Bài 3:

Giáo dục cho trẻ tự kỷ: “Lỗ hổng” từ chính sách

VOV.VN -Trẻ tự kỷ đang gia tăng trong xã hội, nhưng cho đến nay, trẻ mắc chứng tự kỷ vẫn đứng bên lề mọi chính sách dành cho trẻ em và người khuyết tật.

Những vướng mắc xung quanh việc can thiệp và giáo dục trẻ tự kỷ liên quan đến các lĩnh vực thuộc ngành Giáo dục và Đào tạo, Lao động-Thương binh và Xã hội và ngành Y tế. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều vấn đề chưa được thống nhất trong việc xác định giáo dục hòa nhập, xác định dạng tật và xác định tình trạng bệnh dẫn đến trẻ tự kỷ bị thiệt thòi, chưa được hỗ trợ từ chính sách của nhà nước khiến gia đình và bản thân trẻ tự kỷ càng thêm khó khăn.

Theo các chuyên gia, ngoài môi trường can thiệp một cách tích cực như ở các trung tâm chuyên biệt, khi trẻ mắc chứng tự kỷ đủ điều kiện thì nên cho các em theo học chương trình hòa nhập để các em có thể giao tiếp, cảm nhận các hoạt động xung quanh, tăng dần khả năng nổi trội của mình.

Trẻ tự kỷ đang được chăm sóc, dạy dỗ đặc biệt tại Bệnh viện Nhi Hải Dương

Các trường chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ cần có cơ sở vật chất phù hợp, giáo viên có chuyên môn về giáo dục chuyên biệt, công tác quản lý và đặc biệt là cần có sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, y tế và các lực lượng xã hội khác. Tuy nhiên, trên thực tế còn không ít bất cập từ phía các chính sách pháp luật của Nhà nước khiến trẻ tự kỷ vẫn thiệt thòi.

Anh Phạm Ngọc Thạch, ở phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội có con 13 tuổi mắc chứng tự kỷ đã theo học hòa nhập từ bậc Tiểu học cho biết: “Trường hòa nhập là trường phổ thông thì vai trò rất là lớn và quan trọng nhất là sự kết hợp giữa giáo viên chủ nhiệm và gia đình. Gia đình thậm chí phải có người đến ngồi cùng học và ngăn ngừa những hành động bột phát của những đứa trẻ tự kỷ.

Mỗi đứa trẻ thì có sự bột phát khác nhau mà chỉ người trong gia đình có thể là bố mẹ, người giúp việc trong gia đình mới biết trước được những cái đó và có thể ngăn ngừa nó xảy ra. Nếu đã xảy ra rồi thì hình thức xử lý là như thế nào. Ở trường phổ thông, số giáo viên mà hiểu hết tất cả những biểu hiện của một đứa trẻ tự kỷ thì cũng chưa nhiều lắm, nên là có những hành động làm cho đứa trẻ có khi lại càng bức xúc thêm”.

Luật Người khuyết tật ra đời năm 2010 là bước tiến quan trọng hướng tới hoàn thiện luật pháp, không còn rào cản đối với người tự kỷ. Tuy nhiên, trong Luật Người khuyết tật, tự kỷ cũng chưa được xếp cụ thể là dạng khuyết tật nào, cũng chưa có văn bản pháp lý nào cho thấy người tự kỷ là người khuyết tật để được hưởng bảo hiểm y tế, trợ cấp, đào tạo nghề…

Bác sĩ Nguyễn Trọng An, Chuyên gia về trẻ em cho biết, Điều 44 Luật trẻ em nêu rõ, toàn bộ trẻ em bao gồm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đều được phổ cập giáo dục, nhưng vấn đề quyền và nhu cầu của trẻ em tự kỷ là dạng khuyết tật đặc biệt chưa được đưa vào trong luật.

“Trong những năm vừa qua, các bậc phụ huynh, chuyên gia cùng đã kiến nghị, đề xuất lên lãnh đạo ngành chức năng nhưng đến nay chưa có kết quả gì, cho đến giờ này vẫn chưa có chính sách gì cho trẻ tự kỷ, chưa được nêu cụ thể trong luật. Trẻ tự kỷ có 3 loại rối loạn phát triển trong đó có hội chứng tự kỷ chưa rõ ràng. Cho nên tôi muốn có văn bản kiến nghị đưa lên cấp trên sớm bổ sung luật, sớm có nghị định bởi chính sách phải nằm trong luật”, bác sĩ Trọng An nói.

Hệ thống giáo dục dành cho trẻ chuyên biệt vừa thiếu vừa yếu. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện nay cả nước có 18 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cấp tỉnh và huyện; 7 trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật, 97 cơ sở giáo dục chuyên biệt và trẻ khuyết tật được học hòa nhập ở tất cả các cơ sở giáo dục. Cả nước có hai trường đại học sư phạm, 3 trường cao đẳng sư phạm thành lập Khoa giáo dục đặc biệt và mở các mã ngành đào tạo giáo viên dạy trẻ khuyết tật.

Theo cơ sở pháp lý thì trẻ khuyết tật, trong đó có trẻ tự kỷ phải được tiếp cận giáo dục, có quyền được đi học, nhưng đến thời điểm này mới có trẻ em khuyết tật về vận động, câm điếc hoặc khiếm khuyết về thị giác được tiếp cận hệ thống giáo dục cả chuyên biệt và hòa  nhập, còn trẻ tự kỷ thì câu chuyện lại hoàn toàn khác. Các trường thì không có giáo viên, hoặc nhân viên hỗ trợ chuyên biệt khi tiếp nhận học sinh tự kỷ nên các gia đình có trẻ tự kỷ đang phải “tự bơi” trong việc điều trị và giáo dục hòa nhập cho con.

Ông Nguyễn Minh Tường, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Phú Thọ nêu thực tế: “Ở Phú Thọ, việc tuyển dụng, sử dụng viên chức thì thực hiện theo quy định chung cho viên chức tất cả các ngành, không có quy định đặc thù riêng cho giáo dục khuyết tật và cũng không có quy định cụ thể cho tuyển giáo viên dạy học sinh tự kỷ vì trong những Nghị định và Thông tư hướng dẫn này cũng chỉ quy định tuyển dụng chung thôi. Trong thông tư 16 về danh mục khung vị trí việc làm thì cũng có quy định đối với tiểu học, trung học cơ sở là có nhân viên hỗ trợ người khuyết tật, có cả tiêu chuẩn nhưng thực tế cũng là không có để bố trí được”.

Một loạt những bất cập khác khiến hành trình đến trường của trẻ tự kỷ gặp khó khăn, như chưa có bộ tài liệu chuẩn chung để áp dụng cho giáo dục trẻ tự kỷ, chưa có chính sách đãi ngộ đối với giáo viên dạy đối tượng trẻ đặc biệt, chính sách hỗ trợ cho trẻ và gia đình trẻ trong việc tham gia trị liệu, giáo dục hay chăm sóc y tế... Hiện tại, ở nước ta cũng chưa có nhiều nơi có thể chẩn đoán tự kỷ.

Chưa có chính sách hỗ trtrẻ tự kỷ ở Việt Nam

Do Luật chưa rõ ràng nên trẻ tự kỷ ở Việt Nam chưa có chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, việc đánh giá tự kỷ là bệnh hay tật chưa rõ ràng là nguyên nhân khiến trẻ tự kỷ gặp khó khăn trong việc tiếp cận với giáo dục.

Tại Nhật Bản, người tự kỷ được xác định là một dạng khuyết tật nên nhận được nhiều sự hỗ trợ từ nhà nước về y tế, giáo dục, giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình có trẻ tự kỷ. Trước những bất cập từ thực tiễn cuộc sống hiện nay, các chuyên gia cho rằng, cần phải xếp trẻ tự kỷ vào trong Luật Người khuyết tật để từ đó có những điều chỉnh chính sách phù hợp.

Ông Nguyễn Bá Duyệt, Phó Chủ tich tịch Hội hỗ trợ trẻ em tàn tật Việt Nam cho rằng: “Chúng tôi thấy rằng cần phải có sự quan tâm đầy đủ giữa Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế, phải xác định đấy có phải là dạng khuyết tật hay không. Có khi Bộ Y tế xác định đó là tự kỷ nhưng Bộ GD-ĐT lại không xác định đó là tự kỷ. Bên cạnh đó còn có liên quan đến cả Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Chúng tôi cũng đề xuất trẻ tự kỷ phải được xếp vào dạng tật. Có như thế thì các cháu mới được quan tâm hơn và hỗ trợ cho các cháu có kết quả hơn. Nếu đưa vào luật sẽ có chính sách, chế độ đào tạo giáo viên và có chính sách chế độ đối với nhà giáo”.

Trong khi chờ hành lang pháp lý giúp trẻ tự kỷ có được hỗ trợ căn bản như các dạng khuyết tật khác thì với chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ nên bổ sung quy định về khung vị trí việc làm của giáo viên, nhân viên hỗ trợ chuyên biệt cho các trường công lập, từ mầm non đến các bậc học cao hơn để các trường có điều kiện tiếp nhận trẻ tự kỷ.

Bà Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học, trường Đại học Sư phạm và ông Nguyễn Khánh Hướng, Hiệu trưởng trường mầm non Ngôi sao sáng (Hà Nội) nêu ý kiến: “Việc đầu tiên chúng ta có thể làm đó là tổ chức các phòng tư vấn học đường trong trường học. Trong phòng tư vấn đấy có người làm giáo dục chuyên biệt để họ có thể biết cách tư vấn cho phụ huynh, đồng thời can thiệp cho các cháu trong những trường hợp đặc biệt. và bản thân chính họ cũng sẽ là người đưa ra quyết định là các cháu được hòa nhập bao nhiêu phút, đồng thời chính họ có thể xây dựng lộ trình cùng với gia đình để giúp đứa trẻ tiến bộ.

Chúng tôi mong muốn Bộ GD-ĐT nghiên cứu đưa ra chương trình như tài liệu đào tạo giáo viên ban hành xuống Sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT. Ban giám hiệu các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở để làm sao có cơ hội tốt nhất cho các cháu tự kỷ, để làm sao cho các phụ huynh ở tỉnh xa không phải đưa con về thành phố nữa, các con được học ngay tại ngôi trường khu vực gia đình cư trú, sẽ tốt cho gia đình các cháu và bản thân các cháu nữa, đỡ gánh nặng chi phí cho gia đình”.

Giáo dục trẻ tự kỷ là hành trình gian nan cần sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng và toàn xã hội.

Nhằm giảm bớt thiệt thòi, đảm bảo quyền được đến trường học tập cho trẻ tự kỷ, các cơ quan chức năng cần điều chỉnh hệ thống pháp luật, đưa trẻ tự kỷ vào Luật Người khuyết tật hoặc xây dựng một hệ thống pháp luật khác liên quan đến người tự kỷ để có hành lang pháp lý giúp người tự kỷ có được những hỗ trợ căn bản như các dạng khuyết tật khác./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Người tự kỷ đang bị bỏ rơi
Người tự kỷ đang bị bỏ rơi

VOV.VN -Người tự kỷ hiện nay chưa được hưởng bất kỳ một chính sách an sinh xã hội nào, bởi tại Việt Nam, tự kỷ chưa được xếp vào dạng khuyết tật.

Người tự kỷ đang bị bỏ rơi

Người tự kỷ đang bị bỏ rơi

VOV.VN -Người tự kỷ hiện nay chưa được hưởng bất kỳ một chính sách an sinh xã hội nào, bởi tại Việt Nam, tự kỷ chưa được xếp vào dạng khuyết tật.

Hành trình của cậu bé tự kỷ trở thành kỷ lục gia xiếc Việt Nam
Hành trình của cậu bé tự kỷ trở thành kỷ lục gia xiếc Việt Nam

VOV.VN - Qua hơn 3 chăm chỉ luyện tập, cậu bé tự kỷ Nguyễn Khôi Nguyên đã trở thành một nghệ sĩ xiếc tài năng và có thể hòa nhập với cuộc sống.

Hành trình của cậu bé tự kỷ trở thành kỷ lục gia xiếc Việt Nam

Hành trình của cậu bé tự kỷ trở thành kỷ lục gia xiếc Việt Nam

VOV.VN - Qua hơn 3 chăm chỉ luyện tập, cậu bé tự kỷ Nguyễn Khôi Nguyên đã trở thành một nghệ sĩ xiếc tài năng và có thể hòa nhập với cuộc sống.

Tâm sự của những ông bố, bà mẹ có con tự kỷ
Tâm sự của những ông bố, bà mẹ có con tự kỷ

VOV.VN -Trẻ tự kỷ chưa được xã hội hiểu rõ, còn bị kỳ thị, không được hưởng bất cứ sự ưu tiên nào, vì thế cha mẹ phải "đơn thương độc mã" nuôi dạy con tự kỷ.

Tâm sự của những ông bố, bà mẹ có con tự kỷ

Tâm sự của những ông bố, bà mẹ có con tự kỷ

VOV.VN -Trẻ tự kỷ chưa được xã hội hiểu rõ, còn bị kỳ thị, không được hưởng bất cứ sự ưu tiên nào, vì thế cha mẹ phải "đơn thương độc mã" nuôi dạy con tự kỷ.

Yêu thương - chìa khóa giúp trẻ em bị chứng tự kỷ
Yêu thương - chìa khóa giúp trẻ em bị chứng tự kỷ

VOV.VN - “Hướng tới tự chủ và tự quyết” là chủ đề của “Ngày Thế giới nhận thức về chứng tự kỷ”(2/4) năm nay.

Yêu thương - chìa khóa giúp trẻ em bị chứng tự kỷ

Yêu thương - chìa khóa giúp trẻ em bị chứng tự kỷ

VOV.VN - “Hướng tới tự chủ và tự quyết” là chủ đề của “Ngày Thế giới nhận thức về chứng tự kỷ”(2/4) năm nay.

Xây dựng môi trường giáo dục phù hợp cho trẻ tự kỷ
Xây dựng môi trường giáo dục phù hợp cho trẻ tự kỷ

VOV.VN - Các nhà giáo dục hiện cũng gặp không ít khó khăn trong công tác giáo dục trẻ rối loạn phát triển, trẻ tự kỷ.

Xây dựng môi trường giáo dục phù hợp cho trẻ tự kỷ

Xây dựng môi trường giáo dục phù hợp cho trẻ tự kỷ

VOV.VN - Các nhà giáo dục hiện cũng gặp không ít khó khăn trong công tác giáo dục trẻ rối loạn phát triển, trẻ tự kỷ.