Học sinh Hà Nội phải giỏi hơn các nơi khác?
“Cấm cửa hàng trò chơi điện tử trong phạm vi 200m tính từ cổng trường, học sinh Hà Nội phải học trên chuẩn…”. Xã hội đang đặt ra nhiều yêu cầu cho Ngành Giáo dục. Thế nhưng, các giải pháp xem ra rất đơn lẻ, thiếu sự phối hợp đồng bộ.
>> Bội thực vì lồng ghép chương trình giáo dục
Quốc hội đang bàn về dự án Luật Thủ đô, trong đó có điều khoản học sinh thủ đô phải học trên chuẩn. Chuẩn ở đây có lẽ là Chuẩn kiến thức, kỹ năng mà Ngành Giáo dục mới soạn thảo và áp dụng cách đây chừng 2 năm. Việc này có thể thực hiện, có thể không, vì đang bàn. Tuy nhiên, qua sự kiện này cũng xin nêu một vài nhận xét.
Không biết căn cứ vào đâu để người ta buộc học sinh Thủ đô phải học trên chuẩn? Phải chăng vì lý do Thủ đô có đủ điều kiện (cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên…) nên phải học trên chuẩn? Nghĩ vậy xem ra đơn giản quá! Ước mong học sinh Thủ đô học giỏi là chính đáng nhưng không nên lấy ý chí chủ quan mà áp đặt. Chất lượng giáo dục liên quan đến nhiều yếu tố chứ không chỉ có điều kiện vật chất và đội ngũ giáo viên.
Trong giáo dục, cùng một địa bàn, thật khó có được một mức trình độ học sinh ngang bằng, nhất là trong bối cảnh Hà Nội mở rộng. (Ảnh: Việt Hùng) |
Trong khi Ngành Giáo dục đang cố thoát khỏi sự ràng buộc của một vài chỉ tiêu như tỷ lệ học lực khá, giỏi, lên lớp, tốt nghiệp… để tránh bệnh thành tích thâm căn cố đế, thì dự thảo Luật Thủ đô lại tiếp tục đưa ra một cái đích để thày trò và nhà trường phải đạt. Nếu điều luật này được thực thi thì giáo viên và học sinh lại tiếp tục lao vào một cuộc chạy đua chất lượng trong khi bóng ma thành tích vẫn quẩn quanh đâu đó.
Trong giáo dục, cùng một địa bàn, thật khó có được một mức trình độ học sinh ngang bằng, nhất là trong bối cảnh Hà Nội mở rộng. Chủ thể của giáo dục là con người với nhận thức khác nhau, do đó chất lượng học tập rất khác nhau. Lớp học không phải là ruộng lúa khảo nghiệm, mà bón cùng một loại phân, tưới cùng một loại nước, rồi đòi hỏi phải trổ bông như nhau… Một lớp học ở Sóc Sơn, ở Ba Vì khác xa về chất lượng và điều kiện với một lớp học ở nội thành. Bởi thế thật khó có sự đồng đều về học lực.
Cái chuẩn của Ngành Giáo dục mà chúng ta đang sử dụng đây cũng là sản phẩm của giải pháp tình thế. Nó buộc phải ra đời khi mà chương trình và SGK của chúng ta còn nhiều bất cập. Vì lẽ đó, cái chuẩn ấy cũng chẳng có gì bền vững cả, nhất là khi Ngành Giáo dục đang lên kế hoạch thay chương trình SGK vào năm 2015.
Ngành GD hiện đang áp dụng phương pháp dạy học phân hoá với mô hình phân ban, mục tiêu là phát huy năng lực từng học sinh. Vậy thì cái yêu cầu “trên chuẩn” kia có điểm gì đó không tương thích, thậm chí “lệch pha”.
Chẳng biết khi soạn thảo dự thảo Luật Thủ đô, Ngành Giáo dục có được đóng góp ý kiến gì hay không mà lại xuất hiện những ý tưởng lạ lùng?./.