Đại sứ Liên minh châu Âu tại Sudan bị tấn công ngay tại nhà riêng
VOV.VN - Thông tin ngoại giao tại châu Âu tối ngày 17/04 cho biết, Đại sứ Trưởng phái đoàn ngoại giao Liên minh châu Âu tại Sudan đã bị tấn công ngay tại nhà riêng, trong bối cảnh xung đột quân sự tiếp tục bùng phát tại quốc gia châu Phi này.
Trong thông báo đăng trên Twitter cá nhân vào lúc nửa đêm ngày 17/04, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell cho biết, Đại sứ Liên minh châu Âu tại Sudan đã bị tấn công ngay tại nhà riêng. Hiện chưa rõ tình trạng sức khoẻ của nhà ngoại giao cấp cao châu Âu nhưng ông Josep Borrell đã công kích gay gắt vụ tấn công này, cho rằng đây là sự vi phạm thô bạo đối với Công ước Vienna 1961 về quan hệ ngoại giao, đồng thời khẳng định nhà chức trách Sudan phải có trách nhiệm bảo vệ an ninh cho các phái đoàn và nhân viên ngoại giao nước ngoài theo luật quốc tế.
Vụ tấn công nhằm vào Đại sứ Liên minh châu Âu ở Sudan diễn ra trong bối cảnh các cuộc giao tranh khốc liệt vẫn đang diễn ra tại thủ đô Khartoum của quốc gia Đông Phi, giữa lực lượng quân đội của chính phủ với nhóm bán quân sự mang tên “Lực lượng hỗ trợ nhanh” (RSF) của các tướng lĩnh nổi loạn. Các cuộc đụng độ đẫm máu từ vài ngày qua đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người và khiến hàng ngàn người bị thương.
Lời kêu gọi ngừng bắn và đối thoại từ cộng đồng quốc tế đều bị cả hai bên tham gia xung đột tại Sudan phớt lờ. Bộ Ngoại giao Sudan trước đó phát thông cáo cho biết, những gì đang diễn ra là chuyện nội bộ của Sudan và phải do nước này giải quyết, các lực lượng bên ngoài không thể can thiệp.
Trong buổi họp báo chiều ngày 17/04 tại Brussels, người phát ngôn về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu, bà Nabila Massrali cho biết, EU tiếp tục kêu gọi chấm dứt xung đột ngay lập tức tại Sudan để bảo vệ thường dân. Ngoài ra, ưu tiên trước mắt của châu Âu là bảo đảm an ninh cho các công dân châu Âu đang kẹt lại tại Sudan.
“Về số công dân châu Âu, theo các ước tính của các quốc gia thành viên EU, hiện chỉ có số ít công dân EU đang có mặt tại Sudan, vào khoảng vài trăm người. Bảo đảm an ninh cho các công dân này là ưu tiên hàng đầu và chúng tôi đang nỗ lực hết sức để trợ giúp các quốc gia thành viên trong vấn đề này”./.