Giúp học sinh người dân tộc thiểu số vượt qua rào cản ngôn ngữ

Từ ngày 27/1 đến 29/1/1010, với sự tài trợ của Tập đoàn IKEA, Viện nghiên cứu ngôn ngữ Mùa hè (SIL) và Tổ chức Cứu trợ trẻ em Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Dạy tiếng Việt như ngôn ngữ thứ hai thông qua tiếng mẹ đẻ”. 

Tham gia hội thảo có lãnh đạo và chuyên viên của các Sở Giáo dục và Đào tạo, các Phòng Giáo dục của các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh, Điện Biên, Quảng Trị… Ngoài ra dự hội thảo còn có đại diện của Vụ Tiểu học- Bộ Giáo dục và đào tạo, chuyên viên các Viện nghiên cứu giáo dục, trung tâm nghiên cứu và đại diện của các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam như UNICEF, UNESCO và các học viên.

Ngôn ngữ là một trong những rào cản chính đối với trẻ em người dân tộc thiểu số trong việc tiếp cận nền giáo dục có chất lượng. Thực tế đó đòi hỏi cần phải có những phương pháp dạy học thích hợp để giúp giáo viên và học sinh vượt qua được rào cản ngôn ngữ; giúp trẻ tiếp thu tốt các kiến thức tại trường.

Bà  Nguyễn Thị Thắm, Vụ phó Vụ Giáo dục tiểu học trong bài phát biểu của mình nêu ra thực trạng giáo dục và nhu cầu về giáo dục song ngữ dựa trên tiếng mẹ đẻ: “Trong thời điểm hiện tại, chúng ta chỉ có một chương trình, một bộ sách cho nhiều đối tượng học sinh ở nhiều vùng miền khác nhau, điều kiện khác nhau. Đây vẫn là một bất cập. Tất cả các nhà soạn sách soạn chương trình cho học sinh đã biết tiếng Việt (học sinh người Kinh), một kế hoạch dạy học cho học sinh ở khắp các vùng miền, thời lượng học cũng như nhau đối với học sinh dân tộc thiểu số đây là cách tiếp cận chưa phù hợp…” 

Nội dung chính của khoá hội thảo/tập huấn là trao đổi các lí thuyết và phương pháp về dạy tiếng Việt thông qua tiếng mẹ đẻ, vận dụng lí thuyết trong các hoạt động dạy học cho học sinh dân tộc thiểu số ở Việt Nam với sự dẫn dắt của hai chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu ngôn ngữ Mùa hè. Qua hội thảo này các đại biểu sẽ hiểu rõ hơn về phương pháp lý luận để xây dựng phương pháp dạy học cho phù hợp với trẻ em dân tộc miền núi.

Là một trong 2 chuyên gia chính phụ trách về kỹ thuật của hội thảo này, bà Susan- Chuyên gia của Viện ngôn ngữ Mùa hè cho biết: “Công việc của chúng tôi là nghiên cứu giáo dục song ngữ, đem lại nền tảng vững chắc và tạo cầu nối cho trẻ trong quá trình học tập. Trẻ được học song ngữ có kết quả học tập tốt hơn.

Trẻ  cần có nền tảng kiến thức vững chắc bằng tiếng mẹ đẻ  từ đó làm cầu nối cho quá trình học tập lâu dài bằng cả hai ngôn ngữ. Có 2 nguyên tắc cơ bản sau:

- Nguyên tắc thứ nhất: Học phải gắn hiểu, hiểu là phải liên hệ những thông tin và kiến thức mới với

Sách cho các em phải hấp dẫn
những kiến thức đã biết. Công tác giáo dục là phải giúp trẻ hiểu được ý nghĩa của những khái niệm trẻ được học để trẻ có thể vận dụng được những kiến thức học được vào những tình huống thực tế.

- Nguyên tắc thứ hai: Phát triển và sử dụng được kĩ năng tư duy ở bậc cao. Thang Bloom về mục tiêu giáo dục bao gồm: Biết- Hiểu- Phân tích-Đánh giá và Sáng tạo”

Bà  Nguyễn Thị Bích- Giám đốc chương trình Giáo dục và Bảo vệ trẻ em của Tổ chức cứu trợ trẻ em tại Việt Nam trao đổi về kế hoạch hợp tác giữa Tổ chức cứu trợ trẻ em và Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thời gian tới : “Các cán bộ của tổ chức kết hợp với chuyên gia nước ngoài sẽ cùng làm việc với chuyên gia của Bộ để xem xét lại chương trình lớp 2 và lớp 3 theo hướng tăng cường tiếng Việt nhưng dựa trên những kiến thức ngôn ngữ mẹ đẻ của các em.” 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên