Giáo sư Việt ở nước ngoài bàn về "đóng, mở" ngành đào tạo ĐH
VOV.VN - “Việc áp dụng quy định 1 Tiến sĩ, 3 Thạc sĩ đối với các ngành đặc thù có thể sẽ trở thành sự máy móc, thiếu thực tế”
Loạt bài “Trường đại học “mừng hụt” với 20.000 tiến sĩ” trên VOV online đang thu hút sự quan tâm của nhiều độc giả. Để có sự so sánh và có góc nhìn đa chiều về việc đào tạo Đại học hiện nay, nhất là cơ cấu đội ngũ giảng viên Đại học giữa trong nước và nước ngoài, phóng viên đã phỏng vấn GS Trần Hải Linh, giảng viên trường Đại học Inha, Hàn Quốc.
Không nhất thiết phải quy định “cứng”
PV: Thưa ông, việc Bộ GD-ĐT yêu cầu mỗi ngành đào tạo Đại học phải có đủ 1 Tiến sĩ và 3 Thạc sĩ đang khiến nhiều ngành Đại học đứng trước nguy cơ bị xóa bỏ vì không đủ cơ cấu giảng viên. Ông nhìn nhận như thế nào về quyết định này?
GS Trần Hải Linh: Việc Bộ GD-ĐT có yêu cầu là với ngành đào tạo Đại học phải có ít nhất 1 giảng viên có trình độ Tiến sĩ và 3 giảng viên có trình độ Thạc sĩ, ngành đào tạo trình độ Cao đẳng cũng phải bảo đảm có ít nhất 4 giảng viên có trình độ Thạc sĩ đúng ngành đăng ký, theo tôi là khá sát với thực tiễn yêu cầu về công tác giáo dục Đại học, Cao đẳng trong việc mở ngành.
GS Trần Hải Linh |
Quy định này tránh việc mở ra các ngành đào tạo kém chất lượng, tràn lan như những năm gần đây, và thực tế là đào tạo ra lại không đáp ứng được nguồn nhân lực theo nhu cầu thiết thực của xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, theo tôi cũng cần cân nhắc về tính đặc thù và thực tế lực lượng giảng viên trong một số ngành đặc thù như một số ngành liên quan đến nghệ thuật như nhạc khí, thanh nhạc, kịch, đạo diễn, quay phim, nhiếp ảnh hoặc một số ngành mới về ngôn ngữ ít sử dụng ở Việt Nam như tiếng Ả rập…
Việc áp dụng quy định trên đối với các ngành đặc thù có thể sẽ trở thành sự máy móc, thiếu thực tế khi những ngành đó thực chất rất khó để có Tiến sĩ hay Thạc sỹ trong thời điểm hiện nay.
Ngoài ra, trong trường hợp các ngành mà mời được các chuyên gia, giảng viên là người nước ngoài hoặc Việt kiều về giảng dạy với thời gian giống như giảng viên cơ hữu thì liệu có được tính theo quy định hay không?
Và thực tế chúng ta cũng nhìn nhận lại là đã có khá nhiều trường hợp là một số trường “mượn” giảng viên cơ hữu để bổ sung hồ sơ cho đủ theo quy định của Bộ trong việc mở ngành.
PV: Là người có nhiều năm giảng dạy ở nước ngoài, xin ông cho biết tiêu chí cơ bản để mở ngành đào tạo được thực hiện như thế nào ở Hàn Quốc, thưa ông?
GS Trần Hải Linh: Ở Hàn Quốc cũng đảm bảo rõ việc mở ngành là cần có giảng viên cơ hữu, tuy nhiên không nhất thiết phải có 1 Tiến sỹ với 3 Thạc sỹ.
Đối với những ngành mới có thể được mở ra để đáp ứng với thực tế yêu cầu của xã hội và đối với một số ngành đặc thù thì giảng viên được mời giảng dạy có thể là những người có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực đó, được xã hội công nhận, thậm chí họ còn chưa có tấm bằng Tiến sĩ hay Thạc sĩ.
PV: Đa số các trường mang tính đặc thù như các trường nghệ thuật ở Việt Nam họ đều cho biết không thể nào có đủ cơ cấu giảng viên theo yêu cầu của Bộ, bởi các trường này liên quan đến năng khiếu, có người là nghệ sỹ nhân dân nhưng lại không có bằng Tiến sĩ, Thạc sĩ. Vậy với các trường này, ở Hàn Quốc có sự linh hoạt về cơ cấu giảng viên không, thưa ông?
GS Trần Hải Linh: Ở Hàn Quốc, khi tuyển giảng viên về giảng dạy ở các trường Đại học, Cao đẳng thì điều đầu tiên để đánh giá thường là học vị đã đạt được, thường yêu cầu đã là Tiến sĩ và đã có kinh nghiệm sau Tiến sĩ trong một thời gian nhất định. Tiếp đó, phải dựa vào các công trình nghiên cứu của họ đã được công nhận, ví dụ các bài báo quốc tế, các bằng phát minh sáng chế, các báo cáo tại các Hội nghị khoa học quốc tế chuyên ngành, hoặc là các giải thưởng uy tín về văn hóa và nghệ thuật…
Điều này để khẳng định rằng các giảng viên phải đạt ở một tiêu chuẩn nhất định trong vấn đề học thuật, nghiên cứu trước khi đứng trên bục giảng. Và sau khi đã được nhận vào giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng thì các giảng viên đó phải tiếp tục duy trì và có những công bố mới về nghiên cứu hay về lĩnh vực chuyên môn đặc thù của mình.
Ở nước ngoài, khá giống với thực trạng ở Việt Nam là ở một số trường chuyên biệt về nghệ thuật rất khó có những người có học vị cao. Tuy nhiên, họ còn có một cách đánh giá dựa trên những thành tích đã đạt được trong lĩnh vực chuyên môn hoặc các giải thưởng quốc gia, quốc tế. Những thành tích này phải được xã hội và quốc tế công nhận.
Thực tế, một số trường Đại học về nghệ thuật ở Hàn Quốc cũng có các giảng viên chỉ có trình độ Đại học. Tuy nhiên, các giảng viên đó thường có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực của mình và cũng có nhiều giải thưởng quốc gia, quốc tế. Và khi đã giảng dạy Đại học và Cao đẳng thì họ vẫn được gọi là Giáo sư.
Nâng cấp từ Cao đẳng, Trung cấp lên Đại học rất hiếm
PV: Ở nước ngoài, có tình trạng lên cấp từ Cao đẳng, Trung cấp lên Đại học ồ ạt và khi tuyển dụng có quan trọng bằng cấp không, thưa ông?
GS Trần Hải Linh: Ở Hàn Quốc, theo tôi được biết thì việc nâng cấp từ Cao đẳng, Trung cấp lên Đại học rất hiếm khi diễn ra. Vì thực tế họ đã phân định rõ các cấp học, và các ngành đào tạo của các trường, thường bám khá sát với khả năng học tập của sinh viên cũng như thực tiễn yêu cầu của xã hội.
Việc quan trọng bằng cấp ở Hàn Quốc là có, bởi vì các trường Đại học và Cao đẳng tại Hàn Quốc hàng năm đều được đánh giá qua một hệ thống kiểm định giáo dục khá nghiêm ngặt, như đánh giá về chỉ số nghiên cứu, chỉ số quốc tế hóa, chỉ số sinh viên có công ăn việc làm ngay sau khi ra trường...
Và thường những sinh viên tốt nghiệp ở các trường Đại học, Cao đẳng danh tiếng thường kiếm được các vị trí, công việc tương xứng và phù hợp hơn so với các trường kém hơn trong bảng xếp hạng.
PV: Một thực tế mà trong nước cũng có nhiều trăn trở là nhiều giảng viên sau khi được bồi dưỡng kiến thức ở nước ngoài, họ không về nước, có người chấp nhận nộp phạt kinh phí đào tạo. Theo ông cần có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?
GS Trần Hải Linh: Đó là một thực tế cần phải nhìn nhận trong những năm gần đây. Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, như tôi được biết có người có học vị Tiến sĩ, đã học tập, trợ giảng và giảng dạy ở các trường Đại học có tiếng trên thế giới, nhưng khi quay về nước để liên hệ làm công việc giảng viên thì vẫn không hề dễ dàng. Thậm chí, có người khi mang hồ sơ đến nộp cho khoa, khoa báo lại là đã nộp cho trường và cuối cùng không có hồi âm gì hơn. Và sau đó một thời gian, khoa thông báo là đã tuyển được giảng viên mới, và người được tuyển mới tốt nghiệp Thạc sĩ, thậm chí mới tốt nghiệp Đại học ở Việt Nam.
Đối với nhiều ngành đào tạo, nhất là những ngành “nóng” thì nhiều Tiến sĩ đi du học về thường ra ngoài làm vì môi trường làm việc tốt kèm với thu nhập cao. Họ cần như vậy để đảm bảo cho cuộc sống gia đình chứ lại không muốn về lại trường cũ làm giảng viên.
Ngoài ra, một thực tế cần nhìn nhận là có người nhận học bổng từ Nhà nước ta trước khi du học nhưng khi quay về có hiện tượng “sốc” văn hóa sau một thời gian dài học tập và làm việc tại nước ngoài. Họ không thể hòa nhập lại với cách làm việc cũng. Cùng với đó, còn có các vấn đề liên quan khác bởi vì khi quay về thì khá nhiều người đã lập gia đình, từ đó cũng có những vấn đề khách quan khác, và cuối cùng họ chọn cách nộp phạt kinh phí đào tạo để được ra đi.
Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp đều như vậy, đã có rất nhiều giảng viên sau khi hoàn thành Tiến sĩ đã quay về và tiếp tục đóng góp cho việc giáo dục ở các cơ sở đào tạo ở Việt Nam.
Để khắc phục được tình trạng trên thì theo tôi việc trả lương tương xứng và tạo điều kiện cơ hội làm việc tốt nhất là những vấn đề cốt lõi. Tuy nhiên, hiện nay có khó khăn khi tại đa số các trường thì lương giảng viên chỉ được trả theo mức quy định của Nhà nước.
Ngoài ra, để thu hút ta phải có những cách khác như tạo điều kiện cho giảng viên có nhiều cơ hội tham gia nghiên cứu khoa học. Như vậy, thu nhập của giảng viên sẽ được cải thiện bằng chính hoạt động nghiên cứu khoa học của họ, mặt khác giảng viên sẽ không ngừng trau dồi và tiếp thu chuyên môn, từ đó sẽ tiếp tục xây dựng được những thế hệ sinh viên tiếp sau đáp ứng được với thực tế xã hội. Để làm được điều này, đội ngũ cán bộ quản lý giỏi, đủ tâm và tầm mang tính quyết định rất lớn.
PV: Xin cảm ơn ông./.