Hà Nội và hai chỉ đạo hợp lòng dân

(VOV) -Không mua xe công, xây mới trụ sở… và chấn chỉnh tư thế, tác phong cảnh sát giao thông.

Đầu tiên, phải nói đến quyết tâm “cùng nhau vượt khó” được thể hiện tại Hội nghị bàn giao kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2013 đến tất cả các quận, huyện, thị xã và các sở, ban, ngành được UBND thành phố Hà Nội tổ chức sáng 11/12.

Hội nghị đã thẳng thắn chỉ rõ: Kinh tế khó khăn, ngân sách eo hẹp, trong khi Hà Nội còn ngổn ngang nhiều việc cần phải giải quyết và ưu tiên thực hiện, tức phải chi lượng ngân sách lớn.

Từ thực tế trên, UBND thành phố Hà Nội đã quyết định, trong năm 2013, các đơn vị không duyệt chi cho xây dựng trụ sở mới, mua xe công, cử cán bộ đi nước ngoài, những dự án chưa cấp thiết để tập trung cho một số lĩnh vực trọng yếu, trong đó ưu tiên hàng đầu cho xây dựng nông thôn mới và an sinh xã hội.

Nghe có vẻ chẳng có gì mới và là việc Hà Nội hay bất cứ địa phương nào khác đương nhiên phải thực hiện. Nhưng nếu đem tinh thần chỉ đạo đó “chiếu” vào thực tế lãng phí tràn lan (đi kèm theo đó khó tránh khỏi tình trạng tham nhũng) thời gian qua và hình ảnh đối nghịch “con nhà lính tính nhà quan” trong chi tiêu hoành tráng mới thấy điều đó cần được tái khẳng định mạnh mẽ để quyết tâm thực hiện cho tốt hơn.

Cuối tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị về việc tăng cường tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng ngân sách nhà nước. Chỉ thị nêu rõ, trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, việc tăng cường tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là trong sử dụng ngân sách nhà nước có ý nghĩa quan trọng, góp phần dành nguồn cho đầu tư phát triển, an sinh xã hội và các nhiệm vụ quan trọng cấp bách.

Thủ tướng yêu cầu không bổ sung kinh phí ngoài dự toán được giao cho các mục đích: mua sắm xe ôtô, tổ chức hội nghị, hội thảo, lễ kỷ niệm, lễ hội, đi công tác trong và ngoài nước và các nhiệm vụ không cần thiết, cấp bách… cho đến tiết kiệm triệt để chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm và các chi phí khác.

Hà Nội là trung tâm chính trị- hành chính quốc gia, là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ; trung tâm kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước nên việc được tạo cơ chế ưu tiên đầu tư phát triển xứng với tầm vóc và vị thế là điều dễ hiểu, nhưng cùng với đó phải là sự “gương mẫu”, “đi đầu” mà cụ thể ở đây là tiết kiệm, chống lãng phí.

Tinh thần Hội nghị bàn giao kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2013 của UBND thành phố Hà Nội một lần nữa thể hiện rõ điều đó.

Thông tin thứ hai cũng được dư luận quan tâm, đó là Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu chấn chỉnh tư thế, tác phong, văn hóa ứng xử đến mỗi cán bộ chiến sĩ của Phòng CSGT.

Người đứng đầu lực lượng công an Thủ đô đã chỉ ra những điều tưởng như rất nhỏ nhưng cần thực hiện để tránh tình trạng CSGT bị “mất điểm” như lâu nay.

Theo chỉ đạo của Đại tá Chung, trong giờ làm việc CSGT không được có thái độ uể oải, cấm túm năm tụm ba, ngồi hàng quán. Mỗi chiến sĩ phải tăng cường trách nhiệm, giúp đỡ nhân dân từ việc nhỏ nhất.

Trường hợp người vi phạm là sinh viên, người ngoại tỉnh hoặc người già, CSGT làm nhiệm vụ ngoài đường cần dành thời gian hướng dẫn, tuyên truyền thay vì cứ “chăm chăm” bắt lỗi, xử phạt.

Vị Giám đốc công an thành phố yêu cầu từ nay CSGT chấm dứt đứng ở nơi khuất, thiếu ánh sáng để bắt lỗi, xử lý người tham gia giao thông vi phạm. Thay vào đó, từng cán bộ chiến sĩ khi làm nhiệm vụ phải đứng ở vị trí nằm trong tầm quan sát của người tham gia giao thông, kể cả việc triển khai chuyên để kiểm tra tốc độ xe vi phạm.

“Đứng ở chỗ tối thì dù có xử phạt đúng cũng để lại dị nghị, nghi ngờ cho nhân dân”- câu nói của Đại tá Chung hoàn toàn đúng và quan trọng hơn, từ dị nghị, nghi ngờ đến mất niềm tin là điều rất dễ xảy ra.

Vẫn biết các CSGT phải làm việc trong điều kiện có nhiều áp lực, vất vả nhưng văn hóa “canh gác” giao thông cũng rất quan trọng và cần được thể hiện rõ bằng hành động. Nếu CSGT cứ đứng thập thò bên vệ đường hời hợt ngắm nhìn, khi bước ra giữa đường điều khiển giao thông thì huơ huơ cây gậy một cách uể oải thì rõ ràng uy thế và sự ảnh hưởng tích cực là không cao. Những người thực thi công vụ phải tỏ lộ phong thái uy nghiêm, đúng mực thì mới truyền tải văn hóa giao thông cho người dân để hành xử cho đúng.

Nội dung chỉ đạo của Giám đốc Công an TP Hà Nội có thể nói là không mới, nhưng quan trọng nó được thẳng thắn chỉ rõ với quyết tâm cao nhằm góp phần xây dựng môi trường giao thông văn minh của Thủ đô- điều mà người dân mong muốn và ủng hộ.

Lẽ tất nhiên, lời nói phải đi đôi với việc làm. Nhân dân và báo chí sẽ góp phần giám sát kết quả thực hiện những chỉ đạo trên trong thời gian tới. Còn hiện tại, một lần nữa cần khẳng định đó là những quyết định hợp lòng dân./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đà Nẵng giải tán xe công tại các sở
Đà Nẵng giải tán xe công tại các sở

(VOV) -Đội xe ô tô công tại các sở, ban, ngành của Đà Nẵng sẽ bị “khai tử”vào cuối năm 2013 khi Trung tâm hành chính chính thức hoạt động

Đà Nẵng giải tán xe công tại các sở

Đà Nẵng giải tán xe công tại các sở

(VOV) -Đội xe ô tô công tại các sở, ban, ngành của Đà Nẵng sẽ bị “khai tử”vào cuối năm 2013 khi Trung tâm hành chính chính thức hoạt động

Hà Nội sẽ không xây trụ sở, mua sắm xe công
Hà Nội sẽ không xây trụ sở, mua sắm xe công

Năm 2013, các đơn vị không duyệt chi cho xây dựng trụ sở mới, mua xe công, cử cán bộ đi nước ngoài…

Hà Nội sẽ không xây trụ sở, mua sắm xe công

Hà Nội sẽ không xây trụ sở, mua sắm xe công

Năm 2013, các đơn vị không duyệt chi cho xây dựng trụ sở mới, mua xe công, cử cán bộ đi nước ngoài…

Giám đốc Công an Hà Nội: CSGT không đứng ở nơi khuất
Giám đốc Công an Hà Nội: CSGT không đứng ở nơi khuất

Từng cán bộ chiến sĩ khi làm nhiệm vụ phải đứng ở vị trí nằm trong tầm quan sát của người tham gia giao thông.

Giám đốc Công an Hà Nội: CSGT không đứng ở nơi khuất

Giám đốc Công an Hà Nội: CSGT không đứng ở nơi khuất

Từng cán bộ chiến sĩ khi làm nhiệm vụ phải đứng ở vị trí nằm trong tầm quan sát của người tham gia giao thông.