Học sinh dễ đạt được điểm 8 môn Giáo dục công dân

VOV.VN -Nhiều giáo viên cho biết, đề thi Giáo dục công dân không quá khó, chủ yếu tập trung ở chương trình lớp 12 và một số bài lớp 11.

Cô Phạm Thị Thanh Huyền (trường THPT Hoàng Cầu) cho rằng, đề thi môn Giáo dục công dân năm nay bám sát với ma trận đề thi minh họa lần 2 năm 2020 của Bộ GD-ĐT công bố trước đó.

Câu hỏi vận dụng chiếm 25% (10 câu cuối) phân hóa được học sinh ở điểm 9-10.

4 câu thuộc kiến thức lớp 11: 84, 92, 93,  90 ở mức độ nhận biết, học sinh có thể dễ dàng lấy được điểm ở những câu này.

40 hỏi bao quát được kiến thức cơ bản trong chương trình ôn luyện theo đúng nội dung tinh giản mới của năm 2020 phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19.

 

"Có nhiều câu vận dụng hay, bám sát vấn đề thực tiễn và đời sống, giúp học sinh có thêm kĩ năng và hiểu biết để giải quyết những tình huống phát sinh trong đời sống hàng ngày cho chính minh và những người xung quanh. Ví dụ như câu 113 (vấn đề phòng chống cháy nổ); câu 118 (về tiếp sức mùa thi); câu 111 (xuất phát từ 1 sự việc có thật được báo chí phản ánh về nêu gương học sinh lớp 7 chủ động dọn rác tại miệng cống thoát nước).

Với đề thi này, những học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản theo chương trình trên lớp có thể dễ dàng đạt được điểm 8', cô Huyền nhận định.

Giáo viên này cũng cho rằng, câu 116 (mã đề 320) là một câu hỏi hay, mang tính giáo dục và tuyên truyền về ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Trong trường hợp cụ thể của câu hỏi, học sinh không chỉ xác định được hành vi vi phạm của chủ thể trong câu hỏi, mà còn giáo dục học sinh ý thức đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật thông qua quyền tố cáo của mỗi công dân.

Cô Nguyễn Thị Thanh Nhàn, giáo viên Trường THCS-THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội) cũng cho rằng, nội dung các câu hỏi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12 và một số bài của lớp 11.

Với mã đề 301 có 4 câu ở trong chương trình lớp 11, gồm: câu 82, 87, 96, 99. Những câu này chủ yếu ở mức độ nhận biết và tập trung ở 4 nội dung về tiền tệ, quy luật giá trị, cung cầu, công dân với sự phát triển kinh tế.

"Nhìn chung, đề thi đánh giá được năng lực học sinh, có sự phân bổ mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận cao phù hợp, có nhiều câu hỏi tình huống hay, gắn liền với thực tiễn, học sinh có thể dễ dàng trả lời", cô Nhàn nhận định.

Cô Nguyễn Thị Thanh Nhàn lấy ví dụ, câu 113 có câu hỏi về các nhân viên y tế đã luôn tiên phong trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19. Với câu hỏi này không chỉ giúp các em hiểu được đóng góp của những người tiên phong trong công cuộc phòng chống dịch mà còn khắc sâu về một quyền quan trọng của công dân, đã được học trong chương trình giáo dục công dân lớp 12 là quyền tự do ngôn luận.

Hoặc câu 114, hỏi về một việc làm nhân văn, ý nghĩa của một công dân dùng tiền tiết kiệm của mình để hỗ trợ chi phí phẫu thuật cho trẻ bị hở hàm ếch. Câu này gắn liền với bài học về thực hiện pháp luật. Với những câu hỏi như vậy đã đạt được mục tiêu kép, vừa giáo dục được đạo đức, ý thức công công dân, vừa gắn liền với bài học trong chương trình.

Giáo viên này cho rằng, với cách ra đề môn Giáo dục công dân năm nay, học sinh chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản là có thể đạt được 8 điểm.

Trong bài thi tổ hợp KHXH thì môn GDCD luôn được học sinh đánh giá là đề “gỡ điểm” cho 2 môn còn lại vì kiến thức rất sát với thực tiễn, đều là kiến thức về kinh tế - pháp luật, rất gần gũi với các em. Chính vì vậy, việc học và ghi nhớ của các em cũng dễ và thuận lợi hơn so với các bộ môn khác./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên