Giao chỉ tiêu tuyển sinh đại học có tạo sức ép cho các trường?
VOV.VN -Thời gian tới, việc giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường đại học sẽ phụ thuộc vào tỷ lệ sinh viên có việc làm và chất lượng đào tạo của các trường.
Bộ GD-ĐT vừa ban hành Dự thảo thay thế Thông tư 32 Quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên; trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.
So với Thông tư 32 hiện hành, dự thảo lần này có một số thay đổi quan trọng như: Tính cả thỉnh giảng vào việc xác định chỉ tiêu, trao quyền mạnh hơn cho các trường ĐH, CĐ xác định chỉ tiêu tuyển sinh... Đây là những vấn đề lớn mà lâu nay còn có ý kiến trái chiều từ dư luận xã hội.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) trả lời rõ hơn về dự thảo sửa đổi Thông tư 32.
Thời gian tới, việc giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường đại học sẽ phụ thuộc vào tỷ lệ sinh viên có việc làm và chất lượng đào tạo của các trường (ảnh minh họa) |
PV: Trước khi thông tư 32 ra đời, các trường khi xác định chỉ tiêu tuyển sinh dựa vào đội ngũ giảng viên thỉnh giảng. Nhưng sau đó, một loạt các bất cập nảy sinh như một giảng viên đi thỉnh giảng ở nhiều trường, làm giảng viên cơ hữu ở một trường, không kiểm soát được chất lượng. Tại sao lần sửa đổi này, Bộ lại đưa tiêu chí này vào để xác định chỉ tiêu?
Ông Trần Anh Tuấn: Luật Giáo dục, Luật Giáo dục ĐH năm 2012 và Thông tư số 44/2011/TT-BGDĐT ngày 10/10/2011 đã có quy định cụ thể về thỉnh giảng, tiêu chuẩn của nhà giáo thỉnh giảng, hợp đồng thỉnh giảng, trách nhiệm và quyền của nhà giáo thỉnh giảng,.. để tạo hành lang pháp lý cho các cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện.
Nhằm đẩy mạnh đào tạo gắn với thị trường lao động trước sức ép của xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế và nền công nghiệp 4.0, Chính phủ đã chủ trương khuyến khích sự kết nối giữa các cơ sở giáo dục và doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo, thực hành, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Để thực hiện chủ trương này, Bộ GD-ĐT đã tổ chức rà soát và xây dựng Thông tư mới thay thế Thông tư số 32/2015/TT-BGDĐT ngày 16/12/2015 và Thông tư 57/2011/TT-BGDĐT ngày 02/12/2011, thống nhất quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng khối ngành đào tạo giáo viên; trình độ ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ, trong đó quy định các cơ sở đào tạo xác định chỉ tiêu theo từng khối ngành đối với trình độ đại học và theo từng ngành đối với trình độ trung cấp, cao đẳng khối ngành đào tạo giáo viên và trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.
Dự thảo cho phép cơ sở đào tạo được xác định chỉ tiêu tuyển sinh với một số lượng nhất định các giảng viên thỉnh giảng quy đổi theo tiêu chuẩn là các chuyên gia, người làm công tác quản lý, nghệ nhân, giảng viên của các cơ sở đào tạo khác có nhiều kinh nghiệm tham gia vào quá trình đào tạo để nâng cao chất lượng đào tạo, gắn chặt hơn với nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) |
Sẽ quy định tiêu chí sinh viên có việc làm để xác định chỉ tiêu
PV: Tại sao cho đến giờ, Bộ vẫn chưa đưa tiêu chí sinh viên có việc làm vào thông tư để các trường dựa vào xác định chỉ tiêu?
Ông Trần Anh Tuấn: Từ năm 2017, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các cơ sở giáo dục phải công bố công khai tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp trong Đề án tuyển sinh của trường để xã hội giám sát và đánh giá như một điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo.
Năm 2018, Bộ GD-ĐT chưa đưa được tiêu chí sinh viên có việc làm vào Thông tư xác định chỉ tiêu tuyển sinh vì phải phù hợp với quy định tại điểm a khoản 1 điều 34 Luật Giáo dục ĐH “Chỉ tiêu tuyển sinh được xác định trên cơ sở nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, phù hợp với các điều kiện về số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và thiết bị”.
Sau khi Luật sửa đổi bổ sung một số Điều của Luật Giáo dục ĐH được Quốc hội thông qua, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật liên quan cũng như quy định rõ đối với tiêu chí sinh viên có việc làm trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh.
Chỉ tiêu tuyển sinh cũng phụ thuộc vào chất lượng của các trường ĐH
PV: Kiểm định cũng là một thành tố quan trọng để các trường đảm bảo chất lượng. Vậy khi nào nó trở thành tiêu chí bắt buộc của các trường ĐH của Việt Nam và liệu điều này có tác động đến việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh của các trường không, thưa ông?
Ông Trần Anh Tuấn: Để khuyến khích các trường triển khai công tác kiểm định chất lượng đào tạo, Dự thảo đã quy định “Các ngành đào tạo đã được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng của các tổ chức kiểm định theo quy định tại Điều 52, Luật Giáo dục ĐH, có nghị quyết thông qua chủ trương xác định chỉ tiêu tuyển sinh của hội đồng trường, hội đồng quản trị thì được tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo cam kết về chất lượng của chương trình đào tạo và nhu cầu xã hội đối với ngành đó; phải công bố công khai trong đề án tuyển sinh và chịu trách nhiệm giải trình trước xã hội và cơ quan có thẩm quyền”. Hơn nữa các trường chưa được công nhận kiểm định chất lượng cũng không được tăng chỉ tiêu tuyển sinh.
Trong thời gian tới triển khai công tác kiểm định chất lượng đào tạo sẽ là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của các cơ sở giáo dục. Dự kiến đến năm 2020, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh sẽ căn cứ vào các tiêu chí kiểm định chất lượng phù hợp với thông lệ quốc tế của khu vực và thế giới.
PV: Xin cảm ơn ông!/.
Giảng viên thỉnh giảng sẽ có nhiều cơ hội như giảng viên cơ hữu?