Giấy khen mỗi nơi một kiểu: Phải nghiêm túc đánh giá lại Thông tư 30
VOV.VN -Việc ghi giấy khen mỗi trường Tiểu học thực hiện khác nhau đang khiến nhiều phụ huynh lo lắng, không biết thực chất kết quả học tập của con.
Năm học 2015-2016 đã kết thúc và lúc này là thời điểm nhiều cơ quan đang kêu gọi các phụ huynh nộp giấy khen của con để tặng thưởng. Tuy nhiên, trên các facebook của nhiều phụ huynh lại tràn ngập các hình ảnh về những lời nhận xét khác nhau của các trường Tiểu học đối với việc học tập của học sinh khi thực hiện theo Thông tư 30.
Điều đặc biệt là năm nay, xuất hiện trên facebook những lời nhận xét học sinh như: Đạt danh hiệu học sinh khen từng mặt, đạt danh hiệu học sinh tiêu biểu, hoàn thành tốt trong học tập và rèn luyện, đạt thành tích về giao lưu văn nghệ…
Giấy khen với nhận xét đạt danh hiệu học sinh khen từng mặt đang gây tranh luận trong phụ huynh |
Những lời nhận xét, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện cả năm học của giáo viên và nhà trường đối với học sinh kể khi thực hiện Thông tư 30 là không chấm điểm học sinh Tiểu học nữa đã khiến nhiều phụ huynh cảm thấy lo lắng, không biết thực chất con mình học tập ra sao.
Chị Hoàng Minh Hạnh có con đang học tại trường Tiểu học Hoàng Diệu, Hà Nội cho biết: Trong buổi họp tổng kết cuối năm, giáo viên chủ nhiệm đã thông báo tình hình học tập của học sinh. Tuy nhiên, nếu những ai không đi họp phụ huynh mà chỉ nhìn vào giấy khen cuối năm của các cháu thì rất khó biết được tình hình học tập, rèn luyện cụ thể của con ra sao.
Anh Nguyễn Đình Mạnh, có con trai đang học trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám, Hà Nội bày tỏ: Khi chưa thực hiện Thông tư 30, việc đánh giá học sinh cuối năm học được xếp loại theo từng loại: Giỏi, Khá, Trung bình. Còn nay, khi thực hiện Thông tư 30, giấy khen mỗi trường ghi một kiểu, chẳng thống nhất nên phụ huynh rất khó biết được thực chất kết quả học tập của các cháu cụ thể ra sao. Nếu nhà trường ghi giấy khen đạt danh hiệu học sinh khen từng mặt thì phụ huynh cũng khó hiểu là các em được khen ở kết quả học tập, bộ môn nào hay rèn luyện đạo đức…
Vì vậy, Bộ GD-ĐT cần có quy định rõ ràng trong việc ghi giấy khen cuối năm học một cách thống nhất để các trường thực hiện và để phụ huynh biết rõ học lực của con mình như thế nào.
Giáo viên, nhà trường lúng túng khi nhận xét, đánh giá học sinh
Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT bắt đầu áp dụng từ tháng 10/2014 với việc đổi mới việc đánh giá học sinh Tiểu học không phụ thuộc hoàn toàn vào điểm số.
Theo đó, trong đánh giá thường xuyên, giáo viên nhận xét bằng lời nói trực tiếp với học sinh hoặc viết nhận xét vào phiếu, vở của học sinh về những kết quả đã làm được hoặc chưa làm được. Những lời nhận xét động viên, khích lệ, biểu dương, khen ngợi kịp thời đối với từng thành tích, tiến bộ giúp học sinh tự tin vươn lên... Việc đánh giá bằng điểm số chỉ được thực hiện thông qua bài kiểm tra giữa và cuối kỳ học. Học sinh sẽ được tổng hợp đánh giá trên cơ sở theo dõi mức độ nhận thức, kỹ năng và điểm số của các bài kiểm tra cuối kỳ.
Thông tư 30 được kỳ vọng sẽ đem lại bước ngoặt trong đánh giá học sinh từ nặng về kiến thức sang kỹ năng, năng lực, nhận thức…
Mặc dù đến nay, Bộ GD-ĐT chưa có thống kê và công bố những mặt tích cực và hạn chế sau hơn 1 năm thực hiện Thông tư 30 nhưng cho đến nay, một số đơn vị đã tiến hành khảo sát việc thực hiện không chấm điểm học sinh Tiểu học, trong đó có việc giáo viên đánh giá học sinh.
Cô và trò trường Tiểu học Ngọc Thụy (Gia Lâm, Hà Nội) trong một giờ học |
Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam đã tiến hành khảo sát ở một số tỉnh, thành phố về thực trạng thực hiện đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT.
PGS.TS Vũ Trọng Rỹ, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam cho biết: Qua phỏng vấn gián tiếp bằng phiếu hỏi và tọa đàm trực tiếp 630 giáo viên tiểu học ở 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Dương, Hòa Bình, Phú Thọ, Đà Nẵng cho thấy, có 95,2 % số giáo viên được hỏi đều khẳng định thực hiện đánh giá học sinh theo Thông tư 30 giáo viên vất vả hơn so với trước đây, nhất là với giáo viên ở vùng nông thôn.
582 trong số 630 giáo viên cho rằng, phải mất quá nhiều thời gian cho việc ghi nhận xét học sinh. Thời gian trung bình trong ngày dành cho nhận xét học sinh là 92,47 phút.
Riêng với các giáo viên dạy các môn: Nhạc, mỹ thuật, thể dục thường dạy nhiều lớp và phải nhận xét từ 200-300 học sinh trở lên cho nên rất vất vả và trên thực tế họ cũng không có điều kiện theo dõi từng học sinh. Ví dụ, tại Trường tiểu học thị trấn Thanh Miện (Hải Dương), một giáo viên dạy Mỹ thuật cho 23 lớp phải nhận xét 789 học sinh.
Đáng chú ý, một số thầy giáo, cô giáo cho rằng, việc nhận xét kết quả học tập của học sinh khá khó vì thiếu kỹ năng diễn đạt, tìm từ ngữ sát hợp với từng trường hợp cụ thể để không bị trùng lặp. Dẫn đến hiện tượng một số giáo viên tìm cách đối phó như đưa ra các loại ký hiệu thay cho điểm số như bông hoa, ngôi sao, mặt người cười, mếu...
Nhiều giáo viên chỉ có lời nhận xét chung chung áp dụng cho nhiều trường hợp, kiểu như "em học tốt", "em cần cố gắng hơn"... mà không chỉ ra được tốt ở chỗ nào và cần cố gắng ở chỗ nào.
Theo báo cáo của 18 trường Tiểu học được khảo sát tại Hà Nội, Gia Lai, Long An, trong năm học 2014-2015, gần như 100% học sinh đạt yêu cầu về năng lực, phẩm chất. Kết quả phỏng vấn cán bộ quản lý, giáo viên Tiểu học cho thấy, trong thời gian đầu áp dụng việc đánh giá học sinh theo Thông tư 30, giáo viên còn lúng túng, chưa tạo được sự đồng thuận cao từ cha mẹ học sinh nên khó đánh giá năng lực của học sinh.
Chỉ có 28,7% giáo viên Tiểu học tại các trường được khảo sát cho biết họ được tham gia các khóa bồi dưỡng có liên quan đến dạy học phát triển năng lực học sinh. Công tác chỉ đạo dạy học theo hướng phát triển năng lực học sinh chủ yếu thông qua các buổi họp Hội đồng nhà trường, chứ ít được triển khai thông qua các buổi sinh hoạt chuyên môn mặc dù đây là hình thức để các giáo viên có nhiều cơ hội tranh luận, học hỏi đồng nghiệp.
Trong khi đó, tỷ lệ giáo viên THCS và THPT được tham gia các khóa bồi dưỡng về dạy học phát triển năng lực học sinh là 58%. Qua phỏng vấn tại 6 trường THPT của Hà Nội, Gia Lai và Long An, giáo viên THPT cho biết, các khóa tập huấn còn nặng về truyền đạt kiến thức, chưa có nhiều những minh họa cụ thể, phù hợp với từng đối tượng học sinh, từng vùng miền.
Theo PGS Văn Như Cương, áp lực về nhận xét và ghi sổ sách khi chưa được tập huấn kỹ càng ở các trường học, địa phương khiến nhiều giáo viên, nhà trường lúng túng trong đánh giá học sinh. Điều này giải thích vì sao mà mỗi trường Tiểu học lại có cách thức nhận xét, đánh giá học tập và rèn luyện cả năm của học sinh khác nhau.
Việc có hàng chục loại giấy khen với những lời nhận xét chung chung, khó hiểu đang gây lo lắng, băn khoăn cho nhiều phụ huynh cũng là điều dễ hiểu. Chính vì vậy, ngành Giáo dục cần có sự tổng kết, đánh giá lại việc thực hiện Thông tư 30 để các địa phương, trường học và giáo viên có cách thức thống nhất trong đánh giá, ghi nhận xét học sinh./.
Đánh giá học sinh theo thông tư 30: Ban hành bỏ đấy, làm cho xong?
Thông tư 30: Để giáo viên không cảm thấy “quá tải”