lý do chưa cho học sinh đến trường thời điểm này. Cả nước đang thiết lập trạng thái bình thường mới, sao riêng thủ đô lại chậm trễ như vậy”, GS Dong nhấn mạnh.
"Mở cửa trường học cần được coi là một trong những giải pháp nhằm phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19. Trẻ đến trường, cuộc sống gia đình trở lại nhịp vốn có, khi ấy cha mẹ mới yên tâm công tác, làm kinh tế để đưa xã hội phục hồi", GS Dong nhấn mạnh và cho rằng, để đảm bảo an toàn khi mở cửa trường học trở lại, ngành giáo dục phải phối hợp chặt chẽ với ngành y tế, từ cấp bộ đến cấp sở, ngành và trong phạm vi từng trường học.
Dưới góc độ tâm lý học và sức khỏe, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) dẫn một số nghiên cứu cho thấy, học trực tuyến kéo dài gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần cũng như các kỹ năng xã hội của học sinh.
Chưa kể, so với học trực tiếp, học trực tuyến không thỏa mãn và không tạo hứng thú với 74% học sinh, vì thiếu vận động, thiếu tương tác và phải dành quá nhiều thời gian trước màn hình. Theo Tổ chức Y tế thế giới, năm 2020, tỷ lệ tổn thương sức khỏe tâm thần do dịch bệnh tăng lên gấp 5 - 7 lần so với bình thường và bộ phận lớn trong đó là trẻ em. Do đó, việc cho học sinh trở lại trường cần phải được nhanh chóng xem xét và thực hiện.
Hơn một năm ở nhà và quá nhiều xáo trộn làm bào mòn sức khỏe tâm lý của trẻ. Đại dịch COVID-19 cùng những chính sách giãn cách xã hội đã gây ra sự cô lập xã hội, mất việc làm, bất ổn kinh tế. Đồng thời, tạo ra nỗi sợ hãi cao độ về nguy cơ bị lây nhiễm virus, làm gia tăng những hành vi bạo lực trong các gia đình mà có thể học sinh là nạn nhân hoặc người chứng kiến./.