Ghi tên cha mẹ vào CMND: Tiện thì có tiện, nhưng…
Nhiều ý kiến của người dân cho rằng, việc thêm thông tin của cha mẹ vào chứng minh nhân dân (CNMD) là không phù hợp, dẫn tới sự bất tiện trong việc sử dụng.
Ngày 16/5, Bộ Công an đã có Thông tư 27/2012/TT-BCA quy định về mẫu CMND mới. Theo đó, CMND mới là thẻ nhựa, có kích thước 85,6mm x 53,98 mm.
Trên CMND mới, mặt trước sẽ có những thông tin cơ bản của cá nhân công dân như họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, dân tộc, quê quán, nơi thường trú.
Mặt sau của CMND có mã vạch hai chiều, dấu vân tay ngón trỏ trái và phải, đặc điểm nhận dạng, họ và tên cha, họ và tên mẹ. Quốc huy và ảnh của công dân được in màu trực tiếp trên CMND. Thông tư bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2012.
Theo những người làm trong ngành an ninh, việc thay đổi này không chỉ tạo thuận tiện trong một số giao dịch hàng ngày như: Giao dịch tại ngân hàng, thừa kế, mua bán… mà còn xác định chính xác nhân thân của người đó khi cần phân loại, truy xét.
Bởi trên thực tế, có nhiều trường hợp, một người cùng một lúc có hai số CMND hoặc có trường hợp nhiều người trùng nhau cả họ, tên và chữ đệm. Nhưng nếu thêm tên cha, mẹ vào thì chắc chắn sẽ không có chuyện nhầm lẫn về nhân thân giữa hai con người...
Mặt sau của chứng minh nhân dân mẫu mới |
Với cơ quan chức năng là vậy, tuy nhiên dư luận xã hội lại có phản ứng ngược lại.
Nhiều ý kiến của người dân cho rằng, việc thêm thông tin của cha mẹ trên CNMD là không phù hợp, dẫn tới sự bất tiện trong việc sử dụng. Không chỉ kéo dài kích cỡ của CMND mà việc nhập nhiều thông tin với số lượng lớn dễ bị sai sót. Việc điều chỉnh thông tin trong CMND không phải dễ dàng khi nhiều người phải mất khá nhiều thời gian vì thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, nhập tên bố mẹ trên CMND cũng dẫn tới việc khoe mẽ “tôi là con ông này, bà kia”. Khi mà cơ chế làm việc đang thuận theo kiểu “cả nể” thì đây là việc bất lợi.
Ngoài ra, nhiều người còn cho rằng, CMND là một cái thẻ để xác nhận nhân thân chứ không phải là bản hồ sơ lý lịch. Bởi vậy, nếu muốn tìm hiểu về nhân thân của một ai đó, cơ quan chức năng chỉ cần giở hồ sơ lý lịch chứ không phải nêu lên những thông tin này trong CMND.
Nhiều người còn cho rằng, việc thêm tên cha mẹ vào CMND là thiếu tính nhân văn. Đối với những người không có cha, hoặc cha mẹ phạm tội sẽ dẫn tới việc họ cảm thấy không thoải mái khi xuất trình CNMD đồng thời cũng có thể khơi gợi lại nỗi đau về tinh thần.
Trả lời báo giới trong thời gian gần đây, Thiếu tướng Trần Văn Vệ - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an) cho biết: “CMND liên quan đến một số hoạt động nghiệp vụ đặc thù, nên chúng tôi không thể tiến hành lấy ý kiến nhân dân một cách rộng rãi như những lĩnh vực khác…”.
Quan điểm của vị Phó Tổng cục trưởng của ngành cảnh sát là vậy, tuy nhiên việc thay đổi một chính sách, một quyết định cần có sự đồng thuận của người dân, đặc biệt quyết định đó lại ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của hàng chục triệu người Việt Nam hiện nay.
Bạn nghĩ sao về vấn đề này?/.