Giáo sư Phan Huy Lê thất vọng với cách thức tích hợp môn Lịch sử
VOV.VN -Lắp ghép một ít nội dung lịch sử rồi cho là môn Lịch sử đã được tích hợp, hoàn toàn thiếu cơ sở khoa học.
Những năm gần đây, học sinh “thờ ơ” với môn Lịch sử ngày càng gia tăng. Tại nhiều kỳ thi quốc gia quan trọng, số lượng học sinh đăng ký thi môn học này rất ít. Trong nhiều năm liền, điểm thi môn Lịch sử đều bị đánh giá là thấp nhất với hàng chục nghìn bài thi dưới điểm trung bình, hàng trăm bài bị điểm 0 và điểm liệt.
Thực trạng trên khiến ngành Giáo dục-Đào tạo đã nghĩ đến việc phải đổi mới môn học này bằng cách đưa nội dung môn Lịch sử vào môn học mới có tên “Công dân với Tổ quốc” trong Dự thảo “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể”.
Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam có cuộc trao đổi với phóng viên VOV.VN về việc đổi mới môn Lịch sử.
Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê |
PV: Những năm gần đây, tình trạng học sinh thờ ơ với môn Lịch sử ngày càng gia tăng. Trong nhiều kỳ thi mang tính quốc gia, số lượng học sinh đăng ký dự thi giảm đáng kể. Giáo sư nhìn nhận vấn đề này bắt nguồn từ đâu và chúng ta phải làm gì để khắc phục tình trạng này?
Giáo sư Phan Huy Lê: Tình trạng học sinh thờ ơ với môn Lịch sử hay nói thẳng ra là học sinh chán môn Lịch sử là một thực tế rất đáng buồn và đáng lo ngại. Tình trạng này thể hiện từ nhiều năm nay trên rất nhiều phương diện.
Khi bắt phải thi thì điểm số rất thấp. Khi cho tự chọn thì hầu hết bỏ ngay môn học này. Rồi những điều tra xã hội học, phỏng vấn bất chợt, phần lớn cho thấy, học sinh hiểu biết rất lơ mơ, hiểu sai cả những nhân vật anh hùng tiêu biểu như coi Quang Trung- Nguyễn Huệ là hai người, hai anh em... Đó là những câu chuyện cười ra nước mắt. Nhưng vấn đề là nguyên nhân của tình trạng đó và trách nhiệm thuộc về ai?
Trước hết là do sách giáo khoa quá nặng nề, la liệt các sự kiện, nhân vật và con số, mang tính nhồi nhét kiến thức. Trong một số bài, lại có những mục chung chung, lặp đi lặp lại như sau mỗi cuộc kháng chiến là nguyên nhân thắng lợi, ý nghĩa lịch sử, nào là nhân dân yêu nước, cả nước đoàn kết, lãnh đạo sáng suốt tài giỏi... Lịch sử hiện đại thì trình bày theo các kế hoạch 5 năm với la liệt các số liệu... Cách dạy nặng về truyền thụ kiến thức, câu hỏi kiểm tra và thi cử cũng chỉ nhằm đo kiến thức trong sách giáo khoa...
Nội dung sách giáo khoa cùng với cách dạy cách học, cách thi như vậy thì mặc nhiên học sinh không thể tìm thấy hứng thú trong học tập, coi môn Lịch sử như một môn học của trí nhớ, học thuộc lòng, không cần thông minh, sáng tạo. Học sinh với tính năng động của tuổi trẻ không thể chấp nhận một môn học như vậy.
Tôi muốn nhấn mạnh, bản thân môn Lịch sử nếu đặt đúng vị thế của một môn khoa học, biết chọn những kiến thức thật cần thiết cùng với cách dạy, cách học phù hợp là một trong những môn học rất hấp dẫn của giới trẻ. Chất lượng môn Lịch sử sa sút đến mức độ thảm hại như vậy hoàn toàn không thuộc về bản thân môn học, cũng không thuộc trách nhiệm của học sinh. Đó là trách nhiệm của người lớn, của những người biên soạn chương trình và sách giáo khoa, của giáo viên, bao trùm lên là trách nhiệm chỉ đạo và thiết kế môn học của Bộ GD- ĐT.
Tôi muốn ghi nhận trên thực tế có một số giáo viên đầy tâm huyết với môn học và học sinh, cố gắng cải tiến cách dạy, chăm lo hướng dẫn phương pháp học tập cho các em. Nhưng sự sa sút của môn Lịch sử nằm trong cả hệ thống từ nhận thức về vị thế, yêu cầu, mục tiêu của môn học cho đến chương trình, sách giáo khoa và đội ngũ giáo viên. Sự cố gắng của một số thày, cô giáo hay sự cải tiến trong một vài khâu nào đó không thể thay đổi toàn cục.
Chính vì vậy, tôi hy vọng trong “Đối mới căn bản và toàn diện nền Giáo dục”, môn Lịch sử sẽ được nghiên cứu và những thay đổi trong toàn bộ hệ thống của nó. Nhưng hy vọng đó của tôi đang bị lung lay bởi một số thay đổi trong Dự thảo “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể” và thiết kế các môn học, trong đó có môn Lịch sử của Bộ GD-ĐT. Trong đó đề cập việc tích hợp nội dung môn Lịch sử vào môn "Công dân với Tổ quốc".
PV: Giáo sư có thể giải thích rõ hơn những lo ngại của mình về sự đổi mới môn Lịch sử mà Bộ GD-ĐT đưa ra trong Dự thảo “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể”?
Giáo sư Phan Huy Lê: Tích hợp nên thực hiện theo hướng tích hợp cao ở các lớp dưới và phân hóa dần ở các lớp trên. Theo tôi, môn tích hợp “Cuộc sống quanh ta” ở lớp 1, 2, 3 và “Tìm hiểu xã hội” ở lớp 4, 5 trong cấp tiểu học là rất khoa học. Trong hai môn tích hợp này, nên chọn một số kiến thức lịch sử đơn giản, rất nhẹ nhàng, nặng về kể truyện, phù hợp với lớp tuổi của học sinh.
Còn lên cấp trung học cơ sở, môn Lịch sử tích hợp vào môn “Khoa học xã hội” rồi cấp Trung học phổ thông, tích hợp vào môn “Công dân với Tổ quốc” thì trên thực tế là xé nát môn Lịch sử và gán ghép một cách tùy tiện, gần như “xóa sổ” hay như có người nói là “khai tử” môn học này. Bộ GD-ĐT cố giả thích và làm yên lòng dân là Bộ coi trọng môn Lịch sử và không hề xóa bỏ môn học quan trọng này, hơn thế khi tích hợp vào môn bắt buộc là đưa môn Lịch sử vào hệ thống các môn bắt buộc trong toàn bộ nền giáo dục phổ thông.
Giải thích như thế chẳng thuyết phục được ai! Một ít kiến thức môn Lịch sử có được cắt nhỏ và lồng ghép vào môn học khác nhưng còn đâu môn Lịch sử với tính hệ thống và yêu cầu giáo dục kỹ năng, giáo dục năng lực và phẩm chất của môn khoa học này. Nhiều người đã phân tích những hậu quả khó lường khi lớp trẻ lớn lên trở thành công dân, tham gian xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay mà chỉ biết lờ mờ hay mù tịt về cội nguồn dân tộc, về các thành quả xây dựng và bảo vệ đất nước của tổ tiên, về các giá trị truyền thống đã tạo nên sức sống trường tồn của dân tộc.
Môn Lịch sử là một môn khoa học nền tảng của khoa học xã hội và nhân văn, giữ vai trò cơ sở trong bồi dưỡng kiến thức lịch sử, văn hóa dân tộc, giáo dục phẩm chất và bản lĩnh con người. Vì vậy, hầu hết các nước trên thế giới đều coi môn Lịch sử là môn học cơ bản và bắt buộc trong suốt quá trình giáo dục phổ thông, dĩ nhiên với thiết kế khác nhau ở các cấp học và cũng có tính đa dạng giữa các quốc gia. Có thể nói một cách tổng quát rằng, có lịch sử, có văn hóa là có sự trường tồn của dân tộc, tạo nên nội lực để vượt qua mọi thách thức, mất lịch sử và văn hóa là có nguy cơ suy yếu và bại vong trước các mối đe dọa của ngoại bang.
Tôi kịch liệt phản đối việc xóa bỏ môn Lịch sử, kể cả việc cắt xén từng bộ phận và lồng ghép tùy tiện vào các môn học khác từ cấp trung học cơ sở. Tất nhiên, việc bảo vệ môn Lịch sử như môn học cơ bản và bắt buộc phải gắn liền với việc đổi mới cơ bản và toàn diện một học này, khắc phục triệt để những yếu kém hiện nay, trước hết là đặt đúng vị thế và nêu cao tính khoa học của môn học này.
PV: Thưa Giáo sư, nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến đã thực hiện tích hợp các môn học và đã đạt được những thành công trong giáo dục. Theo đánh giá của Giáo sư, cách tích hợp môn Lịch sử vào môn “Công dân với Tổ quốc” được Bộ GD-ĐT đưa ra trong Dự thảo “Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể” như thế nào?
Giáo sư Phan Huy Lê: Gần đây, Bộ GD-ĐT đưa ra một môn học mới cho cấp Trung học phổ thông gọi là môn “Công dân với Tổ quốc”. Trong hội thảo về môn học này chiều ngày 3/11/2015 do Bộ GD-ĐT tổ chức, tôi đã góp ý kiến rất thẳng thắn. Môn học này được giải thích là một môn học tích hợp của ba môn: giáo dục công dân, an ninh-quốc phòng và lịch sử. Môn Lịch sử được tích hợp vào đây với một số ví dụ được đưa ra như những nội dung chống ngoại xâm, nghệ thuật quân sự, chủ quyền lãnh thổ quốc gia...
Tích hợp là một xu hướng của giáo dục hiện đại, nhưng phải dựa trên cơ sở khoa học của những môn học liên quan về nội dung, gần gũi về cơ sở khoa học. Tích hợp tuyệt đối không phải là sự gán ghép tùy tiện, đem một ít nội dung của môn học này lồng ghép vào một môn học bất kỳ nào đó. Giáo dục An ninh-quốc phòng đã được qui định trong Luật An ninh-quốc phòng, trong đó có một số nội dung lịch sử như truyền thống chống ngọai xâm, nghệ thuật quân sự.
An ninh-quốc phòng và giáo dục công dân là những môn học mang nặng yêu cầu giáo dục chính trị của thời hiện đại. Trong lúc đó, Lịch sử là một môn khoa học về cội nguồn, về quá trình lịch sử từ thời xa xưa, qua thời cổ đại, trung đại, cận đại đến thời hiện đại với hệ thống lý luận và phương pháp luận hoàn toàn khác. Lắp ghép một ít nội dung lịch sử rồi cho là môn Lịch sử đã được tích hợp và là môn học bắt buộc cho đến trung học phổ thông là cách giải thích không trung thực và là một môn tích hợp hoàn toàn thiếu cơ sở khoa học.
PV: Xin cảm ơn Giáo sư!./.