Giáo viên cũng cần học môn Đạo đức!
VOV.VN -Chuyện cô giáo phạt học sinh lớp 3 súc miệng bằng nước giặt giẻ lau bảng khiến bất cứ ai cũng phải giật mình, đặt ra vấn đề về đạo đức của người thầy.
Sau hàng loạt những vụ việc thầy cô xúc phạm danh dự, xâm phạm đến thân thể học sinh bị xã hội lên án, mới đây, vụ việc cô giáo tại huyện An Dương, Hải Phòng phạt nữ sinh lớp 3 súc miệng bằng nước giặt giẻ lau bảng lại một lần nữa khiến dư luận không khỏi phẫn nộ, đặt ra những nghi ngại về đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận giáo viên hiện nay.
Vụ học sinh lớp 3 bị cô giáo ép súc miệng bằng nước giặt giẻ lau bảng khiến dư luận bức xúc. (Ảnh: KT) |
Từng có nhiều năm đứng trên bục giảng, nay đã về hưu, thầy Nguyễn Đình Quang Minh (Phương Liệt, Thanh Xuân, Hà Nội) không khỏi xót xa khi nghe những câu chuyện buồn của ngành giáo dục.
Ông cho rằng hình phạt, kỷ luật là điều cần có trong trường học. Tuy nhiên, bắt học sinh súc miệng bằng nước giặt giẻ lau bảng quả là điều không thể chấp nhận.
“Sư phạm là ngành đặc thù, giáo dục con người. Xưa đề cao tiên học lễ, hậu học văn, nhưng có lẽ ngày nay không còn được như vậy nên mới có những chuyện đáng buồn. Học trò đâm thầy giáo, cô giáo bắt học sinh quỳ, bắt súc miệng nước giặt giẻ lau bảng… không thể tưởng tượng được sao những chuyện này lại xảy ra trong trường học, nơi giáo dục con người cả về tri thức và nhân cách”, thầy Minh ngậm ngùi.
Từ vụ việc này, thầy Minh cho rằng, nhà trường cần đặc biệt chú ý công tác giáo dục đạo đức, tập huấn kỹ năng cho giáo viên, đặc biệt là giáo viên trẻ.
Bên cạnh đó, BGH các trường cũng cần có sự gần gũi, quan tâm, chia sẻ với giáo viên để hiểu, giải tỏa những áp lực mà họ đang gặp phải, tránh những trường hợp “giận cá chém thớt”, không ai khác, chính học sinh lại trở thành nạn nhân phải hứng chịu.
Video: Học sinh kể chuyện cô giáo phạt uống nước giặt giẻ lau bảng
Đã có hơn 40 năm gắn bó với nghiệp sư phạm, thầy Trần Mạnh Hùng, Hiệu trưởng trường THPT Tự Lập, Sóc Sơn, Hà Nội buồn lòng chia sẻ: “Tôi rất sốc. Có lẽ đây không phải là cô giáo. Nếu thực sự là nhà giáo, không ai có thể làm như vậy”.
Từ vụ việc này, thầy Trần Mạnh Hùng cho rằng đã đến lúc ngành giáo dục nói chung và các nhà trường nói riêng cần xem xét lại công tác đào tạo giáo viên. Liệu những bài học trên sách vở đã thực sự đủ với những sinh viên sư phạm? Và liệu rằng chỉ có các trường Sư phạm mới có nhiệm vụ này?
“Chúng ta đang nói quá nhiều, nhưng giải pháp thực tế, trực tiếp lại còn nhiều vấn đề. Tôi cho rằng, cả xã hội phải là trường học, các giáo viên không chỉ học từ sách vở, trường lớp, mà còn cần học từ cuộc sống xung quanh”.
Có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, thầy Hùng thẳng thắn cho rằng, người thầy hiện nay đang phải chịu không ít áp lực. Việc vượt qua những sức ép, áp lực đó để tạo ra văn hóa ứng xử phù hợp cần cả quá trình rèn luyện, song điều này không phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm mà phụ thuộc vào văn hóa và suy nghĩ từng cá nhân.
Trước những hành động sai trái của học sinh, thầy cô giáo cần lấy bao dung, kiên trì để đưa ra cách giải quyết phù hợp: “Học sinh ngoan, học giỏi, cũng cần có cách khen ngợi, động viên các em để cố gắng. Với những học sinh hư thầy cô cần tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân để giúp các em khắc phục, không nên dùng những hình phạt quá đáng, đôi khi còn là phản giáo dục”, thầy Hùng chia sẻ.
Bên cạnh đó, theo hiệu trưởng trường THPT Tự Lập, Sóc Sơn, để giáo viên làm tốt công tác của mình, xã hội nói chung và ngành giáo dục nói riêng cũng cần có những thay đổi về không gian, môi trường, bảo vệ tốt hơn cho giáo viên, có những sự chia sẻ cần thiết.
Vụ học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng: Phải xem xét trách nhiệm các bên
Cùng nói về vấn đề này, thầy Nguyễn Viết Thắng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Phong Vân, Ba Vì, Hà Nội cho biết: “Trong một khoảnh khắc không hiểu vì quá bức xúc, áp lực hay có vấn đề gì mà cô giáo lại có thể xử lý như vậy. Tôi cho rằng sa thải cô giáo ra khỏi ngành cũng là hợp lý”.
Thầy Thắng cho rằng hành động của giáo viên tại Hải Phòng là “con sâu làm rầu nồi canh", ảnh hưởng đến toàn ngành. “Ngành giáo dục cần xử lý nghiêm để làm trong sạch lại đội ngũ, lấy lại uy tín cho đông đảo đội ngũ nhà giáo. Đây là bài học cho toàn ngành, đặc biệt là những người làm công tác quản lý trực tiếp, cần đặc biệt quan tâm tới giáo dục đạo đức giáo viên, đảm bảo trường học là môi trường mô phạm, an toàn, tốt cho học sinh”, thầy Nguyễn Viết Thắng nhấn mạnh./.
Bạo lực học đường: Trách nhiệm đầu tiên thuộc về ai?
Phương thuốc trị “bệnh” bạo lực học đường
Bạo lực học đường gia tăng: Tư vấn tâm lý cho học sinh còn bỏ ngỏ?