Giáo sư Pháp bàn triển vọng mô hình đại học nghiên cứu ở Việt Nam
VOV.VN - Muốn có đại học nghiên cứu ở Việt Nam thì các đại học Việt Nam phải biết làm nghiên cứu, từ giáo sư, giảng viên đến sinh viên.
Ngày 11/4, Hội Chuyên gia Việt Nam tại Pháp tổ chức cuộc thảo luận bàn tròn về giáo dục lần thứ 3 với chủ đề “Đại học nghiên cứu”. Tại sao vấn đề “nghiên cứu” lại được đặt ra đối với các trường đại học? Và kinh nghiệm của phía Pháp cũng như góp ý cho phía Việt Nam ra sao?
PV: Thưa bà, chủ đề hội thảo lần này là "Đại học nghiên cứu". Bà có thể giải thích cụ thể hơn về khái niệm này và các khía cạnh mà hội thảo lần này sẽ đề cập liên quan đến đại học nghiên cứu ?
Tiến sĩ Nguyễn Thụy Phương: Đối diện với những thách thức của sự phát triển kinh tế xã hội, các quốc gia phát triển hay đang phát triển đều coi giáo dục đại học là một trong những cơ tầng đóng vai trò cải thiện hay cải biến xã hội. Vì đại học là một trong những nơi đào tạo ra nhân công lao động, là nơi sản xuất ra nguồn tri thức và là nơi trung chuyển giao thoa kiến thức. Vì vậy, đại học nghiên cứu là một mô hình đại học hiện đại mang những sứ mạng riêng và phải đáp ứng các nhu cầu xã hội.
Theo Tuyên ngôn Hợp Phì (2013), Hiệp hội các trường đại học lớn nhất thế giới đưa ra mười tiêu chí để định nghĩa đại học nghiên cứu. Một cách ngắn gọn: Đó phải là nơi đào tạo ra trí thức xuất sắc và sản xuất ra tri thức xuất sắc góp phần canh tân xã hội, định hình tương lai, mang trách nhiệm trước xã hội và phải giữ được sự tự do, tự chủ và minh bạch.
Trong cuộc bàn tròn này, chúng tôi không chỉ giới hạn ở mô hình này mà mở rộng bàn về mối liên hệ giữa đại học và nghiên cứu trong bối cảnh Việt Nam và so sánh với châu Âu để hiểu hơn về thực trạng ở Việt Nam.
PV: Vấn đề đại học nghiên cứu ở Pháp hiện nay thế nào và vì sao vấn đề này cần được bàn nhiều và thúc đẩy ở Việt Nam?
Tiến sĩ Nguyễn Thụy Phương: Mô hình đại học nghiên cứu thì đã tồn tại từ lâu ở Pháp. Xét về bối cảnh nghiên cứu nói chung thì giới đại học và nghiên cứu bi quan từ nhiều năm nay về tình trạng nghiên cứu ở Pháp. Trong nước thì ngân sách cho nghiên cứu, đặc biệt là khoa học cơ bản, bị nhà nước cắt giảm. Các dự án nghiên cứu tầm quốc gia hay quốc tế vẫn có nhưng “chạy đua” theo tiêu chuẩn do châu Âu “áp đặt” với các quốc gia thành viên. Ngoài nước thì bảng xếp hạng quốc tế của Pháp không được ở thứ hạng cao.
PV: Để thúc đẩy đại học nghiên cứu ở Việt Nam, theo bà, điều gì là quan trọng nhất ?
Tiến sĩ Nguyễn Thụy Phương: Muốn có đại học nghiên cứu ở Việt Nam thì các đại học Việt Nam phải biết làm nghiên cứu, từ giáo sư, giảng viên đến sinh viên. Các giáo sư, phó giáo sư phải có các công trình nghiên cứu cá nhân và tập thể, nghiêm túc về mặt học thuật để được công nhận ở cấp quốc gia và quốc tế.
Đại học phải đào tạo ra một khối lượng nhất định các nghiên cứu sinh vì đây chính là tương lai. Nhưng đây mới chỉ là một trong nhiều tiêu chí để xây dựng thành công mô hình đại học nghiên cứu ở Việt Nam.
PV: Theo bà thì các nội dung mà các diễn giả trình bày, thảo luận có ảnh hưởng thế nào đến việc cải thiện chất lượng đào tạo đại học nói riêng, giáo dục nói chung ở Việt Nam?
Tiến sĩ Nguyễn Thụy Phương: Diễn giả các bàn tròn là những giáo sư, chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác giảng dạy, nghiên cứu và quản lý đại học. Họ cũng có điều kiện làm việc và hợp tác với các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu ở Việt Nam.
Các ý kiến, thảo luận tại hội thảo được đưa ra dựa trên thực tiễn tại Pháp, Việt Nam và có quan hệ so sánh. Điều đó giúp chúng ta có cái nhìn tổng quát về những thách thức, khó khăn của công tác quản lý và phát triển giáo dục đào tạo trong môi trường hội nhập quốc tế, cạnh tranh cùng với thay đổi khoa học công nghệ.
Nhìn lại quá trình phát triển của hệ thống giáo dục của Pháp trong quá khứ cũng cho phép uốn nắn, điều chỉnh cần thiết trước khi có chuẩn bị cho những bước đột phá trong hệ thống giáo dục của nước ta.
Tham dự các hội thảo còn có nhiều cán bộ công tác trong ngành giáo dục, giảng viên các trường đại chọ của Việt Nam đang học tập và làm nghiên cứu tại các cơ sở đào tạo của Pháp. Những ví dụ từ thực tiễn Việt Nam họ đưa ra luôn là những bài toán mới, lạ cho các diễn giả, hướng thảo luận đến các giải pháp cụ thể cho việc cải thiện chất lượng giáo dục đào tạo ở Việt Nam.
PV: Xin cảm ơn bà./.
Bàn tròn giáo dục về các chủ đề giáo dục cụ thể được Hội Chuyên gia Việt Nam tại Pháp tổ chức bắt đầu từ tháng 5/2014, đi vào phân tích những vấn đề lớn đối với giáo dục Việt Nam, từ thực tế và những bài học kinh nghiệm của Pháp
Bàn tròn tập hợp được số lượng lớn các diễn giả Pháp và Việt Nam, trong đó có những diễn giả có uy tín và nhiều năm giảng dạy tại cả Pháp và Việt Nam.
Xem thêm: