Hà Nội còn nhiều bất cập trong quy hoạch trường học
VOV.VN -Quy hoạch hệ thống trường học Hà Nội còn bất cập, nhiều khu đô thị, khu công nghiệp được xây mới, nhưng lại thiếu trường lớp học.
Sáng 17/11, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Ủy viên Bộ Chính Trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải dự hội nghị.
Hội nghị sơ kết 5 năm nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới giáo dục đào tạo.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29, thành phố Hà Nội đã triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đạt được những kết quả tích cực trên mọi lĩnh vực. Nổi bật là mạng lưới trường, lớp được mở rộng, cơ sở vật chất, thiết bị đồ dùng học tập được tăng cường đầu tư. Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia có bước phát triển vượt bậc. Đến tháng 3/2018, toàn thành phố có 1.372/2.641 trường đạt chuẩn quốc gia (chiếm tỷ lệ 52%). Đội ngũ cán bộ giáo viên được tăng cường, đảm bảo chất lượng chuyên môn và năng lực sư phạm.
Hà Nội cũng là địa phương luôn dẫn đầu cả nước về số lượng và chất lượng giải thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Năm học 2017-2018, ngoài các kỳ thi Olympic quốc tế, học sinh Hà Nội còn xuất sắc giành được hơn 140 giải và huy chương các loại trong các kỳ thi Olympic toán học, khoa học trẻ quốc tế ở cấp tiểu học, trung học cơ sở.
Bên cạnh những kết quả đạt được, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29, ngành giáo dục đào tạo Hà Nội cũng còn những hạn chế. Đó là bất cập trong quy hoạch mạng lưới trường học. Nhiều khu đô thị, khu công nghiệp được xây mới, nhưng lại thiếu trường lớp học; các địa bàn ven đô như Hà Đông, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm có số học sinh/lớp, số lớp/trường vượt quá quy định điều lệ trường học.
Ông Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết: “Đổi mới mạnh mẽ và toàn diện các yếu tố căn bản của giáo dục và đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất và năng lực người học. Cùng với đó là chú trọng giáo dục truyền thống, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh. Chất lượng giáo dục toàn diện và mũi nhọn của Hà Nội luôn đạt kết quả xuất sắc và là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước”./.
Thủ tướng: Muốn đổi mới giáo dục phải đặc biệt quan tâm nhà giáo