Hiệu trưởng được tuyển dụng giáo viên: Tuyển sai phải bị xử lý
VOV.VN -Việc hiệu trưởng các trường THPT ở TP HCM sẽ được tự tuyển dụng giáo viên cần sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chức năng...
Sở GD-ĐT TP HCM vừa cho biết, năm học 2018-2019 sẽ bắt đầu thực hiện chủ trương tự chủ biên chế và tổ chức trong các trường THPT, tiến tới sau năm 2020, 100% các trường THPT sẽ tự chủ về nhân sự.
Trước tiên, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và Trần Đại Nghĩa được Sở GD-ĐT TP HCM giao tự chủ tuyển dụng giáo viên, nhân viên từ năm học 2018-2019.
Từ năm học 2018-2019, TP HCM sẽ bắt đầu thực hiện chủ trương tự chủ tuyển dụng giáo viên trong các trường THPT (ảnh minh họa) |
Các trường THPT thực hiện mô hình tiên tiến, trường THPT có lớp chuyên như Lê Quý Đôn, Nguyễn Thượng Hiền, Gia Định, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Hữu Huân, Nguyễn Du, Nguyễn Hiền sẽ được thực hiện việc này theo lộ trình. Sau đó, các trường nội thành, trường có đủ điều kiện sẽ thực hiện.
Đại diện lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM cho biết, Sở đã lấy ý kiến và nhận được sự đồng tình của hiệu trưởng các trường THPT.
Để giám sát chất lượng và đảm bảo tính công khai, minh bạch, Sở sẽ thẩm định hồ sơ của tất cả ứng viên trúng tuyển trước khi trường ký hợp đồng chính thức. Đồng thời, Sở GD-ĐT TP HCM sẽ làm công tác tư tưởng với hiệu trưởng các trường, tránh việc tuyển dụng không hợp lý.
Cần có sự tổng kết trước khi nhân rộng
Trước thông tin các trường THPT của TP HCM sẽ thực hiện tự chủ biên chế và tuyển dụng giáo viên, cô giáo Mai Thị H (giáo viên trường THPT Nguyễn Hiền) cho biết, đúng là hiện nay, nhiều trường học ở TP HCM vẫn đang trong tình trạng thừa-thiếu giáo viên nhưng lại cứ phải đợi chờ biên chế từ Sở Nội vụ, địa phương phân. Có trường học thừa giáo viên dạy môn Toán, Lý, Hóa nhưng lại thiếu giáo viên dạy môn Nhạc, Họa, Thể dục... cho nên rất khó chủ động trong việc điều tiết giáo viên giảng dạy cho học sinh.
Việc ngành Giáo dục TP HCM thực hiện giao cho các trường tự chủ trong tuyển dụng giáo viên sẽ góp phần giúp các trường tuyển dụng được giáo viên giỏi, có năng lực. Đồng thời chọn được người dạy phù hợp với nhu cầu thừa- thiếu giáo viên các môn của từng trường.
Trước tiên, việc thí điểm nên thực hiện ở những trường THPT chất lượng cao, có điều kiện về cơ sở vật chất và được phụ huynh chấp thuận. Sau 1 năm thực hiện thì ngành Giáo dục TP HCM có thể tổ chức tổng kết, xem có mặt nào tích cực, điểm nào còn hạn chế thì mới nên nhân rộng ra toàn thành phố.
Những đề xuất “táo bạo” về bỏ biên chế giáo viên và đào tạo sư phạm
Lãnh đạo trường học cũng phải ký hợp đồng
Đóng góp về việc năm học 2018-2019 sẽ bắt đầu thực hiện chủ trương tự chủ biên chế và tổ chức trong các trường THPT, tiến tới sau năm 2020, 100% các trường THPT sẽ tự chủ về nhân sự, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, những giáo viên giỏi sẽ không sợ mà chỉ có những giáo viên yếu kém, lơ mơ về trình độ và năng lực thì mới sợ tuyển dụng theo hợp đồng, trả lương theo chế độ hợp đồng,.
Khi các trường THPT tự chủ tuyển dụng, ký hợp đồng lao động sẽ thu hút được nhiều giảng viên giỏi vào giảng dạy. Việc thực hiện nên áp dụng cả đối với những người có trình độ, kinh nghiệm giảng dạy lâu năm và nên thực hiện đồng loạt ở tất cả các cấp học; không nên ký hợp đồng lao động quá dài mà có thể thực hiện từ 3-5 năm. Sau thời gian này, nếu giáo viên cảm thấy họ không thể đáp ứng được công việc thì có thể xin nghỉ dạy. Người nào mới tốt nghiệp thì có thể ký hợp đồng thử việc. Trong thời gian thử việc, nếu thấy họ làm tốt công việc thì nhà trường có thể tuyển dụng tiếp.
Việc tự chủ biên chế, tuyển dụng giáo viên không chỉ ở mỗi thầy cô giáo mà cả ở những người quản lý của ngành giáo dục. Ở trường học, ban lãnh đạo trường là hiệu trưởng, hiệu phó cũng phải ký hợp đồng lao động. Tuy nhiên, việc thí điểm này nên có sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chức năng vì có thể hiệu trưởng ưu ái người thân quen, người nhà mà không tuyển được người giỏi thực sự vào giảng dạy ở trường học. Nếu hiệu trưởng không làm tốt việc tuyển dụng thì phải có hình thức xử lý nghiêm như miễn, thôi giữ chức vụ và có hình thức xử phạt nghiêm khắc./.
Những đề xuất “táo bạo” về bỏ biên chế giáo viên và đào tạo sư phạm
Bộ GD-ĐT đưa ra yêu cầu mới về tinh giản biên chế giáo viên
Đề xuất chế độ cho giáo viên dạy mầm non những năm 70