Hà Nội: Con học trực tuyến ở nhà, bố mẹ đi làm “đứng ngồi không yên”
VOV.VN - Nhiều phụ huynh cho biết, dù học trực tuyến, nhưng lịch học của con vẫn dày đặc đủ tất cả các môn như trên lớp, trong khi phụ huynh đã bắt đầu đi làm trở lại, học sinh vẫn tiếp tục học trực tuyến khiến việc học gặp không ít khó khăn.
Lịch của con và bố mẹ lệch pha
Theo thông báo mới nhất của Sở GD-ĐT Hà Nội, học sinh toàn thành phố vẫn tiếp tục duy trì học trực tuyến, các trường sẵn sàng các phương án để đón trẻ đến trường khi dịch bệnh ổn định hơn. Nhưng khi Hà Nội chuyển sang giãn cách theo Chi thị 15, nhiều phụ huynh đã bắt đầu trở lại công việc thường nhật kiến việc trông con tại nhiều gia đình gặp không ít khó khăn.
3 ngày nay, khi có thông báo đi làm trở lại, vợ chồng anh Nguyễn Văn Sơn phải mời gia sư về kèm con tại nhà khi học trực tuyến. “Bố mẹ đều phải đi làm, con mới học lớp 1 nên không thể tự học một mình, cũng không tiện đưa con đến chỗ làm cùng bố mẹ nên đành phải chấp nhận tốn kém mời gia sư về học cùng con”.
Nhà có 2 con nhỏ đang học trực tuyến, những ngày này gia đình anh Nguyễn Hoàng Hà (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng chật vật trông con và hỗ trợ con học online. Vợ anh Hà công tác trong ngành y tế, bởi vậy mùa dịch hầu như không có nhiều thời gian ở nhà, anh Hà hiện tại cũng bắt đầu đi làm trở lại bình thường, 2 con nhỏ ở nhà học trực tuyến khiến anh không khỏi lo lắng.
“Cháu lớn học lớp 7 có thể tự học, còn cháu bé mới học lớp 4, nếu không có bố mẹ ngồi học cùng thì hầu như chỉ học cho có lệ chứ không tiếp thu được mấy. Có những ngày con học từ 8h sáng đến gần 11h trưa, buổi chiều lại tiếp tục học tiếng Anh, Thể dục, Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, lịch học dày đặc khiến các con cảm thấy mệt mỏi, uể oải mỗi khi học. Có khi sáng học, nhưng đến buổi tối bố mẹ hỏi lại hôm nay học gì đã không nhớ”, anh Hà nói.
Có nhất thiết học không sót môn nào?
Nói thêm về chương trình học của con, anh Nguyễn Hoàng Hà cho rằng, khi học online, với bậc tiểu học chỉ nên duy trì ở những môn cơ bản như Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh, tránh học dàn trải tất cả các môn như Hát nhạc, Thể dục, Mỹ thuật. Việc trẻ phải học quá nhiều, kéo dài thời gian ngồi trước màn hình máy tính tiềm ẩn nguy cơ mắc các bệnh về mắt, bên cạnh đó cũng khiến khả năng tiếp thu và hứng thú học tập của trẻ giảm hơn.
Anh Nguyễn Xuân Cường (Cầu Giấy, Hà Nội) có con học lớp 2 cũng vất vả dạy con học online. Từ đầu tuần này, cả 2 vợ chồng anh đều đã đi làm trở lại, phải để 2 con ở nhà tự học. “Anh lớn học lớp 8 ở nhà tự hướng dẫn em học, nhưng cũng chỉ xử lý được những vấn đề về kỹ thuật như đăng nhập vào lớp học, kiểm tra internet… còn các nội dung học hầu như không thể hướng dẫn”. Phụ huynh này cũng cho rằng, với những lớp nhỏ chỉ nên dạy các môn như Toán, Tiếng Việt, những môn còn lại nên đợi khi vào học chính khóa tiếp tục triển khai.
“Mỗi ngày thời gian học học của con từ 8h đến hơn 10h, học tất cả các môn như trực tiếp trên lớp bao gồm cả Hát Nhạc, Thể dục, Hoạt động trải nghiệm, con ngồi liên tục trước máy tính, chỉ được nghỉ giữa các tiết 5-10 phút, với trẻ nhỏ như vậy sẽ rất khó tập trung, học mệt mỏi. Nếu thời gian học trực tuyến kéo dài cần thiết kế thời gian và thời lượng học phù hợp. Với các lớp nhỏ như lớp 1, lớp 2 tôi cho rằng chỉ nên cho các con học Toán, Tiếng Việt, các môn yêu cầu sự tương tác vận động nhiều như Hoạt động trải nghiệm, Thể dục nên học bù khi các con đến trường sẽ hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, các trường cũng nên cân nhắc xếp lịch học cho các lớp này vào buổi tối để bố mẹ có thể học cùng con”, anh Cường cho biết.
Theo dõi học cùng con trong nhiều buổi, phụ huynh này cho biết thêm, hầu hết các tiết học vẫn được dạy theo cách truyền thống như trên lớp, nên cả cô và trò đều cảm thấy nặng, đường truyền gián đoạn, thời gian thực học còn lại ít, không phải tất cả học sinh trong lớp đều được cô gọi phát biểu ý kiến, có những em cả buổi không được phát biểu sẽ cảm thấy chán, buồn ngủ.
Không nên cho trẻ lớp 1 tương tác liên tục 2h trên máy tính, điện thoại
Theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Trưởng Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, mặc dù dịch bệnh, nhưng các em vẫn không ngừng lớn lên, không ngừng có nhu cầu khám phá. Học sinh rất cần được học theo nghĩa “thu hút các em vào hoạt động hấp dẫn, có định hướng giáo dục”. Dù chưa có sự chuẩn bị tốt nhất, đầy đủ cho việc dạy học trực tuyến, thì trong hoàn cảnh hiện nay, vẫn cần nỗ lực để giúp các em có thể duy trì việc học tập, phần nào đáp ứng nhu cầu của học sinh bằng cách điều chỉnh nội dung, phương pháp, các yêu cầu cần đạt, biết ưu tiên để thực hiện trước những hoạt động phù hợp với học trực tuyến…
Riêng với những học sinh đầu cấp 1, PGS.TS Chu Cẩm Thơ cho rằng, cần chú ý điều chỉnh chương trình cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mỗi nhà trường. Đối với môn Toán, Tiếng Việt cũng như vậy, có thể giúp các em tương tác qua các trò chơi học tập, thực hành với dụng cụ, đồ dùng có sẵn trong gia đình.
“Tập đọc, rèn kĩ năng nghe, nói là hoàn toàn có thể làm được trong môi trường trực tuyến với sự giúp đỡ của người thân. Khi đi học trực tiếp, chúng ta có thể tập trung rèn kĩ năng viết cho các em. Chúng ta cũng cần chú ý đến vấn đề sức khoẻ của học sinh, đây là một yếu tố cũng rất quan trọng quyết định đến không chỉ bản thân các em mà còn cả chất lượng học tập. Để đảm bảo sức khoẻ cho các em, nhà trường dạy học trực tuyến nói chung và dạy cho trẻ lớp 1 nói riêng, không thể bê nguyên chương trình ở lớp sang trực tuyến mà cần tiết chế thời gian, thời lượng, nội dung cho đảm bảo hơn.
Theo một số nghiên cứu của chúng tôi, không nên để học sinh lớp 1 tương tác liên tục 2 giờ đồng hồ trên máy tính hoặc điện thoại. Tốt nhất nên sử dụng màn hình lớn như máy tính, và xen kẽ các hoạt động vận động nếu không sẽ ảnh hưởng đến mắt và cột sống của trẻ”, PGS.TS Chu Cẩm Thơ lưu ý.
Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng cho rằng, các gia đình cũng cần chú ý để nâng cao các điều kiện học tập như trang bị thiết bị, đường truyền và học cùng con. Hãy tạo ra các ngữ liệu học tập gắn với chính điều kiện học tập hiện hữu của các em, tổ chức hoạt động sau giờ học cùng với người thân, để việc học diễn ra trong đời sống. Như vậy sẽ làm cho việc học gần gũi, dễ triển khai và hạn chế được những bất cập của học trực tuyến đối với trẻ nhỏ./.