Học ngành gì để ra trường có việc tốt, lương cao?
VOV.VN - Chỉ còn ít ngày nữa các thí sinh trên cả nước sẽ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển cao đẳng, đại học. Vấn đề về chọn ngành, chọn nghề, cơ hội việc làm sau khi ra trường đang được nhiều em quan tâm.
Học ngành nào để có cơ hội việc làm tốt, nhận mức lương hấp dẫn trong khoảng 4-5 năm tới là câu hỏi được nhiều thí sinh đưa ra tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp năm 2021 đang diễn ra hôm nay (11/4) tại ĐH Bách khoa Hà Nội.
Trả lời câu hỏi này, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm khảo thí, Phó Trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, một số ngành nghề thời điểm hiện tại rất “hot” nhưng chưa chắc trong tương lai đã có nhu cầu nhân lực cao. Quan sát nhu cầu thị trường lao động những năm gần đây, GS Nguyễn Tiến Thảo cho rằng, một số ngành đã và đang tiếp tục có xu hướng phát triển bền vững như công nghệ thông tin, tự động hóa, cơ điện tử…
Song GS.TS Nguyễn Tiến Thảo cũng nhấn mạnh rằng, một xã hội muốn phát triển bền vững luôn cần tất cả các ngành. Khi một ngành nào đó phát triển sẽ kéo theo sự phát triển của những ngành liên quan khác.
Dự báo thêm về nhu cầu nhân lực, thầy Thảo cho rằng các ngành có nhu cầu lớn trong tương lai như giao thông vận tải, cơ khí, ô tô, điều khiển tự động hóa, ngôn ngữ, y học. Điểm chung của các ngành này hầu hết đều thuộc khối khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, y dược...
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa Hà Nội lại lưu ý thí sinh cần phân biệt “ngành hot" và ngành dễ kiếm việc làm sau khi ra trường.
"Một số ngành thí sinh chưa nắm rõ thông tin, ít đăng ký và được cho là không "hot" nhưng sinh viên học đến năm thứ 3, thứ 4 đã được các doanh nghiệp săn lùng như luyện kim, kỹ thuật vật liệu… Điểm chuẩn vào các ngành này cũng thấp hơn nhiều so với những ngành khác. Năm 2020, điểm chuẩn tại ĐH Bách khoa Hà Nội khoảng 23 điểm, nhưng nhu cầu thị trường rất lớn. Hay ngành kỹ thuật môi trường ít em lựa chọn, tuy nhiên, khoảng 5 năm nữa chắc chắn ngành này sẽ rất nóng, hoặc ngành về năng lượng tái tạo… Các em đừng chỉ nhìn vào tự động hóa, CNTT… những ngành quan trọng nhất cần cho sự phát triển là cơ khí, hóa học…”, thầy Điền nhấn mạnh.
PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng ĐH Giao thông Vận tải cho rằng, mục tiêu của Việt Nam giai đoạn 2030-2045 sẽ trở thành nước phát triển. Để hiện thực hóa điều này, trong thời gian tới cần đẩy mạnh việc xây dựng hạ tầng cơ sở như giao thông, cảng biển… chuyển đổi số, do đó các ngành về kỹ thuật sẽ có nhu cầu rất lớn. Cuộc cách mạng 4.0 sẽ đưa sản xuất từ tự động sang thông minh, quá trình đó cũng sẽ đòi hỏi có nền tảng kỹ thuật. Do đó cơ hội việc làm những ngày này trong tương lai còn rất rộng mở.
Một thí sinh đặt câu hỏi, có nguyện vọng thi vào ngành công nghệ sinh học, nhưng lo ngại về cơ hội việc làm sau khi ra trường. TS Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng Chính trị, công tác học sinh viên ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, khi học bất cứ ngành nào, nếu sinh viên tốt nghiệp có kỹ năng, chuyên môn, ngoại ngữ sẽ không bao giờ lo thất nghiệp.
Nếu sinh viên thất nghiệp, cần hỏi ngược lại quá trình rèn luyện ra sao, khả năng ngoại ngữ đến đâu, có đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp đặt ra hay không. Với ngành công nghệ sinh học, thầy Bình cho rằng, cơ hội việc làm là rất lớn: “Trong đại dịch Covid-19, nhiều chuyên gia về công nghệ sinh học tham gia vào việc phân loại, xét nghiệm Covid-19, hay sau khi học xong, các em có thể làm về công nghệ thực phẩm, kiểm nghiệm thực phẩm, làm trong các nhà máy chế biến hoặc các phòng xét nghiệm tại các bệnh viện”.
Các chuyên gia cho rằng, khi chọn ngành, chọn nghề, trước hết thí sinh cần căn cứ trên năng lực, sở trường của bản thân, đối chiếu với mức điểm chuẩn các năm để đưa ra quyết định phù hợp nhất./.