Hồ sơ giảm mạnh, thí sinh không mặn mà với tuyển sinh riêng
Một trong những nguyên nhân khiến hồ sơ đăng ký dự thi giảm là do học sinh đã biết cân nhắc đối với chọn ngành nghề cho tương lai.
Các Sở GD-ĐT khu vực phía Bắc vừa bàn giao hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2014 tới các trường. Theo thống kê, lượng hồ sơ của các tỉnh năm nay đều giảm mạnh khoảng 30 - 40%. Tuy nhiên hồ sơ khối ngành kinh tế vẫn chiếm nhiều nhất.
Cụ thể, tỉnh Thanh Hóa, thống kê có 48.958 hồ sơ dự thi ĐH, CĐ), giảm 14.211 hồ sơ so với năm 2013. Trong tổng số hồ sơ đăng ký dự thi thì số lượng hồ sơ nộp vào đại học chiếm tới 95%.
Năm nay, thành phố Hà Nội nhận được khoảng 156.000 hồ sơ, giảm 10.000 hồ sơ so với năm 2013. Tại Hà Nội, riêng Học viện Tài chính, lượng hồ sơ mà thí sinh nộp vào đã tăng gấp hai lần so với năm 2013, với khoảng hơn 6.000 hồ sơ.
Tỉnh Nam Định, số lượng hồ sơ năm nay cũng giảm mạnh, tổng hồ sơ nhận được là hơn 37.000 bộ hồ sơ, giảm khoảng 6000 bộ so với năm trước. Lượng hồ sơ nộp nhiều nhất vẫn là trường ĐH Công nghiệp Hà Nội.
Tỉnh Thái Bình, tổng số hồ sơ mà tỉnh nhận được là 35.785, giảm khoảng 8.000 hồ sơ so với năm trước. Số hồ sơ mà thí sinh nộp vào khối ngành kinh tế - tài chính chiếm khoảng hơn 20% tổng số hồ sơ.
Tỉnh Hòa Bình, năm nay nhận được 6.300 hồ sơ, giảm khoảng 30% so với 2013; tỉnh Sơn La giảm khoảng 2.000 hồ sơ. Riêng hồ sơ khối ngành tài chính- ngân hàng của tỉnh Sơn La tăng khoảng 30% so với năm 2013.
Tương tự, tỉnh Hải Phòng năm nay giảm 6.000 hồ sơ; tỉnh Phú Thọ giảm 4.000 hồ sơ; tỉnh Ninh Bình giảm khoảng 3.000 hồ sơ; tỉnh Vĩnh Phúc, tổng số hồ sơ nhận được là 14.335, giảm 5.019 hồ sơ (19,2%) so với năm 2013...
Bà Vũ Thị Bích Ngọc, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp Sở GD- ĐT Vĩnh Phúc cho biết, nhóm ngành tài chính ngân hàng mặc dù đã được khuyến cáo thừa nhân lực nhưng số thí sinh nộp hồ sơ lại tăng hơn so với năm 2013: Học viện Tài chính có 556 hồ sơ (tăng 353 hồ sơ, tỷ lệ tăng là 173%); ĐH Kinh tế Quốc dân có 359 hồ sơ, tăng 19,3%; Học viện ngân hàng tăng 11,3%; ĐH Ngoại thương tăng 16,4%.
Theo thông tin từ nhiều tỉnh, như mọi năm, các trường nhận được nhiều hồ sơ vẫn thuộc về ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Nông nghiệp Hà Nội, ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp.
Lượng hồ sơ giảm do kinh tế khó khăn
Nhận định về xu hướng giảm mạnh hồ sơ, lãnh đạo Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc cho biết, lệ phí hồ sơ đăng ký dự thi và lệ phí thi năm nay là hơn 100.000 ngàn/bộ, trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay nên nhiều gia đình đã cân nhắc, không cho con em họ nộp hồ sơ tràn lan.
“Hồ sơ giảm mạnh là một tín hiệu tích cực, như vậy hồ sơ ảo cũng sẽ giảm, sẽ tạo điều kiện cho các trường đại học thuận lợi khi xử lý dữ liệu, thuê phòng thi và cũng đỡ phải bù lỗ do phải đầu tư cả chi phí cho những suất thi ảo” - lãnh đạo Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc chia sẻ.
Ông Võ Tấn Long, phó Phòng GD Chuyên nghiệp, Sở GD-ĐT Hải Phòng nhận xét, nguyên nhân khiến hồ sơ đăng ký dự thi giảm hẳn là do học sinh đã tính kỹ hơn, chọn trường “chuẩn hơn”. Hơn nữa, lệ phí dự thi ngày càng đắt, cơ hội xét tuyển ngày càng nhiều nên không còn hiện tượng thí sinh “rải” hồ sơ khắp nơi như trước.
Ông Phạm Hữu Bản, Sở GD-ĐT tỉnh Thái Bình cho rằng, có 4 nguyên nhân chính khiến lượng hồ sơ ảo giảm mạnh là do sự giảm cơ học số lượng học sinh lớp 12. Bên cạnh đó, sự định hướng nghề nghiệp cho thí sinh đã có sự bài bản hơn. Thí sinh phần nào nhận ra ĐH không phải là con đường duy nhất để lập nghiệp nên chọn cho mình nhiều hướng đi khác. Bên cạnh đó, sự vươn tay của các trường nghề, len lỏi vào các trường THPT để tuyển sinh.
Thí sinh không mặn mà với tuyển sinh riêng
Theo phản ánh của hầu hết các Sở GD-ĐT, việc thí sinh nộp hồ sơ vào các trường có tuyển sinh riêng hầu như rất ít với số lượng không đáng kể.
Nhiều sở GD-ĐT còn không có số liệu thống kê về số thí sinh nộp hồ sơ tuyển sinh riêng, nhiều Sở còn lại chỉ thống kê được một vài hồ sơ. Điển hình nhất là Sở GD-ĐT Thái Bình thống kê được khoảng 20 hồ sơ mà thí sinh thi tuyển vào trường có tuyển sinh riêng./.