Giảm số môn thi tốt nghiệp sẽ giảm áp lực thi cử?
VOV.VN - "Những thay đổi này sẽ làm giảm áp lực thi cử, nhưng vẫn đảm bảo độ tin cậy về chất lượng giáo dục...". ông Mai Văn Trinh nói.
Nhiều ý kiến lo ngại, việc cho học sinh tự chọn môn thi có thể dẫn tới tình trạng học lệch, trong khi mục tiêu của giáo dục là hướng tới sự phát triển toàn diện cho học sinh.
Theo Bộ GD-ĐT, việc xét công nhận và xếp loại tốt nghiệp của phương án trong dự thảo không chỉ sử dụng kết quả thi như hiện nay mà còn sử dụng thêm kết quả học tập của năm học lớp 12.
Điểm trung bình cả năm học lớp 12 sẽ quyết định một nửa điểm xếp loại tốt nghiệp của học sinh.
Như vậy, học sinh muốn có hồ sơ dự tuyển đại học gồm kết quả học tập và kết quả tốt nghiệp thì không thể học lệch mà phải học tốt cả các môn trong quá trình học, nhất là ở lớp 12.
Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết, những thay đổi trong dự thảo này sẽ làm giảm áp lực thi cử cho học sinh nhưng vẫn đảm bảo độ tin cậy về chất lượng giáo dục.
Kết quả của kỳ thi này có thể làm cơ sở để tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học trong thời gian tới.
Ông Trinh cũng cho rằng, khi tổ chức tốt, dữ liệu của kỳ thi tốt nghiệp sẽ rất xứng để tuyển sinh đại học.
“Và chúng ta sẽ thấy, tuyển sinh đại học không chiếm vị trí độc tôn như hiện nay mà chỉ là một trong những hình thức. Các trường theo đề án riêng của mình có thể xét tuyển, thi tuyển, xét tuyển, thi tuyển và các hình thức phỏng vấn, kiểm tra IQ... Như vậy, vấn đề đặt ra, kỳ thi tốt nghiệp PTTH sẽ là kỳ thi quốc gia mà chúng ta phải tổ chức tốt hơn để có độ tin cậy cao hơn để làm cơ sở tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học”, ông Trinh nói./.