Hàng ngàn giáo viên hợp đồng của Hà Nội tắt ngấm hy vọng
VOV.VN - Hơn 3.000 GVHĐ đã hy vọng được xét tuyển đặc cách như lời Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã nói, nhưng cuối cùng TP lại thông báo không ai đủ điều kiện.
Trong cuộc họp của Hội đồng nhân dân TP Hà Nội hồi tháng 7/2019, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã khẳng định rằng sẽ có phương án giải quyết cho các giáo viên hợp đồng trước thềm năm học mới, (tức trước ngày 5/9). Đồng thời ông Chung cũng thông tin rằng, những giáo viên hợp đồng đủ điều kiện: có thời gian công tác trên 5 năm, tham gia BHXH, đủ điều kiện sức khỏe, có năng lực, trình độ phù hợp với vị trí việc làm, tức là giáo viên phải dạy môn mà trường có nhu cầu tuyển dụng sẽ được xét tuyển đặc biệt.
Thông tin này đã gieo hy vọng cho gần 3.000 giáo viên hợp đồng Hà Nội đang hoang mang trước nỗi lo mất việc khi thành phố sắp tổ chức thi viên chức ngành giáo dục.
Hàng ngàn giáo viên hợp đồng thất vọng trước thông báo không ai đủ điều kiện xét tuyển đặc cách của TP Hà Nội. |
Thế nhưng, sau một thời gian chờ đợi, các giáo viên này lại không khỏi thất vọng khi thông báo mới nhất của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội tại Hội nghị về công tác tuyển dụng viên chức làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học và trung học cơ sở công lập trực thuộc UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố năm 2019, trong tổng số gần 3.000 giáo viên hợp đồng tại Hà Nội thì không ai đủ điểu kiện xét tuyển đặc cách.
Thông báo này ghi rõ: UBND TP Hà Nội, các quận, huyện, thị xã đã rà soát và khẳng định không có giáo viên đủ tiêu chuẩn để xét tuyển đặc biệt vào viên chức theo quy định tại khoản 7, điều 2 của Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018.
Như vậy, gần 3.000 giáo viên hợp đồng tại Hà Nội từng có thời gian công tác từ 5 - 20 năm sẽ phải trải qua kỳ tuyển dụng viên chức ngành giáo dục bằng hai hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển mà không có bất kỳ ưu tiên gì.
Được biết, Nghị định 161 quy định tiêu chí để giáo viên hợp đồng được xét tuyển đặc biệt là: Người ký hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập.
Nếu chiếu theo quy định này, thì hầu hết các giáo viên hợp đồng tại Hà Nội đều không giảng dạy trong các đơn vị tự chủ về tài chính.
Giáo viên hụt hẫng
Những thông báo của Hà Nội đã khiến hàng ngàn giáo viên hợp đồng đi từ hy vọng đến thất vọng. Một giáo viên hợp đồng tại huyện Sóc Sơn không khỏi thất vọng, buồn bã: “Việc lãnh đạo TP Hà Nội, Bộ Giáo dục đã hứa nhiều lần sẽ giải quyết vấn đề cho giáo viên hợp đồng, thậm chí nhiều đại biểu Quốc hội cũng cho rằng bắt các giáo viên có hàng chục năm công tác ra thi viên chức là không hợp lý và cần giải quyết nhân văn, ấy vậy mà vấn đề này không những không được giải quyết mà còn được đá qua đá lại. Phải chăng việc Hà Nội đưa ra thông tin xét tuyển đặc cách rồi nay lại thông báo không ai đủ điều kiện xét tuyển chỉ là cách để hoãn binh, kéo dài thời gian, tránh phản ứng của hàng ngàn giáo viên đang bất bình”?
Công tác trong ngành gần 17 năm, nhưng cuối cùng lại bị đơn phương chấm dứt hợp đồng vào ngày 31/5/2019, thầy Nguyễn Viết Tiến, giáo viên hợp đồng Thị xã Sơn Tây chia sẻ, không chỉ riêng bản thân thầy, mà cả vợ con, bạn bè xung quanh thầy cũng cùng chung nỗi thất vọng.
Sau nhiều lần cùng các đồng nghiệp từ nhiều huyện, thị khác của Hà Nội gửi đơn, đến tận trụ sở tiếp dân của UBND TP Hà Nội kêu cứu, thầy Tiến và các giáo viên hợp đồng khác đã nhận được sự quan tâm của TP Hà Nội. Điều này thể hiện rõ qua phát ngôn của chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung rằng sẽ xét tuyển hết số giáo viên hợp đồng có đủ các điều kiện.
Thầy Nguyễn Viết Tiến buồn bã khi bị đơn phương chấm dứt hợp đồng, nhận bảo hiểm thất nghiệp đúng ngày khai giảng. |
“Ngày 12/8/2019 trong cuộc họp tổng kết năm học 2018- 2019 Chủ tịch Nguyễn Đức Chung lại một lần nữa gieo hy vọng khi nói rằng sẽ xét tuyển hết số giáo viên hợp đồng từ 5 năm trở lên gần 800 người và sẽ xét tuyển trước khai giảng năm học mới 2019- 2020. Nhưng ngày khai giảng năm học mới đã qua (ngày 5/9/2019) chúng tôi cũng không nhận được bất cứ một quyết định nào từ các cấp lãnh đạo TP Hà Nội.
Thay vào đó trong ngày khai giảng năm học mới sau 17 lần đón ngày khai trường trong tâm trạng xốn xang, báo nức thì tôi lại đi nhận quyết định hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp. Thật vô cùng đắng cay cho phận giáo viên hợp đồng như tôi sau gần 20 năm cống hiến cho nghành giáo dục giờ trở thành con số 0 tròn trĩnh.
Đến thời điểm này chúng tôi lại nhận được thông báo không ai được xét tuyển đặc biệt, nên không khỏi thắc mắc về tính pháp lý phát ngôn của Chủ tịch TP có giá trị hay không?”./.
PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, quận, huyện nào đã nhận giáo viên làm việc hợp đồng thì phải có trách nhiệm bảo đảm quyền lợi cho họ. Ngoài ra, trong số hàng trăm giáo viên hợp đồng có nhiều người có thâm niên công tác lâu năm (từ 10 -20 năm), kinh nghiệm và thành tích giảng dạy thì các quận, huyện nên xem xét đặc cách cho những đối tượng này.
Còn nếu tổ chức thi tuyển thì các quận, huyện cũng nên xem xét cộng điểm cho những giáo viên có nhiều năm công tác, thành tích giảng dạy so với những giáo viên bình thường khác. Các quận, huyện không nên “đổ đồng” thi tuyển tất cả giáo viên đã làm việc hợp đồng với người bắt đầu thi công chức. Vì như vậy sẽ không công bằng và đảm bảo quyền lợi cho những giáo viên hợp đồng lâu năm.
Gần 300 giáo viên hợp đồng Sóc Sơn khóc nghẹn vì có nguy cơ mất việc
Hàng trăm giáo viên hợp đồng tới phòng tiếp dân của Hà Nội kêu cứu
Vụ giáo viên hợp đồng 3 tháng, không BHXH: Huyện Mỹ Đức đã phạm luật?
Giáo viên hợp đồng Hà Nội có cơ hội được tuyển dụng đặc biệt