GS Đào Trọng Thi: Có thể giãn tiến độ biên soạn sách giáo khoa mới
VOV.VN -Dự kiến, đến tháng 4/2018 sẽ phát hành SGK mới nhưng nếu mốc thời gian như trên mà không đảm bảo chất lượng biên soạn SGK thì có thể giãn tiến độ...
Dự kiến, đến tháng 4/2018 sẽ phát hành sách giáo khoa (SGK) lớp 1 và lớp 6 mới để tập huấn cho giáo viên và triển khai giảng dạy vào năm học 2018-2019. Tuy nhiên, đến nay, Bộ GD-ĐT mới đang trưng cầu ý kiến xã hội về Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
Sau đó, dự thảo sẽ được hoàn thiện và dự kiến triển khai biên soạn chương trình bộ môn trong tháng 9 tới.
Liệu rằng, từ tháng 9/2017 đến tháng 4/2018, việc biên soạn SGK có thể đáp ứng được chất lượng nội dung và từng môn học của chương trình giáo dục phổ thông mới hay không? Phóng viên VOV.VN phỏng vấn Giáo sư, tiến sĩ khoa học (GS.TSKH) Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
GS.TSKH Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội |
PV: Thưa GS, xin ông cho biết quan điểm về Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đang được lấy ý kiến xã hội có kịp hoàn chỉnh và phù hợp cho công đoạn biên soạn sách giáo khoa mới dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 4/2018 hay không?
GS.TSKH Đào Trọng Thi: Việc dự kiến mốc thời gian, tiến độ biên soạn, phát hành SGK mới được đưa ra theo Nghị quyết của Quốc hội. Còn việc biên soạn có kịp hay không còn tùy theo mức độ chuẩn bị của Bộ GD-ĐT.
Về cơ bản, Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể là đi đúng định hướng và phù hợp. Đến thời điểm này, chúng ta mới chỉ biết được vị trí; cơ cấu, thời lượng các môn học như thế nào chứ chưa đi vào từng chi tiết cụ thể.
Tôi cho rằng, sau khi Bộ GD-ĐT ban hành Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể thì sẽ còn phải có chương trình, đề cương chi tiết cho các môn học. Sau đó, mới đến công đoạn viết SGK; rồi mới đến quá trình tập huấn, đào tạo cho đội ngũ giáo viên.
Có thể, các công đoạn trên đã được tiến hành thực hiện rồi chứ không phải chưa làm gì. Những người biên soạn SGK không phải bao giờ cũng chờ thông qua Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể thì mới bắt đầu biên soạn SGK mà họ đã có sự chuẩn bị rồi. Đến khi nào Dự thảo được thông qua thì Ban soạn thảo SGK sẽ hoàn thiện việc biên soạn sách theo kết quả thông qua cuối cùng.
Việc viết SGK phải được chuẩn bị kỹ với nhiều kiến thức, lựa chọn nội dung... Ban biên soạn SGK có thể đã chuẩn bị khoảng 80% nội dung theo như Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Có thể còn một số nội dung cần phải cân nhắc lựa chọn lại thì đợi đến khi Dự thảo được thông qua thì họ sẽ điều chỉnh và hoàn thiện lại việc biên soạn SGK.
PV: Dự kiến Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể sẽ được hoàn thiện 9/2017 và việc soạn sách giáo khoa sẽ được gấp rút thực hiện để đến tháng 4/2018 sẽ phát hành SGK lớp 1 và lớp 6. Tuy nhiên, có ý kiến lo ngại với khoảng thời gian như vậy thì việc có được bộ SGK chất lượng tốt rất khó đảm bảo. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
GS.TSKH Đào Trọng Thi: Mốc thời gian để phát hành SGK mới là tháng 4/2018 đã được đưa ra theo như Nghị quyết của Quốc hội.
Theo tôi, chúng ta cố gắng thực hiện việc biên soạn theo như tiến độ đưa ra trong Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, nếu mốc thời gian như trên mà không đảm bảo chất lượng biên soạn SGK thì chúng ta cũng phải cân nhắc vì dù sao đây là điều quan trọng phải được đặt lên hàng đầu.
Khi cần thiết thì ban soạn thảo cũng có thể nghĩ đến vấn đề giãn tiến độ để đảm bảo chất lượng biên soạn SGK.
PV: Theo GS, để thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông tổng thể theo SGK mới, yếu tố nào là quan trọng nhất?
GS.TSKH Đào Trọng Thi: Để triển khai thực hiện giảng dạy chương trình SGK mới, chúng ta phải nghĩ tới việc tập huấn cho đội ngũ giáo viên. Bên cạnh đó, các trường học phải chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để phục vụ giảng dạy theo chương trình SGK mới.
PV: Xin cảm ơn ông!/.
Giáo viên băn khoăn về chất lượng bộ môn trong sách giáo khoa mới
GS Hồ Ngọc Đại: Đổi mới giáo dục phải từ nhu cầu “thực” của học sinh