Giáo viên mầm non kỳ vọng gì ở tân Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ?
VOV.VN - Nâng cao chất lượng đào tạo, chăm lo đời sống giáo viên và có thêm trường lớp là những mong muốn của giáo viên gửi tới Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.
Trong những năm qua, ngành Giáo dục đã có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non như: phổ cập cho trẻ 5 tuổi, giảm số trẻ bị suy dinh dưỡng, phấn đấu có thêm các cơ sở đảm bảo chất lượng trong việc trông giữ trẻ…
Tuy nhiên, đối với cấp học được coi là nền tảng để trẻ hình thành nhân cách, phát triển trí tuệ cho những bậc học cao hơn thì hệ thống giáo dục mầm non cần được quan tâm nhiều hơn so với hiện tại. Đó là trăn trở và cũng là mong muốn của nhiều cán bộ, giáo viên các trường mầm non gửi tới tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ.
Cô Phan Ngọc Hà |
Đời sống của giáo viên quá chật vật
So với những bậc học khác, hiện nay, giáo viên bậc mầm non phải làm việc rất vất vả (từ 7h đến 17h30) và thường phải chăm sóc khoảng 50-60 trẻ/lớp. Hầu hết thời gian của họ đều bị bó hẹp ở trường lớp cho đến tận chiều. Đến tối về, nhiều giáo viên lại phải làm đồ dùng, đồ chơi sáng tạo cho trẻ; thứ Bảy nhiều khi vẫn phải đến trường nên họ không có thời gian làm thêm các công việc khác nhằm tăng thêm thu nhập để trang trải cuộc sống.
Công việc vất vả là vậy nhưng hiện nay, chế độ đãi ngộ cho giáo viên mầm non vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là những giáo viên ở vùng sâu, vùng xa. Nếu một giáo viên mới vào nghề có lương và phụ cấp trông trẻ ngoài giờ chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng. Với mức lương như vậy, nhiều giáo viên không đủ để nuôi con ăn học.
Hiểu được những khó khăn đối với việc giảng dạy và chăm sóc trẻ mầm non, cô Phan Ngọc Hà, giáo viên trường mầm non Tràng An, quận Thanh Xuân, Hà Nội mong rằng, trên cương vị mới, tân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sẽ có những giải pháp đột phá chăm lo hơn đến đời sống của các thầy cô giáo để họ yên tâm bám trụ với nghề.
Bên cạnh việc cần quan tâm đến chế độ lương bổng, phụ cấp cho giáo viên mầm non, cô Ngọc Hà còn kiến nghị với tân Bộ trưởng GD-ĐT chú trọng hơn tới đào tạo giáo viên sư phạm ngành mầm non. Vì hiện nay, nhiều cơ sở đào tạo được thành lập nhưng lại chưa chú trọng đến trang bị toàn diện kiến thức chăm sóc, nuôi dạy trẻ và trau dồi đạo đức nghề nghiệp.
Để nâng cao kiến thức cho giáo viên, cô Ngọc Hà còn mong muốn, ngoài việc được bồi dưỡng, nâng cao chất lượng giảng dạy, các giáo viên mầm non cần có thêm thời gian để tự học tập chuyên môn, giao lưu học hỏi kinh nghiệm dạy dỗ, chăm sóc trẻ.
Giáo viên mầm non cần được đào tạo bài bản
Giáo dục mầm non là nền tảng quan trọng hình thành nhân cách cho trẻ em. Vì vậy, chúng ta cần có đội ngũ giáo viên mầm non không chỉ giảng dạy tốt mà còn hiểu rõ được tâm lý lứa tuổi và yêu mến trẻ.
Để có được đội ngũ giáo viên như vậy, cô giáo trẻ Hồ Thị Thu, trường mầm non Phúc Đồng, quận Long Biên, Hà Nội cho rằng, trong tất cả các yếu tố quyết định đến chất lượng giáo dục, giáo viên đóng vai trò rất quan trọng. Nhà giáo có trình độ chuyên môn giỏi và đạo đức nghề nghiệp trong sáng sẽ đem lại hiệu quả chất lượng giáo dục tốt. Do đó, trên cương vị mới, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cần lưu tâm đến chất lượng đào tạo giáo viên mầm non ở các trường sư phạm.
Cô Lê Thị Thúy Hồng |
Thêm trường mới, thêm kinh phí mua sắm đồ chơi
Ở cương vị quản lý, cô Lê Thị Thúy Hồng, Phó trưởng phòng, Chủ tịch Công đoàn giáo dục huyện Gia Lâm, Hà Nội mong muốn tân Bộ trưởng GD-ĐT cần quan tâm đầu tư kinh phí hơn cho phát triển hệ thống giáo dục mầm non.
Thực tế là hiện nay, cơ sở vật chất và đồ dùng dạy học ở các trường mầm non tại các vùng nông thôn, địa phương khó khăn, xa xôi đang thiếu rất nhiều. Nhiều trường không có kinh phí để mua nên phần lớn nhà trường huy động các thầy cô phải tranh thủ thời gian để làm đồ chơi tự tạo cho trẻ.
Ngoài ra, hệ thống trường lớp vẫn còn thiếu trầm trọng. Mặc dù chúng ta đang phấn đấu đảm bảo mỗi xã, phường có từ 1 đến 2 trường mầm non công lập nhưng thực tế chưa đạt được như vậy. Hiện nay, hầu hết các trường mầm non công lập ở Hà Nội vẫn có sĩ số lên đến 50 trẻ, nên công tác chăm sóc các cháu gặp nhiều khăn, chưa được như mong muốn.
Cô Thúy Hồng đề xuất ngành Giáo dục cần phối hợp với các cơ quan, Bộ, ngành nâng cấp, xây dựng thêm các trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.
Nâng cao trách nhiệm quản lý các cơ sở mầm non
Không chỉ cần được quan tâm đầu tư hơn nữa cho việc đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, chăm lo đời sống đội ngũ giáo viên, thầy Đào Văn Toàn, giáo viên mầm non 10/10 quận Hoàng Mai, Hà Nội mong muốn ngành Giáo dục cần có sự quản lý chặt chẽ đối với những cơ sở giáo dục mầm non ở các địa phương.
Bởi tình trạng bạo lực ở một số cơ sở giáo dục mầm non hoạt động không được cấp phép hoặc dưới dạng nhà trông trẻ tự phát vẫn diễn ra. Thông thường ở những nơi này, giáo viên không được đào tạo bài bản, thiếu chuyên môn và thực sự chưa có lòng yêu trẻ.
Song song với đề xuất nâng cao trách nhiệm quản lý chặt chẽ các cở sở mầm non, thầy giáo Đào Văn Toàn kiến nghị với các cơ quan chức năng ưu tiên kinh phí, nguồn đất đai xây dựng thêm trường mầm non đạt chất lượng ở nội thành, vùng ven đô để người lao động từ các tỉnh, thành phố khác lên Hà Nội có thể yên tâm gửi con khi đi làm./.
Tân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: “Không quan niệm giáo dục là trận đánh“