Hà Nội trả lời những vấn đề “nóng” liên quan đến năm học mới
(VOV) -Việc tuyển sinh, dạy thêm học thêm và chạy trường, chạy lớp được lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trả lời thẳng thắn
Tại cuộc gặp mặt báo chí chiều nay (2/7) do Thành ủy Hà Nội tổ chức, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trả lời những vấn đề “nóng” liên quan tới việc tuyển sinh, dạy thêm học thêm và chạy trường, chạy lớp trên địa bàn thành phố; đồng thời khuyến cáo không nên cho trẻ học thêm trước khi vào lớp 1.
Về hiện tượng chạy trường, chạy lớp trên địa bàn thành phố Hà Nội, Phó Giám đốc Sở giáo dục và đào tạo Nguyễn Hiệp Thống cho biết, đây là vấn đề đã tồn tại nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có cách giải quyết triệt để.
“Đây là một nội dung mà chúng tôi đang rất phải suy nghĩ. Năm nào vấn đề này cũng được đặt ra. Nếu có đầy đủ bằng chứng việc một hiệu trưởng nào đó nhận tiền, vòi vĩnh tiền của phụ huynh học sinh để nhận con em mình thì xin các nhà báo, xin các bậc phụ huynh hãy cho chúng tôi biết. Chắc chắn chúng tôi sẽ xử lý”- Phó Giám đốc Nguyễn Hiệp Thống nói.
Lãnh đạo Sở giáo dục và đạo tạo Hà Nội cho biết, trong năm học mới này, việc tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 do Ủy ban Nhân dân các quận, huyện chịu trách nhiệm, với mục tiêu đảm bảo đủ lớp học, 100% trẻ em đủ 5 tuổi được đi học, còn với lứa tuổi từ 3 đến 4 thì tùy điều kiện cơ sở vật chất của địa phương để tiếp nhận.
Ông Phạm Xuân Tiến– Trưởng phòng giáo dục bậc tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khuyến cáo không nên cho trẻ học thêm trước khi vào lớp một: “Tôi dám khẳng định việc cho trẻ học trước khi vào lớp 1 đến 90% là do phụ huynh học sinh bởi vì có cầu thì có cung. Tôi rất buồn vì có phụ huynh học sinh cứ cho con đi học trước khiến tạo ra một hệ lụy làm ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là tâm lý các cháu. Ở các lớp học thêm đó, có thể trong hai tiếng đồng hồ các cháu phải ngồi bó khung rất khổ. Tôi cũng khẳng định, 100% nhà trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội đảm bảo dạy đủ, dạy đúng đảm bảo chuẩn, không chỉ là chuẩn kiến thức tối thiểu mà còn ở mức độ cao hơn, vì vậy các phụ huynh không lên cho trẻ đi học trước”.
Thành phố Hà Nội đã cho phép các đơn vị, nhà trường tổ chức dạy thêm, học thêm theo đúng quy định của thành phố và mức thu sẽ dựa trên thỏa thuận bằng văn bản giữa cha mẹ học sinh với nhà trường.
Ông Phạm Hữu Hoan, Trưởng phòng giáo dục trung học, Sở giáo dục và đào tạo Hà Nội cho biết thêm: “Đưa ra được mức trần thu học phí đối với dạy thêm, học thêm là điểm cực kỳ mới và hết sức khó khăn. Sở Giáo dục Đào tạo và Sở Tài chính đã phải đi khảo sát để đưa ra được mức trần này. Việc thu phí này sẽ tính theo sự ổn định, trượt giá theo quy định của Nhà nước khi Nhà nước công bố mức lương tối thiểu tăng lên bao nhiêu phần trăm thì chúng ta sẽ tăng theo”.
Về việc các khoản thu mỗi trường một “phách” khi vào năm học mới, ông Nguyễn Hiệp Thống cho rằng, việc công khai là yêu cầu đầu tiên trong kỳ tuyển sinh năm học mới. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các trường không gộp khoản thu dịp đầu năm và công khai tới các phụ huynh học sinh. Các khoản thu bảo hiểm, đoàn đội nhà trường không thu.
Năm học 2013-2014, toàn thành phố Hà Nội ước tính có gần 1,6 triệu học sinh các cấp. Để chuẩn bị cho năm học mới, thành phố đã đầu tư gần 2.000 tỷ đồng cho việc xây mới và sửa chữa, cải tạo phòng học, trong đó thành lập mới 25 trường và xây mới 15 trường. Chất lượng và trình độ giáo viên được nâng cao cả về năng lực quản lý và nghiệp vụ sư phạm.
Trong tháng 7 và tháng 8 tới, Thành phố sẽ tuyển thêm hơn 7.700 giáo viên và nhân viên ngành giáo dục./.